TS. Nguyễn Minh Hòa: Vỉa hè của ai, cho ai?

TS. Nguyễn Minh Hòa - 07:00, 27/09/2017

TheLEADERNhiều người nổi tiếng và cả thân bại danh liệt vì cái vỉa hè nho nhỏ này...

TS. Nguyễn Minh Hòa: Vỉa hè của ai, cho ai?
TS. Nguyễn Minh Hòa. Ảnh Tuổi trẻ

LTS: Việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, TP. HCM “tái xuất” dẹp vỉa hè với những phát ngôn gây sốc đang tạo sóng dư luận. Để có kết qủa bền vững trong việc tạo lập mỹ quan đô thị chắc chắn không chỉ dựa vào biện pháp hành chính. Nhận định của các nhà báo, nhà nghiên cứu, doanh nhân trong chuỗi bài khởi đăng trên TheLEADER sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

Bài 2: Hãy nhìn nhận vỉa hè như một không gian đa chức năng 

(TS. Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Châu Á tại Việt Nam)

Muốn khu vực 930 ha của quận 1, TP. HCM, trở thành một Singapore thu nhỏ thì cần một chiến lược phát triển kinh tế xã hội và giáo dục đồng bộ, thêm vào nữa là quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế xã hội khoa học, như thế mới duy trì được thành quả lâu dài, bền vững, nếu không Đoàn Ngọc Hải chỉ là một hiện tượng loé lên trong một vài khoảnh khắc.

Vỉa hè không chỉ để cho bộ hành

Vỉa hè là nơi ta hàng ngày bước chân lên nó, nhưng vỉa hè lại không phải là sản phầm của người Việt. Người Pháp làm ra cái vỉa hè ở khu vực trung tâm mà di sản vẫn còn lại đến ngay hôm nay cho là vào khoảng năm 1900 (hoặc sớm hơn một chút), khi mà những chiếc xe hơi đầu tiên hiệu Renault xuất hiện.

Lúc ấy, để đảm bảo cho người tham gia giao thông và nhà dân hai bên đường, người Pháp phân định rất rõ đường đi trong thành phố gồm 2 phần rõ rệt là lòng đường và vỉa hè. Vỉa hè được làm cao hơn lòng đường và dành cho người đi bộ. Theo năm tháng dân cư Sài Gòn đông đúc dần lên, đến nay đã tròm trèm 10 triệu chưa kể 2,5 triệu người vãng lai, hàng trăm nghìn cửa hàng mặt phố bung ra san sát sau đổi mới, vậy là vỉa hè trở thành nơi làm ăn lý tưởng cho rất nhiều người.

Cái vỉa hè xưa kia chỉ gánh có một chức năng là cho người đi bộ thì nay phải gánh không biết bao nhiêu thứ khác nữa như buôn bán, để xe, và cả những thứ bất động như trạm gọi điện thoại, trạm rút tiền thẻ ATM, trạm xe bus, cột nước chống cháy, cột đèn, ghế đá, bồn hoa, thảm cỏ,… 

Những người đầu tiên kiến tạo nên vỉa hè không thể biết được một ngày nào đó nó trở thành tâm điểm ồn ào và thu hút sự chú ý của cả quốc gia. Nhiều người nổi tiếng và cả thân bại danh liệt vì cái vỉa hè nho nhỏ này.

Vỉa hè của ai, cho ai?

Không biết ai là người phát ngôn đầu tiên mà đưa đến việc các phương tiện thông tin đại chúng có giai đoạn tràn ngập các tít như “giành giật vỉa hè”, “đòi lại vỉa hè”, “cuộc chiến vỉa hè”, “dẹp loạn vỉa hè” “anh hùng vỉa hè”, mới nghe qua thấy hay nhưng ngẫm kỹ thấy có điều thật không ổn, bởi lẽ vỉa hè là của chung của tất cả chúng ta, vỉa hè là nơi rất nhiều bên hưởng lợi, do vậy không thể nói người dân chiếm lĩnh vỉa hè nay chính quyền đòi lại, và cũng không thể nói giành giật vỉa hè cho người đi bộ mà quên đi những người khác sống quanh và trên vỉa hè. 

