Tư duy 'mặt tiền' đã làm hỏng các khu du lịch biển Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa* - 08:20, 08/08/2018

TheLEADERXô bồ, nhếch nhác, hối hả, vội vã, chụp giựt và tràn ngập rác là chuyện thường thấy ở các điểm du lịch biển Việt Nam.

Trên thế giới hiện có chừng 200 quốc gia, trong đó có 45 quốc gia không có biển. Việt Nam là một trong số các nước có biển dài và rộng trên thế giới. Vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260 km. 

Những năm gần đây, chúng ta đã dành sự quan tâm nhiều hơn cho biển với các chiến lược phát triển kinh tế biển, phát triển dải đô thị biển và dự án nối liền mạch tuyến đường bộ ven biển chạy qua 28 tỉnh thành bắt đầu từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với tổng chiều dài 3.041 km được khởi động.

Từ sau năm 1995, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, việc đầu tư cho phát triển du lịch biển khởi sắc, tất cả thành phố ven biển đồng loạt bung ra, hàng trăm các resort, hàng nghìn khách sạn được xây dựng mới. 

Các thành phố có biển như Sầm Sơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu, .. là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, cách khai thác du lịch biển của chúng ta còn nhiều điều chưa ổn, thu hút lượng khách nước ngoài chưa nhiều, số người trở lại không cao, còn rất nhiều điều làm cho du khách chưa hài lòng. 

Tư duy 'mặt tiền' đã làm hỏng các khu du lịch biển Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM

Bài viết này không đề cập đến những chuyện ai cũng thấy như nạn chặt chém, nói thách, chéo kéo khách, cung cấp dịch vụ không tương xứng với chi trả,… mà muốn nói đến những nhận thức vĩ mô và vi mô trong phát triển du lịch biển.

Mỏng….

GS. Badarudin Mohamad , Viện trưởng Viện Phát triển du lịch bền vững Malaysia có một nhận định rất xác đáng về tổ chức không gian du lịch biển của Việt Nam là quá “mỏng”. Điều này được hiểu như thế nào?

Hãy hình dung từ ngoài vào trong, khu vực khai thác du lịch biển có hai lớp chính: Lớp thứ nhất là phấn sát biển, gồm có vùng nước an toàn cho tắm biển, dải cát, dải cạy xanh; lớp thứ hai là nhà hàng khách sạn ngay sát biển. 

Tính từ mép nước biển cho hết nhà hàng, khách sạn thì chiều rộng thường là 300m đến nhiều nhất là 500m. Tất cả hoạt động du lịch chỉ diễn ra trong một lớp mỏng và hẹp như thế hầu như không có kết nối với phần bên trong của thành phố. 

Do vậy, khi du khách ra khỏi lớp không gian du lịch mỏng như thế không biết đi đâu, tìm kiếm các nhu cầu khác ở chỗ nào. Dường như các di tích lịch sử, bảo tàng, địa chỉ văn hoá, các công trình kiến trúc nổi tiếng, không gian giao tiếp, đặc biệt là tiếp xúc cộng đồng dân cư bản địa bị tách rời ra khỏi lớp văn hoá du lịch biển. 

Với du khách nước ngoài thì ngoài những mục đích như dân du lịch thường nói đến là 4 S “sun, sea, shopping, sex” thì việc khám phá văn hoá bản địa, cảnh quan thiên nhiên, làm quen với người địa phương là điều vô cùng lý thú. 

Chính cách tổ chức không gian biển mỏng này làm giảm hẳn đi giá trị của du lịch biển. Nếu bạn đã từng đến các thành phố biển như Odexa (Ukraine), Hawailli (Mỹ), Phuket (thái lan), Palanwan (Philippines),… sẽ thấy dải du lịch biển với phần bên trong kết thành một khối không tách rời, tạo nên độ dày của không gian du lịch biển và bề dày của không gian du lịch văn hoá.

… và cắt khúc

Tất cả dải du lịch ven biển Việt Nam đều rơi vào tình trạng cắt khúc, hiện tượng cắt khúc này theo cả hai chiều: Chiều dài và chiều ngang.

