Uber, Grab về chung một nhà: Tài xế, doanh nghiệp lo trước sức ép độc quyền?

Quốc Hưng - 07:45, 27/03/2018

TheLEADERVới việc Grab và Uber đã "quy về một mối", nỗi lo của các doanh nghiệp trong ngành càng nhân lên gấp bội, bởi Grab giờ đã là một đế chế kết nối với khoảng 40.000 xe taxi tại Việt Nam, lớn hơn bất kỳ một doanh nghiệp vận tải nào khác.

8 giờ sáng, anh Nghĩa (Cầu Giấy, Hà Nội) hành nghề tài xế Uber ra khỏi nhà, tranh thủ lướt tin tức trong khi đón những hành khách đầu tiên.

Tham gia UberX được gần 13 tháng, mỗi ngày anh Nghĩa thu về khoảng 1.300.000 đồng, với thời gian làm việc thường kéo dài từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Nếu trừ các chi phí xăng xe, ăn uống, bến đỗ, trả góp mua xe cho ngân hàng, anh giữ lại được khoảng 1/3 con số này. Như vậy, bình quân mỗi tháng thu nhập của anh giao động từ 10 - 15 triệu đồng.

Mức thu nhập không phải là thấp, đủ để cho anh cùng gia đình mình sinh nhai tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công việc của anh có thể sẽ có những xáo trộn lớn, khi Uber tuyên bố rút khỏi Việt Nam và bàn giao toàn bộ mảng kinh doanh của mình cho đối thủ trực tiếp - Grab.

Ngay trong ngày 26/3, khi thông tin chính thức được công bố, toàn bộ những tài xế của Uber đều nhận được thông báo từ phía công ty: "Vào ngày 08/04/2018, cộng đồng Uber sẽ được chuyển sang ứng dụng Grab. Điều đó có nghĩa rằng, bạn - những đối tác tài xế của chúng tôi sẽ tiếp nhận được nhiều khách hàng hơn, xa hơn là gia tăng thu nhập một cách tốt nhất".

Quá trình sáp nhập dự kiến sẽ diễn ra nhanh chóng và gọn gàng, nhưng cũng khiến những người làm nghề tài xế cảm thấy lo lắng.

"Tôi tham gia UberX từ những ngày đầu, trải qua nhiều lần thay đổi chính sách rồi, nhưng lần thay đổi này là lo lắng nhất. Tài xế như chúng tôi chẳng kịp trở tay", Hoàng Dương (Mỗ Lao, Hà Nội), cũng là một tài xế Uber than thở.

Anh Dương lý giải, trước kia Việt Nam có 2 ứng dụng gọi xe cạnh tranh nhau, nên cánh tài xế được hưởng rất nhiều ưu đãi, bởi bên nào cũng muốn hút người về. Bây giờ Uber đã chính thức đóng cửa, Grab sẽ không còn "hào phóng" như trước nữa.

"Tôi đọc thấy Grab không tăng giá cước xe với người dùng, nhưng anh em trong nghề kháo nhau, sắp tới GrabCar sẽ tăng chiết khấu lại cho doanh nghiệp từ 23,6% lên thành 28,6%, như vậy chạy xe còn lãi gì nữa", anh Dương lo lắng.

Uber, Grab về chung một nhà: Tài xế, doanh nghiệp lo trước sức ép độc quyền?
Từ ngày 08/04/2018, cộng đồng Uber sẽ được chuyển sang ứng dụng Grab

Sức ép khiến các doanh nghiệp taxi phải ngưng hoạt động

Dù than thở về mức phí cao của Grab, nhưng anh Dương có lẽ không có nhiều lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận, bởi Grab nay đã là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ duy nhất trên thị trường.

Việc đầu quân cho những hãng taxi khác cũng không khả quan, bởi trước sức cạnh tranh khốc liệt từ phía Grab và Uber những năm qua, các hãng cung cấp dịch vụ taxi trong nước cũng lao đao.