Như thế vừa không đúng và không công bằng.

Vỉa hè quận 1, TP. HCM là nơi thú vị để du khách đi dạo bộ. Ảnh Zing

Có một điều không thể phủ nhận là lịch sử lâu dài của thành phố này đã tạo một kiểu kinh tế xã hội bám vào vỉa hè bao gồm: nhà kinh doanh mặt phố (shophouse) - kinh tế vỉa hè - xe máy. Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng thế giới vì các phố chuyên doanh, những con phố dài mút mắt chỉ kinh doanh duy nhất có một mặt hàng như vải vóc, vật liệu xây dựng, điện tử, thuốc bắc, đồ sành sứ, hoa giả,…trong cuộc nghiên cứu 2010 của Sở Văn hóa thể thao du lịch mà tác giả bài viết này làm chủ nhiệm đã thống kê được 72 loại hình hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ bám vào vỉa hè để mưu sinh.

Có một sự thật là việc sống nhờ vỉa hè không phải chỉ là người có cửa hàng, người buôn thúng bán bưng trên vỉa hè mà cả thành phố này cùng hưởng lợi từ đó, và cũng nhờ đó mà Nhà nước thu được thuế, các chính quyền địa phương cấp quận, phường có nguồn quỹ hoạt động. 

Do vậy mà nay chúng ta cần nhận thức lại, hành động quyết liệt nhằm hướng đến việc vỉa hè được sắp xếp lại một cách khoa học để cho mọi người cùng hưởng lợi, không chỉ người đi bộ, hộ gia đình có cửa hàng, người bán hàng rong, người mua hàng mà còn cả các tập đoàn, công ty của nhà nước và tư nhân. 

Trong việc hưởng lợi thì cố nhiên cả về phía chính quyền thành phố và Chính phủ qua thu thuế, bởi gắn bó với vỉa hè số phận của biết bao nhiêu người và nói rộng ra là của cả thành phố. Vỉa hè tưởng nhỏ, nhưng việc giải quyết nó không bao giờ thành công nếu chỉ tính lợi cho một phía, bởi bất cứ chính sách đô thị nào cũng mang tính chất “nhị nguyên”, tức là dân có lợi mà chính quyền cũng có lợi.

Nhìn ra các nước xung quanh, chả thiếu các khu trung tâm đô thị được hình thành cách nay vài trăm năm bởi người Pháp như Phnompenh, người Anh ở Kuala Lumpur, Singapore, người Tây Ban Nha ở Manila,.. các trung tâm này rất nhỏ, đường ngắn, vỉa hè hẹp, nhưng họ biết sắp xếp nên khá gọn gàng.

Các nhà phố thị (shophouse) được kinh doanh nhưng tuyệt đối không thò ra thụt vào ở vỉa hè, người bán hàng rong được sắp xếp vào nơi nhất định tiện kinh doanh theo giờ, các bãi đâu xe hơi, xe máy được bố trí hợp lý, nơi nào đất hẹp thì làm nhà cao nhiều tầng chứa xe, làm hầm ngầm, tận dụng các khoảng trống ở các hộ gia đình cho thuê xe dịch vụ theo giờ với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giúp người lái xe biết ngay chỗ nào còn trống.

Singapore không thể có được một xã hội xanh, sạch, đẹp, trật tự như ngày hôm nay nếu ông Lý Quang Diệu chỉ hướng đến việc làm sạch bong vỉa hè phục vụ cho giao thông bộ hành mà ông hướng đến xây dựng vỉa hè thành một không gian đa chức năng để cho tất cả mọi người cùng hưởng lợi, kể cả những người khách du lịch ghé qua một vài ngày.

