Tự chủ đại học không có nghĩa là để các trường 'tự lo, tự bơi'

Quỳnh Chi - 13:22, 19/06/2018

TheLEADERTheo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tự chủ đại học cần thể hiện được vị trí trung tâm của các cơ sở giáo dục đại học trong đổi mới sáng tạo, từ đó ưu tiên đầu tư nguồn lực đúng hướng.

Tự chủ đại học không có nghĩa là để các trường 'tự lo, tự bơi'
Hiện đã có 23 thí điểm cơ sở giáo dục đại học tự chủ tại Việt Nam.

Quyền tự chủ tại các trường đại học ở Việt Nam đã được ghi nhận trong Luật Giáo dục từ năm 2005; theo đó trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường trong các hoạt động bao gồm:

Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề được phép đào tạo; xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng; 

Tổ chức bộ máy nhà trường; tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo, cán bộ, nhân viên; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; và hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Trong Luật Giáo dục đại học năm 2012, và Luật giáo dục đại học sửa đổi, quyền tự chủ một lần nữa đã được tái khẳng định. Theo điều 32 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế phù hợp với năng lực tự chủ; bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong từng lĩnh vực hoạt động phù hợp với năng lực tự chủ.

Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện nay, bộ này đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo Quyết định 77, và đang tiếp tục bước sang một giai đoạn về tự chủ cao hơn - bỏ chủ quản.

Hiện Bộ Giáo dục và đào tạo đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường đại học gồm Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP. HCM và Bách khoa Hà Nội theo cơ chế bỏ chủ quản.

Trao quyền tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình

Tại kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIV, việc đảm bảo vai trò của Hội đồng trường như một thiết chế nhằm thực hiện quyền tự chủ và cơ quan quyền lực cao nhất của cơ sở giáo dục đại học đã được các đại biểu tập trung thảo luận.

Để thật sự xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng khi giao quyền, cần có cơ chế để Hội đồng trường hoạt động đúng với vai trò, chức năng; đồng thời cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của Hội đồng trường, tránh hình thành các nhóm lợi ích.

Theo ông Mão, giao quyền tự chủ phải gắn với đổi mới quản trị đại học, tăng cường kiểm định chất lượng, công khai chất lượng kiểm định và các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, Hội đồng trường nên là cơ quan giám sát đưa ra các định hướng chiến lược; không nên tổ chức điều hành, nếu không sẽ làm mất đi ý nghĩa tự chủ của nhà trường; và hiệu trưởng cũng không nên nằm trong hội đồng trường.

Để phát huy vai trò của Hội đồng trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng cần phải có chế định để bảo đảm Hội đồng trường có năng lực quản trị tương xứng với thực quyền được giao, cơ quan chủ quản chỉ nên thực hiện quản lý nhà nước đối với trường đại học và có đại diện trong Hội đồng trường, không can thiệp vào những hoạt động thuộc phạm vi tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và về lâu dài cần tính đến lộ trình xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Bà cho rằng Việc trao quyền tự chủ cho trường đại học là một quá trình, trong đó năng lực giải trình của cơ sở giáo dục phải gắn với những điều kiện cụ thể và chỉ khi nào cơ sở giáo dục đại học bảo đảm các điều kiện nhất định thì mới được trao quyền tự chủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nhìn nhận, Luật giáo dục đại học phải cụ thể hóa được chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trường đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đúng hướng.

Theo đó, Luật cần phải thể hiện được quan điểm tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi; theo đó, không phải Nhà nước cắt kinh phí đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn.

Có cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cho rằng, tự chủ tài chính không có nghĩa là Nhà nước cắt đầu tư mà Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở kết quả xếp loại cơ sở giáo dục đại học, định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng.

Từ góc độ của một cơ sở giáo dục đại học, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, tự chủ không có nghĩa là không cấp ngân sách, tuy nhiên việc cấp ngân sách phải theo cơ chế đặt hàng để xóa bỏ tính chất bình đẳng bình quân.