CTCP Dịch Vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) vừa tuyên bố ngừng kinh doanh hoạt động taxi của mình. Quyết định này thực hiện theo kế hoạch được thông qua bởi đại hội đồng cổ đông vào giữa năm 2017, nhằm mục tiêu bảo toàn vốn trong bối cảnh kinh doanh sa sút.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, ComfortDelgro Savico Taxi liên tiếp gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây. Sau gần mười năm hoạt động, liên doanh này phải cơ cấu lại đoàn xe và cải thiện chất lượng phục vụ để duy trì tỷ lệ khai thác xấp xỉ 90% nên chi phí tăng cao.

"Thế nhưng, khi vừa có lợi nhuận để bù đắp lỗ lũy kế trước đó thì lại chịu sự cạnh tranh thị phần gay gắt từ Grab và Uber", phía Savico cho hay.

Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi không phải là cá biệt. Ngay cả các đơn vị cung cấp dịch vụ taxi lớn tại Việt Nam như Vinasun hay Mai Linh những năm qua đã liên tục gặp khó khi phải cạnh tranh với Uber, Grab.

Kết quả là Vinasun phải thu hẹp đội xe của mình, cắt giảm các chi phí cho tài xế dẫn đến chất lượng ngày càng sa sút, còn Mai Linh tiếp tục ngập chìm trong khủng hoảng.

Trong năm 2017, Vinasun đã khởi kiện Grab và yêu cầu công ty này bồi thường hơn 41 tỷ đồng, tương ứng với khoản lợi nhuận mà hãng bị sụt giảm trong giai đoạn 2016 - 2017.

Với việc Grab và Uber đã "quy về một mối", nỗi lo của các doanh nghiệp trong ngành càng nhân lên gấp bội, bởi Grab giờ đã là một đế chế kết nối với khoảng 40.000 xe taxi tại Việt Nam, lớn hơn bất kỳ một doanh nghiệp vận tải nào khác.

Uber, Grab về chung một nhà: Tài xế, doanh nghiệp lo trước sức ép độc quyền? 1
Taxi truyền thống tại sân bay Tân Sơn Nhất

"Không có khuyến mãi suốt đời"

Với việc Uber đầu hàng tại thị trường Đông Nam Á, Grab đã cho thấy mình có một chiến lược đầu tư đúng đắn, trong đó khai thác triệt để thế mạnh của doanh nghiệp bản địa.

Mặc dù vậy, cái giá phải trả cũng không hề nhỏ. Theo công bố từ Bộ tài chính, trong 3 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã báo lỗ lũy kế tới 983 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đến từ việc đầu tư mở rộng thị trường và hoạt động khuyến mãi. Thông qua những mã code giảm giá mỗi chuyến đi, Grab dễ dàng lôi kéo người dùng dù giá cước niêm yết không hề rẻ hơn taxi truyền thống.

Sau khi nắm giữ vị thế độc quyền, hoạt động khuyến mãi, giảm giá có thể sẽ dần thay đổi. Trong một buổi hội thảo gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Grab Việt Nam cũng đã bóng gió về việc "không thể có khuyến mãi suốt đời".

"Bây giờ các bạn có thể rất vui khi được khuyến mãi nhiều, nhưng tôi nghĩ khách hàng thực sự mong muốn rằng có một công ty không những có dịch vụ tốt, giá cạnh tranh, luôn cố gắng làm hài lòng mình, nhưng cũng phải sống sót, có doanh thu để có thể tồn tại bền vững, để tiếp tục tạo ra giá trị cho mình", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để dự đoán Grab sẽ làm gì tiếp theo. Thị trường taxi chỉ là một trong số 4 mảng kinh doanh lớn của Grab, và doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục theo đuổi tham vọng biến các mảng kinh doanh còn lại của mình trở thành một hệ sinh thái toàn khu vực.

Những tác động từ chính sách vĩ mô và quản lý từ phía cơ quan Nhà nước cũng là vấn đề cần bàn tới. Riêng tại Việt Nam, Grab và Uber đang bị siết chặt hoạt động sau những nghi vấn về trốn thuế và không tuân thủ luật cạnh tranh. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất xếp Uber, Grab như taxi truyền thống, nếu không đáp ứng được điều kiện kinh doanh sẽ không được phép hoạt động. Nay Uber đã không còn, mọi chế tài sẽ đổ dồn vào Grab. 

Ngay đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra tuyên bố cứng rắn khii yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ đúng pháp luật, nếu không thì sẽ phải rời khỏi Việt Nam.