Về chiều dài, lớp không gian du lịch biển không chỉ mỏng mà còn bị cắt khúc rời rẽ bởi hiện tượng cát cứ và phân lô. Dải bờ biển Nhà Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu như bị “băm nát” bởi các resort, khách sạn, mỗi dự án, công trình chiếm một khoảng bờ biển và phân định biên giới bởi các hàng rào hữu hình và vô hình. Với các bảng tên, màu sắc của vật dụng (dù, phao, bàn ghế,…) và thậm chí cả tường vây xác định ranh giới chủ sở hữu. 

Khách du lịch ở đâu thì sử dụng không gian biển và dịch vụ ở đó, bản thân người dân bản địa cũng không được tư do tiếp cận tới biển ở những khu vực dự án này, muốn thì họ phải chi trả phí để đến được với biển. 

Không gian bị cắt khúc này không chỉ tạo ra hình ảnh rất xấu về cảnh quan mà còn tạo sự phản cảm về tâm lý của người tiêu dùng; hơn thế nữa về kinh tế học thì rõ ràng là lãng phí tài nguyên, khai thác không hiệu quả. 

Mỗi khách sạn sở hữu vài chục mét bờ biển nhưng phải có đủ các thứ như nhà tắm, bãi giữ xe, nhà vệ sinh, đường lên xuống,… Nếu cả dải bờ biển được liên thông thì việc tổ chức không gian mạch lạch hơn, số công trình dịch vụ dùng chung sẽ giảm hắn, dành đất cho công viên, vườn dạo, không gian công cộng,….

Về chiều ngang (tính từ lớp nhà hàng, khách sạn ra biển) thì dường như tất cả khu du lịch biển của các thành phố đều có một sai lầm không sửa chữa được, đó là trục đường giao thông nhanh chạy bám sát dọc bờ biển. 

Đường Thùy Vân (bãi sau của thành phố Vũng Tàu), đường Trần Phú của Nha Trang, đường Hồ Xuân Hương của Sầm Sơn (Thanh Hóa) là những điển hình của trục giao thông nhanh chạy sát biển, cắt đôi giữa không gian biển và không gian cư trú du lịch. Điều này gây cho khách du lịch nhiều phiền toái, chẳng hạn rất khó khăn di chuyển từ khách sạn ra bãi biển, đi nghỉ dưỡng phải nghe tiếng ồn của xe và khói bụi, không được ăn mặc tự do khi qua đường xuống biển.

Theo báo cáo của phòng quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, trục đường Trần Phú mỗi ngày phải đón 2.000 đến 2.500 xe hơi, xe khách và xe tải các loại. Một vài thành phố, chẳng hạn như Vũng Tàu đã có ý định làm tuyến đường giao thông trên cao để tạo khoảng không gian liền mạch giữa các lớp nhưng không thành công vì kinh phí quá lớn, một vài khách sạn ở Vũng tàu đã làm đường dẫn trên cao và hầm chui từ khách sạn ra biển đề tạo thuận lợi cho khách như Agribank, Imperial nhưng lại tạo ra những đường giao cắt trên không phá vỡ cảnh quan khu vực trông rất không đẹp.

Hầu hết những khu du lịch biển nổi tiếng trên thế giới đều không có đường giao thông nhanh chạy ngang qua. Khách du lịch đến với những nơi này là tìm sự yên tĩnh, an toàn và bầu không khí xanh sạch sau một thời gian làm việc vất vả. 

Tư duy “mặt tiền” đã làm hỏng các khu du lịch biển Việt Nam. Xô bồ, nhếch nhác, hối hả, vội vã, chụp giựt và tràn ngập rác là chuyện thường thấy ở các điểm du lịch biển Việt Nam. 

Vậy nên đừng ngạc nhiên khi mà hơn 80% khách du lịch nước ngoài cho biết sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam thêm một lần nữa.   

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Châu Á tại Việt Nam, Ủy viên hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM