TS. Phan Hữu Thắng: Làm gì để quản trị được tốt?

07:20, 15/08/2017

TheLEADERCâu hỏi này luôn luôn hiện diện trong mọi vấn đề quốc kế dân sinh, từ tầm quốc gia, cộng đồng, đến tổ chức, doanh nghiệp và thậm chí là từng gia đình.

TS. Phan Hữu Thắng: Làm gì để quản trị được tốt?
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Tạp chí The LEADER (tên tiếng Việt là Tạp chí Nhà quản trị) ra mắt bạn đọc và công chúng tại Hà Nội ngày 8/8/2017 vừa qua mà tôi là một trong các khách mời danh dự. Được nghe giới thiệu về định hướng phát triển của tờ báo điện tử được xem là sinh sau đẻ muộn trong làng báo trong nước hiện nay, tôi cảm thấy bị thu hút và là cảm hứng cho bài viết trao đổi này với chủ đề: “Làm sao quản trị được tốt”.

Theo Ban biên tập Tạp chí TheLEADER, đây là tờ báo, diễn đàn thông tin của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam với mục tiêu là: tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, góp phần nâng cao năng lực quản trị nói chung, đặc biệt là của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; TheLEADER mong muốn vươn tới là một trang báo điện tử với các thông tin kinh tế thiết thực có chiều sâu, là người bạn đồng hành hữu ích của các nhà quản trị.

Đây là một chủ đề lớn nhưng đang rất thời sự hiện nay ở trong nước. Câu hỏi “LÀM GÌ ĐỂ QUẢN TRỊ ĐƯỢC TỐT?” luôn luôn hiện diện trong mọi vấn đề quốc kế dân sinh, từ tầm quốc gia, cộng đồng, đến tổ chức, doanh nghiệp và thậm chí là từng gia đình. 

Làm sao để đào sâu nghiên cứu, ghi nhận thực tiễn và đề xuất các giải pháp từ thực tiễn cuộc sống, từ công việc kinh doanh, chuyện làm ăn của họ, từ trách nhiệm của họ với doanh nghiệp, gia đình và với cộng đồng, để có được kết quả kinh doanh hiệu quả gắn với phát triển bền vững.

Đây là những công việc có ý nghĩa thiết thực nhưng chắc sẽ không hề đơn giản nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay của làng báo “online” khi có quá nhiều loại báo này, và sự trùng lắp có phần nhàm chán của các thông tin đưa lại, sao chép hiện nay. 

Sự chạy đua tìm kiếm thông tin, tìm kiếm quảng cáo, tài trợ dẫn đến có phần làm phiền doanh nghiệp; đó là chưa kể đến hiện tượng “sáng treo-trưa gặp-chiều gỡ” của một số tờ báo không thể chấp nhận được, đã làm nản lòng và giảm niềm tin của độc giả, của doanh nghiệp vào tính nghiêm túc, minh bạch của báo chí.

Nhưng dẫu sao mỗi cơ quan báo chí cũng là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo chí, và cũng như các doanh nghiệp khác cũng cần hiểu rõ và soi chiếu chính mình trong quá trình hoạt động với vấn đề quản trị trong xã hội và quản trị trong nội bộ của mình.

Với mỗi tổ chức, doanh nghiệp, vấn đề "QUẢN TRỊ VỚI TẦM NHÌN - THỰC THI & TÁC ĐỘNG QUA LẠI CỦA QUẢN TRỊ” là những câu chuyện luôn luôn sống động, thiết thực và vô cùng thú vị mang nhiều ý nghĩa chứ không khô cứng như từ Quản trị mà nhiều người thường nghĩ.

Để QUẢN TRỊ tốt, người đứng đầu một doanh nghiệp (ở cấp vĩ mô là cơ quan quản lý nhà nước cấp trên liên quan) không những cần có một tầm nhìn XA (định hướng được mục tiêu phát triển doanh nghiệp ít nhất từ 10 năm trở lên, trong và sau thời gian đó từng bước điều chỉnh phù hợp với tình hình của thị trường, của bối cảnh nóng - lạnh kinh tế - chính trị - xã hội,..), mà còn phải có tầm nhìn RỘNG – tính được đến các lĩnh vực, yếu tố dù nhỏ khác, liên quan và có tác động đến lĩnh vực hoạt động, đến mục tiêu mà doanh nghiệp cần đạt được. 

Đồng thời phải xây dựng được các giải pháp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, tiếp đến là việc thực thi các giải pháp đó cần phải cụ thể, quyết liệt, sát sao, không hời hợt, cả nể... để đạt được mục tiêu đặt ra.

