VAMC đề nghị sớm cấp đủ 2.000 tỷ đồng vốn để mua và xử lý nợ xấu

Hồ Mai - 11:55, 26/09/2017

TheLEADERĐã được phê duyệt tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại VAMC vẫn chưa được cấp đủ số vốn này.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, đến tháng 8/2017, VAMC đã mua 26.110 khoản nợ xấu từ 16.197 khách hàng, với giá mua 266.335 tỷ đồng.

Trong tháng 8/2017, VAMC đã triển khai mua nợ thành công món nợ đầu tiên mua nợ theo giá trị thị trường có tài sản đảm bảo là khách sạn Đà Nẵng.

Về thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo, lũy kế từ 2013 đến 31/2/2016, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện bán được 139 khoản nợ của 59 khách hàng với giá bán là 7.816 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo với giá bán 11.026 tỷ đồng.

Thông tin được ông Thắng cung cấp tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu tại Việt Nam: Giảm thiểu các rủi ro trong ngành ngân hàng và cải thiện sự phát triển của nền kinh tế” do Nhóm Ngân hàng Thế giới cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 26/9.

Ngày 21/8/2017, triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc Hội về thí điểm thực hiện xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Sài Gòn One Tower. Đây là tài sản đảm bảo của các khoản vay có tổng dư nợ (gốc và lãi) hiện là trên 7.000 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Thắng cũng cho biết, VAMC đã được phê duyệt cấp tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vốn của VAMC vẫn chưa được cấp đủ. VAMC đề nghị sớm cấp đủ vốn cho VAMC đảm bảo vốn cho quá trình mua và xử lý nợ xấu.

Để khuyến khích và tạo động lực hình thành thị trường mua bán nợ, VAMC đề xuất cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận cho tổ chức tín dụng, VAMC, DATC và các doanh nghiệp khác có chức năng mua bán nợ tham gia xử lý nợ xấu triệt để và hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.

VAMC cũng kiến nghị xây dựng chuẩn mực định giá khoản nợ xấu theo giá trị thị trường. Hiện nay, hoạt động định giá khoản nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc, kể cả đối với các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp, nguyên nhân là do chưa có các văn bản, quy định hướng dẫn về các chuẩn mực, phương pháp định giá khoản nợ. 

Ngoài ra, VAMC cho rằng, cần tăng cường thông tin hàng hóa trên thị trường mua bán nợ xấu. Để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, cần xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về các định chế tài chính trong nước, cũng như tiêu chuẩn hóa hệ thống thông tin về các khoản nợ xấu nhằm minh bạch hóa thông tin về hàng hóa trên thị trường, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mua các khoản nợ xấu.