Những giải pháp mà họ tiến hành là cho người dân và các tổ chức (công ty, văn phòng) thuê vỉa hè dài hạn, thực hiện các cam kết pháp lý song phương, dùng các giải pháp kỹ thuật tổ chức lại không gian vỉa hè-lòng đường theo 3 cấp (ở dưới lòng đất, mặt bằng hiện hữu, trên cao), đảm bảo được sự công bằng, minh bạch, đồng thuận.

Quan điểm về sử dụng mặt bằng vỉa hè của họ rất rõ ràng rằng là vỉa hè hay lòng đường là không gian công cộng, anh khai thác sử dụng sinh lời thì phải trả tiền vào công quĩ, không có chuyện sử dụng miễn phí, số tiền đó được đưa trở lại với mục đích duy tu, bảo trì vỉa hè, đường xá và cảnh quan, môi trường.

Thực ra trong lịch sử không phải mọi chuyện đều êm thấm, có những lúc chính quyền Singapore, Bangkok, Hongkong, Jakarta tẩy chay buôn bán hàng rong, nhưng cho đến nay dường như tất cả mọi cơ quan công quyền của các thành phố trên thế giới đều coi việc buôn bán trên vỉa hè là một phần hữu cơ của đô thị.

Khu bán hàng rong tại đường Nguyễn Văn Chiêm mới được xây dựng ế khách.

Bất ngờ vỉa hè

Có khi nào bạn lý giải tại sao rất nhiều nhóm du khách nước ngoài đầu trần, áo quấn ngang lưng tay cầm chai nước, dưới trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại cứ thế đi dọc vỉa hè từ trung tâm ra các quận ven, từ quận 1 sang Chợ Lớn một cách miệt mài, hào hứng không? Đó chính là sức hấp dẫn toả ra từ chính phố phường, vỉa hè!

Các thành phố châu Âu được thiết kế theo những nguyên tắc của toán học và hình học không gian một cách cơ học và chính xác. Cả thành phố được thiết kế vuông vức như những ô bàn cờ, các hoạt động sống được vận hành theo những nguyên tắc mặc định. 

Nếu ở châu Âu chưa đi đã biết mười mươi ở phía trước là ngã tư, ngã năm; là những tiểu đảo, là những khối nhà vuông vức hình dạng giống nhau, nhưng ở Sài Gòn khi bạn đi hết đoạn phố này bạn không thể biết được ở đoạn phố phía trước như thế nào. Có cái gì khác lạ, bạn không biết nhưng bạn chắc dạ rằng nhất định còn có gì đó lạ lùng, hay hay ở phia trước nếu không đến thấy uổng. 

Chính những “bất ngờ”, “điều không đoán định” là yếu tốt hấp dẫn của phố phường.

Thậm chí ngay bạn là dân bản địa, đã đi qua con đường đó nhiều lần, nhưng vẫn có thể gặp những điều khác lạ mới mẻ. Những hoạt động sinh động diễn ra trên đường phố, dãy phố, vỉa hè liên tu bất tận đã tạo nên cái gọi là “đường sống” (living line), hay nói một cách khác là tạo nên linh hồn của đô thị. Người nước ngoài đến đây đâu phải ngắm cái nhà cao tầng, ngó cái đường cao tốc mà muốn khám phá cái “hồn của đô thị”, vậy lẽ nào chúng ta quyết triệt tiêu nó.

Khi ông Phó chủ tịch quận Tân Phú Nguyễn Quốc Thái cho rằng đằng sau mỗi gánh hàng rong là số phận của cả một gia đình thì điều đó không phải là ông tìm cách mị dân (lấy lòng dân) mà thực sự ông muốn chúng ta cùng chia sẻ với nhau quyền lợi và trách nhiệm trên cái vỉa hè. Có lẽ vì quan niệm này mà ông nhận được rất nhiều sự cảm thông chia sẻ.

