Vì đâu doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản ngày càng nhiều?

Quỳnh Chi - 08:36, 12/06/2018

TheLEADERBên cạnh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thiếu thông tin và hạn chế nguồn lực, sự yếu kém trong công tác quản trị là nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, thậm chí phải giải thể.

Vì đâu doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản ngày càng nhiều?
Có tới 33.399 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2018.

Hiện nay tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới gần 98% và đóng một vai trò rất lớn trong sự phát triển của đất nước. 

Ông Nguyễn Kim Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt (Verco) cho biết, hàng năm, các DNNVV trung bình đã tạo ra khoảng hơn một triệu lao động mới, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ trong tháng 5/2018 Việt Nam có tới 11.027 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 104,8 nghìn tỷ đồng. 

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. 

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn hoặc phá sản có xu hướng xảy ra liên tục do những vướng mắc về cơ chế chính sách, thiếu thông tin, hạn chế về nhiều nguồn lực và đặc biệt là những yếu kém trong công tác quản trị tài chính.

Cụ thể trong tháng 5/2018, có tới 6.855 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2018 là 33.399 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.974 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24% và 17.425 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải thể hoặc phá sản cao tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa được lãnh đạo Verco đưa ra là hiện nay, nhiều DNNVV chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò và tác dụng tích cực của quản trị tài chính, nên chưa quan tâm đúng mức đến việc lập các kế hoạch tài chính.

Bên cạnh đó, DNNVV còn thiếu tư duy và tầm nhìn trong lập kế hoạch để sử dụng nguồn tài chính, khả năng kiểm soát tài chính của doanh nghiệp cũng còn yếu và thụ động.

Trong khi đó, ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA cho rằng, một trong những lý do khiến doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn hoặc phá sản là do các doanh nghiệp đang phụ thuộc quá lớn vào ngôi sao sáng nhất công ty là chủ doanh nghiệp. 

Tuy nhiên ông Trọng cho biết, hầu hết chủ doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay lại chủ yếu xuất phát từ nghề mà chưa được trang bị những kiến thức cần thiết như khả năng quản trị, trong đó có quản lý hệ thống doanh nghiệp, quản lý vốn và tài chính, quản lý nhân sự... cũng như các kiến thức về marketing để làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. 

Theo đó, nếu không nắm chắc các yếu tố này hoặc chỉ chú trọng đầu tư vào một trong các yếu tố trên thì doanh nghiệp cũng sẽ chỉ vận hành như "một chiếc bánh xe lăn gập ghềnh trên đường do những chiếc nan hoa không cân xứng". 

Vừa qua, Verco cùng PDCA và Công ty cổ phần Onnet đã ký kết hợp tác trong chương trình hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ với gói giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình quản trị và phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, giải pháp xây dựng hệ thống doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động bài bản, tự động hóa; giải pháp chiến lược vốn và tài chính giúp doanh nghiệp tránh tình trạng mất cấu trúc vốn, xây dựng được chiến lược thị trường tài chính để phát triển trong 5 - 10 năm tới; và giải pháp marketing và bán hàng giúp DNNVV cạnh tranh và khẳng định được vị thế trên thị trường.