Theo đó, cơ chế này sẽ khắc phục được tình trạng trường yếu kém nhưng vẫn được cấp ngân sách, vẫn đào tạo nhưng kết quả đầu ra không tốt, sinh viên tốt nghiệp không làm việc được, gây lãng phí ngân sách nhà nước đầu tư cũng như thời gian, công sức của người học.

Nói đến vấn đề tự chủ tài chính, hiện nhiều trường đại học đang lo lắng về cạnh tranh khi tăng học phí trong xu hướng tự chủ, có thể dẫn tới bất bình đẳng giữa giáo dục đại học công lập và tư thục.

Do đó, một số đại biểu cho rằng cần thận trọng việc luật hóa cơ chế công lập tự chủ về tài chính; bên cạnh đó cần quy định là các cơ sở giáo dục đại học cần công khai chi phí cụ thể của một suất đào tạo để xác định mức học phí cũng như có các chương trình hỗ trợ cho nhóm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tự chủ không có nghĩa là nhà nước không có trách nhiệm về tài chính mà ngược lại phải có đầu tư, có nhiều chính sách về học bổng, học phí và miễn học phí, đặc biệt là có những chính sách đặt hàng, đặt bài theo nhu cầu của nhà nước. Những ngành có tính đặc thù nhà nước vẫn phải đặt hàng theo nhu cầu của xã hội và chất lượng của đào tạo.

‘Tự chủ học thuật là chìa khóa của thành công’

Đại biểu Triệu thế Hùng (Lâm Đồng) nhìn nhận dù đã đẩy mạnh hơn về vấn đề tự chủ, về nhân sự cũng như tự chủ về tài chính song vấn đề tự chủ về học thuật cần được chú trọng nhiều hơn.

Theo ông Hùng, tự chủ học thuật là quyền tự do để theo đuổi chân lý khoa học mà giáo chức đại học trong dạy và học cũng như nghiên cứu để tạo ra tri thức mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội; hay nói cách khác là dân chủ hóa giáo dục. Ông Hùng cho rằng đây là chìa khóa của sự thành công và là bí quyết phát triển giáo dục của các nước tiên tiến.

Liên quan đến vấn đề tự chủ trong đào tạo, ông Trần Văn Mão nhận định, hiện nay nói cơ chế thị trường giao quyền tự chủ cho các trường đại học là đúng, nhưng không thể giao theo cách trường nào cũng mở mã ngành và mở bao nhiêu mã ngành cũng được bởi lẽ thực tế cho thấy rất nhiều trường mở nhưng không có cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu.

Mặt khác, có sự chênh lệch về năng lực giữa trường đào tạo đa ngành với trường đào tạo chuyên ngành. Việc cạnh tranh mở mã ngành tuyển học sinh là không sai nhưng mở ra chất lượng đào tạo kém, không đủ sinh viên học gây lãng phí lớn về chất lượng đào tạo thấp.

“Theo tôi trong luật cần phải cân nhắc về quy định được mở mã ngành và cần phải cân đối về nhu cầu của thị trường lao động tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất vào một chỗ, tránh dàn trải sẽ không có chất lượng cao”, ông Mão đề xuất.

Về việc mở mới chương trình đào tạo, ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần quy định các cơ sở giáo dục đại học được chủ động trong việc mở và mở mới chương trình đào tạo được linh hoạt trong sử dụng phương thức đào tạo qua mạng kết hợp với phương thức truyền thống và các phương thức hiện đại khác.

Bên cạnh đó, nên quy định việc đưa kiến thức khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong môi trường đại học để cho các em sinh viên tốt nghiệp ra trường không chỉ có thể sớm tìm được việc làm tốt mà còn có thể tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, góp phần khắc phục tình trạng sinh viên ra trường hiện nay khó tìm việc làm, thất nghiệp.