Tư duy của nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn cách quá xa kỷ nguyên 4.0

Đặng Hoa - 10:04, 16/01/2018

TheLEADERTheo ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc Gia Việt Nam, thế giới đã bước sang kỷ nguyên 4.0 nhưng tư duy của chúng ta thậm chí vẫn còn chưa bước vào kỷ nguyên 1.0.

Ông Hòa cho rằng, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên 4.0, nơi những đột phá chưa từng có về công nghệ sẽ làm thay đổi một cách sâu sắc và toàn diện cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

Tư duy của nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn cách quá xa kỷ nguyên 4.0
Ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc Gia Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế hội nhập, việc tiếp cận các thành tựu công nghiệp mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra không ít những thách thức trong đó có việc giải quyết việc làm cho người lao động. Theo dự báo, với việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, một số lĩnh vực sẽ chỉ cần đến 1/10 lượng nhân công như hiện nay. 

Điều này có thể sẽ dẫn đến thảm họa thất nghiệp nếu không có phương án xử lý kịp thời khi hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang chủ yếu sử dụng lao động truyền thống.

Liên quan đến vấn đề việc làm trong bối cảnh kỷ nguyên 4.0, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc Gia Việt Nam (VINEN).

Ông đánh giá như thế nào về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nhân sự của Việt Nam hiện nay?

Ông Đinh Việt Hòa: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến vấn đề nhân sự. Công nghệ hỗ trợ sản xuất ra rất nhiều sản phẩm tuy nhiên cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và có hàm lượng chất xám lớn. 

Đặc biệt, việc sử dụng các yếu tố để thay thế cho sức người trong sản xuất như máy móc, công nghệ sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của con người trong tương lai.

Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới có những nhà máy gần như không cần tới công nhân mà chỉ cần một nhóm người làm việc ở bộ phận điều hành. Một số quy trình sản xuất tại Việt Nam cũng đã ứng dụng mô hình này chẳng hạn như quy trình sản xuất bia, ô tô,... với lượng công nhân rất ít.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những hệ lụy liên quan đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động vì trong tương lai máy móc sẽ thay thế hầu hết các hoạt động của con người, đặc biệt là trong các quy trình, dây chuyền sản xuất.

Vậy theo ông lao động phổ thông có thể chuyển đổi công việc sang những lĩnh vực nào?

Ông Đinh Việt Hòa: Đó là những công việc lao động chân tay hoặc các công việc về chăm sóc, điều dưỡng. Máy móc có thể thay thế vai trò khám và chẩn đoán bệnh của bác sỹ nhưng không thể thay thế công việc theo dõi, chăm sóc, điều trị hàng ngày của y tá và điều dưỡng.

Thời đại mới sẽ là thời đại của công nghệ và lao động tri thức cao. Mỗi cá nhân phải không ngừng học hỏi và cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ để có thể chiến thắng được ngay chính bản thân mình, chiến thắng những người khác và chiến thắng cả những con robot. 

Cuộc cạnh tranh sắp tới đây sẽ không chỉ giữa con người với nhau mà còn giữa con người với máy móc.

Các nhà quản trị cần phải làm gì để giải quyết được vấn đề việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Ông Đinh Việt Hòa: Trong bối cảnh này nổi lên vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo.

Trong quá trình ứng dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí, bản thân các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện được trách nhiệm xã hội, nếu không cuối cùng chính các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu thiệt hại khi khách hàng của họ lại là những người đang thất nghiệp. 

Do đó cần phải hài hòa trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ giải quyết vấn đề việc làm, điều này cần được xem là trách nhiệm.

Đối với quản trị vĩ mô của một quốc gia, lãnh đạo nhà nước không trực tiếp tạo công ăn việc làm cho xã hội nhưng họ cần có những chính sách phù hợp. 

Chẳng hạn khu vực này có thể phát triển thành khu công nghệ cao, khu vực khác cũng cần có các mảng công việc giành cho những người có năng lực phổ thông. Các nhà lãnh đạo cần có cách nhìn nhận hợp lý để bình ổn xã hội.

Liệu giáo dục tại Việt Nam có đang đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng nhân sự cho kỷ nguyên công nghệ mới theo ông?

Ông Đinh Việt Hòa: Có thể nói nền giáo dục ở Việt Nam nói chung đang dần tiếp cận và nâng cao chất lượng. Giáo dục có hai hình thức là giáo dục tập trung, đào tạo theo bằng cấp và giáo dục không tập trung, đào tạo các kỹ năng. Trong thời đại toàn cầu hóa, người dân còn có thể học được rất nhiều từ nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo online.

Tuy nhiên đánh giá một cách khách quan thì các trường đại học và các viện nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ độ tiếp cận với hình thức này khi trong hơn 10 năm qua chúng ta vẫn đi theo một hình thức đào tạo mang tính truyền thống.

Thế giới đã bước sang kỷ nguyên 4.0 nhưng tư duy của chúng ta thậm chí vẫn còn chưa bước vào kỷ nguyên 1.0. Do đó, cần một sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong tư duy của các nhà lãnh đạo và của cả cộng đồng.

Xin cám ơn ông!