Số phận người đi rong bán hàng

Tôi là một trong những người sớm nhất đến khu vực bán hàng trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm. Nhìn chung chất lượng, giá cả, hình thức chấp nhận được, nhưng vẻn vẹn chỉ có chừng 40 hộ kinh doanh, tới đây ở công viên Bạch Tùng Diệp sẽ có khoảng 20 hộ nữa được. Một khởi đầu tốt, nhưng từng ấy đâu có nhằm nhò gì với hàng chục nghìn hộ kinh doanh bám vỉa hè.

Hơn nữa, những người được vinh hạnh bán hàng ở hai nơi đó đều là người của quận 1, 3,và 4. Họ là những người nghèo, cận nghèo, và cả những người không nghèo mà đơn giản là không có chỗ bán hàng. Giả sử mô hình này được nhân rộng ra nữa thì nó không hướng đến đối tượng chính là “người bán hàng rong”.

Bán rong có hai loại rong từ xa tới một điểm cố định, chẳng hạn cứ mỗi buổi sáng một người bán chuối chiên từ Hóc Môn đến Hồ Con Rùa rồi chiều tối trở về nơi xuất phát; loại rong thứ hai là rong theo kiểu di động vòng vòng chạy tìm khách khắp nơi. Những người này mới là đối tượng cần hỗ trợ nhất.

Ở Bangkok, ngoài việc họ tổ chức các địa điểm cố định dành cho người bán hàng từ ngoại thành ra vào theo kiểu dao động “con lắc” thì họ còn nghiên cứu các tuyến đường mà những người bán rong di động mưu sinh, bằng cách họ khoanh những ô tròn hay vuông với diện tích khoảng 2m2 trên các đoạn vỉa hè không ảnh hưởng đến giao thông, người bán hàng rong chỉ được đậu ở đó bán hàng và sau một khoảng thời gian (1,2 tiếng) là di chuyển sang ô khác để cho bạn hàng khác kinh doanh. Vậy là họ vẫn di động, nhà nước vẫn quản lý tốt và vẫn thu được thuế.

Thái độ với cái vỉa hè

Chiến dịch giành lại vỉa hè được tiến hành từ tháng 1/2017, bắt đầu từ sự “xuống tay” của ông Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Sau 8 tháng, trên vỉa hè diễn ra nhiều chuyện bi hài khác nhau, có những lúc tưởng như phen này vỉa hè sẽ được giải quyết rốt ráo, nhưng chỉ duy trì được ba tháng đầu, mỗi khi ông Hải không xuống đường là mọi chuyện lại như cũ.

Từ câu chuyện này cơ quan công quyền các cấp phải nghiêm túc để chiêm nghiệm, rút ra các bài học sau đây: 

Thứ nhất, bất kỳ một tổ chức xã hội nào từ gia đình (đơn vị xã hội nhỏ nhất) đến một thành phố, một quốc gia luôn luôn cần được tồn tại trong một trạng sống bình thường, một chế độ vận hành thăng bằng, chỉ có thăng bằng và ổn định mới có thể phát triển được, và do vậy tất cả những gì gây ra trạng thái “đột ngột”, “shock”, “địa chấn” thì cần phải hết sức thận trọng, tránh để xảy ra và chỉ dùng trong những trường hợp tối cần thiết.

Vẫn biết nhiệt tình cách mạng là cần thiết, nhưng nó không thể thay thế cho các phương thức hoạt động khoa học, và đừng quên “phong trào” dù sao cũng chỉ là cơn “gió cuộn”, gió có mạnh mấy cũng đến lúc phải dừng, các hoạt động phong trào chỉ hợp với các hoạt động bề nổi của các nhóm xã hội, nhất là nhóm trẻ, nhưng trước số phận của 10 triệu dân thì các quyết sách cho hoạt động kinh tế xã hội cần một sự tỉnh táo, trầm tĩnh, quyết đoán của những chính khách lão luyện, cần sự khôn ngoan và thông tuệ của nhóm tham mưu, không bốc đồng, a dua.

