VCCI công bố Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh các ngành nghề

Nguyễn Lê - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERHệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam vẫn còn chứa đựng nhiều “rào cản” khiến cho việc hiện thực hóa “quyền tự do kinh doanh” gặp nhiều thách thức.

VCCI công bố Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh các ngành nghề
Hệ thống pháp luật vẫn còn chứa đựng nhiều “rào cản” khiến cho việc hiện thực hóa “quyền tự do kinh doanh” gặp nhiều thách thức. Photo: Internet

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), với mong muốn thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, truyền tải tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp tới các nhà làm chính sách, đã tiến hành rà soát các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016) và điều kiện kinh doanh của một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của 03 Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, qua đó nhận diện những ngành, nghề kinh doanh, điều kiện kinh doanh chưa phù hợp để kiến nghị bãi bỏ/sửa đổi.

Báo cáo được xây dựng dựa trên nghiên cứu, đánh giá của Nhóm nghiên cứu và ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình góp ý xây dựng các chính sách có liên quan. Kết cấu của Báo cáo gồm 2 phần lớn.

 phần I: Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện – Nhận diện và Kiến nghị, báo cáo đã rà soát và đánh giá các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV Luật đầu tư 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016) qua đó đưa ra các kiến nghị về tính phù hợp của một số ngành, nghề khi xác định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

- Một số ngành, nghề không nhận thấy tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng. 

- Một số ngành, nghề không nhận thấy rõ tính đặc thù so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường cùng loại

- Một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục xác định phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết/không chính xác

- Một số ngành, nghề trong Danh mục không phải là ngành, nghề kinh doanh

Cụ thể, 16 ngành, nghề sau được xác định là các ngành, nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp:

· Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại (Mục 17);

· Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Mục 36);

· Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) (Mục 43);

· Xuất khẩu gạo (Mục 55);

· Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh (Mục 57);

· Kinh doanh dịch vụ Logistics (Mục 60);

· Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô (Mục 78);

· Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển (Mục 90);

· Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (Mục 119);

· Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng (Mục 120);

· Sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy (Mục 203);

· Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim (Mục 206);

· Kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mục 210);

· Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu (Mục 212)

· Kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng (Mục 215).

· Kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì (Mục 128).

- 10 ngành, nghề kinh doanh sau có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp:

· Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương (Mục 52);

· Nhượng quyền thương mại (Mục 59);

· Kinh doanh thủy sản (Mục 150);

· Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi (Mục 151);

· Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (Mục 161);

· Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172);

· Kinh doanh phân bón (Mục 174);

· Kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi (Mục 176);

· Kinh doanh giống thủy sản (Mục 177);

· Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (Mục 194).

phần II: Điều kiện kinh doanh một số ngành, nghề của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ - Nhận diện và Kiến nghị, báo cáo căn cứ vào các quy định về điều kiện kinh doanh tại Luật đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn để xác định các quy định về điều kiện kinh doanh với các tiêu chí đánh giá gồm tính thống nhất, tính minh bạch, tính hợp lý, tính khả thi.

Qua rà soát 15 ngành, nghề với điều kiện kinh doanh có thể nhận diện 3 vấn đề chính sau:

- Điều kiện kinh doanh có tính chấp áp đặt quy mô doanh nghiệp:

Các điều kiện này được tìm thấy ở 8/15 ngành, nghề rà soát, tập trung chủ yếu ở hai Bộ Công Thương và Giao thông vận tải.

- Điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp

Pháp luật về doanh nghiệp ghi nhận quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh; thuê và sử dụng lao động. Các quyền này dường như bị can thiệp quá mức cần thiết và bất hợp lý trong một số quy định về điều kiện kinh doanh.

- Điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp/mệnh lệnh hành chính.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ bị ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh trong một số trường hợp vì lợi ích công cộng. Rất nhiều điều kiện kinh doanh không chứng minh được vì mục tiêu này mà lại hướng đến chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp; hiệu quả kinh doanh – những vấn đề vốn dĩ do thị trường điều chỉnh.

Theo đó, báo cáo đưa ra các kiến nghị:

- 05 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Công Thương: đề xuất bỏ 56 điều kiện kinh doanh; sửa đổi 04 điều kiện kinh doanh;

- 04 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Giao thông vận tải: đề xuất bỏ 27 điều kiện kinh doanh; sửa đổi 04 điều kiện kinh doanh;

- 05 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Khoa học và Công nghệ: đề xuất bỏ 12 điều kiện kinh doanh; sửa đổi 05 điều kiện kinh doanh.