Vay tiền ngân hàng mua cổ phần Vinatex, VID Group lãi lớn khi thoái vốn

Minh An - 10:45, 20/06/2018

TheLEADERNgay sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Vinatex năm 2014, VID Group đã dùng phần lớn số cổ phần nắm giữ làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại Maritime Bank, ngân hàng mà công ty này là cổ đông.

Vay tiền ngân hàng để mua cổ phần chiến lược

Cuối tháng 3 vừa qua, một cổ đông lớn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là Công ty cổ phần đầu tư phát triển VNTEX (VNTEX) đã thông báo bán 35 triệu cổ phần, bên mua được cho là tập đoàn Itochu của Nhật Bản.

VNTEX là tên gọi mới của Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), cổ đông chiến lược đã mua 70 triệu cổ phần của Vinatex khi tập đoàn dệt may cổ phần hóa năm 2014.

Thời điểm Vinatex tiến hành cổ phần hóa thu hút khá nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có Vingroup. Báo cáo tài chính năm 2015 của Vingroup ghi nhận giá trị đầu tư 50 triệu cổ phần Vinatex là 552 tỷ đồng vào ngày 1/1/2015, chỉ 3 tháng sau khi trở thành cổ đông chiến lược. Từ đó, có thể tính mức giá Vinatex bán cho cổ đông chiến lược là khoảng 11.000 đồng một cổ phần.

Nếu mua với mức giá tương tự, VNTEX cần phải bỏ ra khoảng 770 tỷ đồng để sở hữu 70 triệu cổ phần, tương đương 14% vốn điều lệ của Vinatex. Đáng chú ý là ngay sau khi ký hợp đồng mua bán cổ phần với Vinatex ngày 26/9/2014, VNTEX (khi đó là VID Group) đã mang 64,2 triệu cổ phần trên làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank).

Không chỉ cho vay công ty liên quan đến Chủ tịch ngân hàng, một nguồn tin cho biết, VID Group (nay là VNTEX) cũng chính là một cổ đông nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu của Maritime Bank (MSB) trong năm 2015 và 2017 công ty này cũng sử dụng số cổ phiếu MSB làm tài sản bảo đảm tại một ngân hàng khác.

Maritime Bank là ngân hàng do ông Trần Anh Tuấn là Chủ tịch từ năm 2012 đến nay, còn VID Group là doanh nghiệp gắn liền với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vợ ông Tuấn. Hai người đều từng học tập và làm ăn tại Nga sau đó trở về Việt Nam kinh doanh từ giữa những năm 90.

Hoạt động kinh doanh của vợ chồng doanh nhân này hiện nay gắn liền với TNG Holdings, một tập đoàn đa ngành nhưng nổi bật trong lĩnh vực bất động sản thương mại và khu công nghiệp.

Đầu tư vào các khu công nghiệp từ sớm, các công ty thành viên của TNG Holdings đang sở hữu nhiều khu công nghiệp ở phía Bắc với tổng diện tích khoảng 2.600 ha. Khách hàng thuê đất khu công nghiệp của tập đoàn này có hơn 200 doanh nghiệp từ Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, HongKong.

Trong lĩnh vực bất động sản thương mại, các dự án của tập đoàn này được phát triển dưới thương hiệu TNR Holdings bao gồm các khu căn hộ chung cư, khu dân cư và tòa nhà văn phòng.

Thoái vốn trước hạn và lãi lớn

Quay trở lại với thương vụ Vinatex, theo điều lệ của công ty, cổ đông chiến lược phải nắm giữ số cổ phần đã mua của Vinatex trong 5 năm. Thế nhưng chỉ sau 3 năm, VNTEX đã đề đạt nguyện vọng thoái vốn. Đại hội cổ đông của Vinatex năm 2017 đã chấp thuận để VNTEX chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trước hạn.

Hơn một năm sau, VNTEX bán một nửa số cổ phần Vinatex. Ngay sau khi VNTEX bán, Tập đoàn Itochu của Nhật Bản công bố đã mua 50 triệu cổ phần của Vinatex với giá trị 810 tỷ đồng.

Sau giao dịch này Itochu sở hữu 13% cổ phần của Vinatex và là cổ đông lớn thứ 2 sau Bộ Công thương (nắm giữ 53,49%). Vingroup đứng thứ 3 nắm giữ 10% cổ phần. VNTEX còn lại 7%.

Dựa trên giá trị giao dịch của Itochu, có thể thấy tập đoàn Nhật Bản đã trả 16.200 đồng cho mỗi cổ phần Vinatex. Mức giá này cao hơn 47% so với mức giá hơn 11.000 đồng/cp mà Vinatex đã bán cho các nhà đầu tư chiến lược năm 2014.

Hoạt động thoái vốn trước hạn đã mang lại lợi ích lớn cho VNTEX sau 4 năm đầu tư. Sau khi VNTEX thoái vốn, giá cổ phiếu VTG của Vinatex giảm liên tục từ tháng 3 đến cuối tháng 5 và hiện chỉ giao dịch ở mức 11.300 đồng. 

Vay tiền ngân hàng mua cổ phần Vinatex, VID Group lãi lớn khi thoái vốn
Diễn biến giá cổ phiếu VGT