TS. Trần Du Lịch: 'Con dao hai lưỡi' AEC, FTA

Hương Xuân - 07:01, 26/10/2017

TheLEADERTheo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hiện chúng ta đã ký FTA , bên cạnh mối lo các nước ASEAN còn có thêm mối lo 6 nước rất mạnh nữa là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

LTS: Nói “cơn lũ” hàng Thái không phải là kiểu nói ví von vì hàng Thái đã và đang tràn vào Việt Nam với mức độ báo động đến nỗi cách đây hơn nửa tháng Bộ Công thương phải tiến hành họp khẩn bàn biện pháp ứng phó khi nhập siêu hàng thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD và còn tiếp tục gia tăng. Hàng Thái đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ ở Việt Nam và ở các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30% đế 50%.

Đánh giá thực trạng hàng Thái ở Việt Nam và ứng phó thế nào trước sự xâm nhập ngày càng tăng của hàng Thái? Chuyên đề "Ứng phó thế nào trước cơn lũ hàng Thái?" được TheLEADER thực hiện với các phân tích, kiến giải và đưa ra giải pháp của các chuyên gia kinh tế, nhà báo, doanh nhân.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, đây là một bài toán lớn: Nhập siêu đã di chuyển từ Trung Quốc sang Thái Lan, đặc biệt là Hàn Quốc về nhập nguyên liệu. Với Thái Lan, năm 2018 Việt Nam sẽ còn nhập siêu mạnh hơn, đặc biệt thị trường ô tô khi thuế suất về 0%. 

"Việc nhập siêu mạnh từ các nước ASEAN có quá trình phát triển tốt hơn như Thái, Malaysia, Indonesia... là một thách thức lớn khi AEC được thực thi”, ông Lịch nói.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Về câu chuyện nhập siêu ô tô, Toyota sản xuất tại Việt Nam, đồng thời cũng sản xuất tại Thái Lan, nhưng giá thành sản xuất tại Việt Nam lại đắt hơn 20% so với Thái Lan. Lâu nay giá thành đó cạnh tranh được là nhờ thuế nhập khẩu. Khi thuế về 0% thì ô tô Thái sẽ tràn vào. 

"Tôi có đến thủ đô Jakarta của Indonesia, tham quan 5 hãng ô tô nước ngoài làm ở đó, tỷ lệ nội địa hóa của họ cao hơn Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai, khi Thái Lan mua hệ thống siêu thị Việt Nam, nguyên tắc ai nắm phân phối, người đó chủ động điều hành hàng hóa. Họ muốn cho ai vô thì chỉ cần điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu, cho chiết khấu cao thì doanh nghiệp Việt làm sao vô? Chuyện này Saigon Coop biết rõ”, ông Lịch cho biết.

Theo ông Lịch có hai cách để ứng phó với thực trạng nói trên. Thứ nhất phải nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành. Thứ hai là các hệ thống phân phối trong nước phải mạnh lên. 

“Tôi buồn nhất là có thương hiệu vừa tổ chức được mạng lưới phân phối tốt lại bán đi cho nước ngoài, lấy một cục tiền là xong. Đây là vấn đề rất lớn khiến Việt Nam không thể có doanh nghiệp trở thành tư sản dân tộc. Tổ chức được mạng phân phối, sau đó niêm yết thị trường chứng khoán cho người ta mua cũng là nguy cơ. Mặc dù khi ta ký WTO là đương nhiên cho nước ngoài mở 1 cửa hàng, cửa hàng thứ 2 phải xin phép, đương nhiên khi đến Việt Nam, không ai mở 1 cửa hàng cả, họ không lo chuyện cho phép. Quan điểm của tôi lo nhất là mạng phân phối”, ông Lịch nói.

Vị chuyên gia này lo ngại, hiện chúng ta đã ký FTA , bên cạnh mối lo các nước ASEAN còn có thêm mối lo 6 nước rất mạnh nữa là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. 

“Ta xuất sang họ chưa nhiều nhưng hàng của họ xuất sang ta nhiều rồi. FTA là hiệp định thương mại cực kỳ mới, độ mở lớn hơn nhiều WTO, mở rộng đầu tư, nhất là nông nghiệp, đó là con dao hai lưỡi”, ông Lịch cho biết. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mối lo âu, TS. Trần Du Lịch cũng đề cập đến một tín hiệu tích cực đó là có hai nhà sản xuất dũng cảm đã đầu tư sản xuất ô tô là Trường Hải và VINFAST. 

"Năm ngoái Trường Hải đã động thổ nhà máy sản xuất ô tô Mazda 3 tỷ USD ở Chu Lai, muốn làm ô tô để xuất ngược trở lại khu vực với thuế suất bằng 0. Bây giờ là VINFAST quyết định khởi động sản xuất ô tô tại Việt Nam, không biết các võ sĩ lên đài thế nào, đây là nỗ lực để tương kế tựu kế, như trong nghệ thuật bóng đá, dùng chiến lược tấn công chứ không phòng ngự. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”, ông Lịch nhìn nhận.