Thí dụ, có những việc tưởng giản đơn, nhưng không phải ai cũng nhìn ra và làm được, như có một chủ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tòa nhà cao tầng làm văn phòng cho thuê. Do đã xác định được trước mắt trong 5 năm tới và khả năng trong những năm sau đó không có đối thủ cạnh tranh trên địa bàn, nên đã kinh doanh rất hiệu quả tòa nhà sau khi xây dựng xong trong 5 năm đầu. 

Một việc chỉ rất nhỏ thôi về giải pháp nhân sự trong vận hành tòa nhà sau này, người chủ doanh nghiệp đã dám thay một nhân viên người nhà bằng một nhân viên mới. Người nhân viên mới đã làm việc có trách nhiệm và chỉ với một việc nhỏ là kịp thời đi tắt điện chung tại các hành lang, khu vệ sinh tòa nhà khi trời đã đủ sáng, đã giúp công ty tiết kiệm được chi phí hàng tháng kha khá.

Bên cạnh việc làm đó, người đứng đầu doanh nghiệp đã kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng rút ruột công ty qua mua sắm, bảo trì, sửa chữa tòa nhà, tham gia tổ chức các sự kiện không phù hợp…; nhờ đó đã xây dựng được một phương thức quản trị doanh nghiệp minh bạch, sòng phẳng, mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh.

Tuy nhiên trong quá trình hoạt động của mình, quản trị tồi từ bên ngoài xã hội đã có tác động lớn đến doanh nghiệp. Như sự kiểm tra – vòi vĩnh không minh bạch, thủ tục hành chính liên quan phức tạp, sự bùng nổ của các tòa nhà văn phòng cho thuê trên địa bàn sau 5 năm kinh doanh đầu tiên của doanh nghiệp, đã dẫn tới thực tế cung vượt cầu,…làm doanh nghiệp này điêu đứng.

Câu chuyện này cho thấy sự tác động qua lại của một nền quản trị nói chung, vừa phải đi từ trên xuống, từ bên dưới lên; từ vĩ mô đến vi mô và đến nội tại tổ chức, doanh nghiệp, để mang lại một hiệu quả chung cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nói rộng thêm về cuộc chiến "chống tham nhũng" hiện nay. Tuy đã được đặt ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn; tham nhũng vẫn còn tiếp tục dưới góc độ này, góc độ khác làm nhức nhối toàn xã hội, làm giảm lòng tin của người lao động. 

Nhưng điều quan trọng hơn là tham nhũng ở tầm vĩ mô sẽ làm thui chột các cố gắng quản trị tốt của tất cả các doanh nghiệp trong nước; còn ở tầm qui mô thì các tập đoàn, tổng công ty sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến các công ty con là thành viên (như vụ VINASHIN…).

Một ví dụ khác về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): bài học về các tác động xấu của xả thải ra môi trường tự nhiên của một số các doanh nghiệp FDI vẫn còn hiển diện. Vậy nên, dù có tầm nhìn xa là phải thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn ngay từ những ngày đầu tiên cách đây 30 năm (1987 khi lần đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam, nay là Luật Đầu tư, ra đời), nhưng công nghệ, thiết bị lạc hậu để xử lý chất thải vẫn được cho phép nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng và thiếu sự giám sát trong vận hành sau đó đã dẫn đến các hậu quả về môi trường nghiêm trọng, cho thấy việc thực thi không đáp ứng được đòi hỏi của tầm nhìn-mục tiêu đặt ra.

Quản trị tồi ở cấp vĩ mô này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của hàng loạt các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khu vực 4 tỉnh miền Trung hơn một năm trước đây (vụ FORMOSA ,…) cho thấy rõ hơn tác động qua lại của QUẢN TRỊ.

Từ các ví dụ trên cho thấy: Việc không thu hồi các tài sản có được do tham nhũng mà có, và việc vẫn để các doanh nghiệp FDI có ý đồ đưa công nghệ thấp vào Việt Nam để qua đó giảm chi phí đầu tư, kiếm lời nhiều - sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả QUẢN TRỊ của các doanh nghiệp Việt, dù họ có tài giỏi đến đâu.

Chỉ nói riêng trong phạm vi gây ô nhiễm môi trường: có thể có tham nhũng của các cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường nhằm thu lợi bất chính tại Việt Nam của một số các doanh nghiệp có vốn FDI. Đây là cặp “bài trùng“ cũng cần có các giải pháp QUẢN TRỊ cụ thể để xử lý.

Lời kết: Đất nước đang rất cần có thêm nhiều nhà quản trị giỏi có tâm có tầm để tham gia vào mọi khâu nối và mắt xích của nền kinh tế và nền quản trị xã hội, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và đầu tư