Một điều quan trọng trong hoạt động chính trị là biết khởi xướng và biết cách duy trì thành quả lâu dài theo lộ trình, nếu quan niệm không đúng, phương pháp sai thì dù có nhiệt tình đến mấy cũng không thể duy trì thành quả bền vững. Sau chuyện này, bộ máy công quyền của thành phố Hồ Chí Minh cần nghiêm túc mổ xẻ và rút ra những bài học xương máu. Khi mà cuộc chiến giành lại vỉa hè đẩy đến cực đoan là chuyện chặt cây xanh, dỡ bỏ các mái đón che nắng mưa ở vỉa hè thì lập tức người dân đã nhận ra những động thái đi quá đà và một vài vị lãnh đạo cao cấp của thành phố cũng sớm nhận ra rằng không thể tiếp tục theo kiểu như thế.

Chính sự chỉ đạo không sát sao, không quyết đoán cho dừng phong trào này sớm hơn nên đã không đưa ông Hải trở thành “ngôi sao cô đơn” giữa đồng nghiệp và người dân.

Thứ hai, sai lầm của cơ quan công quyền đưa lại hậu quả khôn lường, cấp quản lý càng cao thì hệ quả của sai lầm càng lớn. Do vậy trước khi ban hành một chính sách hay thực thi các chương trình tác động mạnh mẽ đến quốc kế dân sinh thì bắt buộc phải thực hiện một chuỗi quy trình, gồm có: nghiên cứu, khảo sát -> xây dựng đề án-> tham khảo chuyên gia-> lấy ý kiến nhân dân-> xây dựng mô hình thử nghiệm-> điều chỉnh hợp lý-> triển khai thực tế-> tiếp tục điều chỉnh trong quá trình triển khai.

Những chương trình phức tạp đòi hỏi thực hiện nghiêm túc không được bỏ qua hay lướt đại khái bất cứ khâu nào, đòi hỏi chính quyền một tinh thần cầu thị “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn học hỏi”. Học hỏi các chuyên gia ngoài hệ thống công quyền, học hỏi người dân và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế của các thành phố khác. 

Ở đất nước này, và ở ngay thành phố này có biết bao nhiêu chính sách “non” bị chết yểu, biết bao nhiêu hoạt động thiếu thực tế mà người ta có thể kể ra được từ giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá đến quy hoạch.

Một chính sách, một quyết định thậm chí một phát ngôn thiếu cẩn trọng đều mang lại những hậu quả tiêu cực cho người dân hôm nay và cả mai sau, cách nay không lâu trong phút ngẫu hứng có vị lãnh đạo đã nói các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn sẽ lên quận và hiệu quả là thị trường bất động sản rối tung hết cả lên, nhiều người vớ bẫm, nhiều người ôm hận, còn chính quyền lại là người đi dẹp loạn.

Còn nhớ khi còn sống, chứng kiến cảnh đội trật tự đô thị thu gom quang gánh của bà con bán hàng rong, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có hài hước rằng:

“Lấy đá mà ném ao bèo

Bèo tan lại hợp phố phèo vẫn nguyên”

Mong sao thời gian tới đây cái phố phèo vẫn nguyên đất có lớp lang, trật tự hơn và hơn thế không mất đi cái sống động của phố thị. Muốn khu vực 930 ha trở thành một Singapore thu nhỏ thì cần một chiến lược phát triển kinh tế xã hội và giáo dục đồng bộ, thêm vào nữa là qui hoạch không gian và qui hoạch kinh tế xã hội khoa học, như thế mới duy trì được thành quả lâu dài, bền vững, nếu không Đoàn Ngọc Hải chỉ là một hiện tượng loé lên trong một vài khoảnh khắc.