Vì sao doanh nghiệp không dám đầu tư vào nông nghiệp?

Tinh Nhi - 07:05, 03/08/2017

TheLEADERKhó khăn trong tiếp cận đất đai, rào cản về vốn, tín dụng cùng những rủi ro do thiên tai mang lại đã khiến nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư vào nông nghiệp.

Vì sao doanh nghiệp không dám đầu tư vào nông nghiệp?
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) trong buổi trò chuyện với TheLEADER xung quanh những khó khăn của ngành nông nghiệp và câu chuyện làm thế nào để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Được biết, hiện chỉ có 1% trên tổng các doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp. Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Thống kê 1% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, theo tôi thực tế chưa đến con số này. Bởi, tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp là câu chuyện doanh nghiệp dám đương đầu với rủi ro. Ngành nông nghiệp của chúng ta nói chung bị ảnh hưởng rất lớn vào thời tiết, khí hậu, đặc biệt là thị trường và tư duy sản xuất.

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng quy mô sản xuất lại nhỏ lẻ và theo truyền thống. Tức là mùa nào thức nấy và "thích gì thì làm"… dẫn đến các doanh nghiệp tham gia vào ngành nông nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn. 

Tôi lấy ví dụ, đơn hàng bao tiêu nông nghiệp khi doanh nghiệp hay đơn vị phân phối ký với khách hàng về nguyên tắc phải có đối ứng, có cam kết chịu phạt hợp đồng khi không hoàn thành. Tuy nhiên, với người nông dân thì vấn đề lại là "hôm nay được giá thì tôi bán cho anh, mai không được giá thì tôi không bán cho anh nữa, tôi bán cho thương lái lấy giá cao hơn", rồi hôm nay trời mưa, trời bão mất mùa dẫn đến phá vỡ hợp đồng… Chính điều này đã tạo nên tâm lý các doanh nghiệp không dám đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA)

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn theo lối tư duy truyền thống. Nếu như tại các nước phát triển, sản phẩm thịt sau khi giết mổ được đưa vào cấp đông và tiêu thụ dần, hạn mức sử dụng do đó có thể kéo dài lên đến một năm, thì tại Việt Nam, đại đa số người dân đều muốn mua được sản phẩm tươi sống, sử dụng trong ngày. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp có hạn sử dụng chỉ được tính bằng giờ, “sáng thì sau chiều thì rác”, rất khó bảo quản và chiều lòng người tiêu dùng. 

Một vấn đề nữa rất khó khăn đối các doanh nghiệp là việc tiếp cận các nguồn vốn, rào cản về tín dụng, rào cản về thế chấp, bảo lãnh. Nghị định của Chính phủ đã được ban hành với nhiều đãi cho doanh nghiệp, văn bản chỉ đạo nghị định nghị quyết hoàn toàn đúng nhưng chưa thiết thực. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn sản xuát công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn thì bắt buộc phải có vốn lớn. Tuy nhiên, họ không thể dùng đất sản xuất để thế chấp ngân hàng, họ không có tài sản thế chấp theo đúng quy định, đồng nghĩa với việc không tiếp cận được ngồn để đầu tư kinh doanh. 

Ngoài ra, việc tích tụ ruộng đất, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn cũng đang là bài toán khó không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn cả các cấp chính quyền. Về vấn đề này, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Đối với việc quy hoạch cánh đồng mẫu lớn của doanh nghiệp, theo ông đâu là giải pháp hiện nay?

Doanh nghiệp khó tích tụ ruộng đất bên cạnh nguyên nhân chủ yếu từ chính sách hạn điền trong Luật Đất đai còn do tâm lý của người dân. Sau khi chuyển giao đất cho doanh nghiệp, người dân có thể có tiền đền bù, nhưng họ mất đất, mất công cụ sản xuất truyền thống từ bao đời.

Do đó, không có gì tích tụ ruộng đất tốt hơn là mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Bởi theo mô hình này, người dân vẫn là chủ nhân mảnh ruộng của mình, họ có quyền sản xuất trên mảnh đất của mình. Bên cạnh đó, họ có cả một tổ chức đứng đằng sau giúp đỡ họ về kỹ thuật, hỗ trợ về sản xuất, đồng thời kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chính vì vậy, tôi cho rằng bên cạnh việc sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tại, Nhà nước nên cần có cơ chế khuyến khích nhằm tăng cường số lượng các mô hình hợp tác xã tham gia sản xuất nông nghiệp. Biến người nông dân dần  trở thành người những người công dân nông nghiệp.

Từ đó, chúng ta sẽ có những cánh đồng mẫu lớn, những vùng sản xuất quy mô lớn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Thời gian vừa qua, câu chuyện khủng hoảng “được mùa mất giá, mất mùa được giá” dường như vẫn chưa khi nào hết nóng trên thị trường nông sản Việt với hàng loạt những cuộc giải cứu như giải cứu chuối, giải cứu dưa hấu hay gần đây nhất là giải cứu thịt lơn… Vậy ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Tập quán sản xuất của người Việt Nam từ bao đời nay vẫn luôn là cái gì dễ thì làm, cái gì có lợi trước mắt thì lao vào làm, thậm chí là cái gì dễ thì mọi người đều làm, làm theo phong trào mà không cần biết đến đầu ra của sản phẩm. Từ thực trạng này dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp mang tính chất manh mún, không chuyên nghiệp và thiếu bền vững. 

Năm nay có thể thời tiết không thuận lợi, nông sản mất mùa, trong khi nhu cầu của thị trường lớn dẫn đến giá nông sản bị đẩy lên cao. Sang năm, bà con nông dân thấy vậy lao vào sản xuất, song sức tiêu thụ của thị trường có hạn dẫn đến dư thừa sản phẩm phải bán đổ bán tháo, thậm chí buộc tiêu hủy. Cuối cùng người chịu thiệt hại nặng nề nhất không ai khác chính là người nông dân sản xuất ra sản phẩm.

Vậy làm thế nào để khắc phục thực trạng này, thưa ông?

Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần có chiến lược phát triển nông nghiệp chuyên nghiệp theo hướng lấy thị trường làm trọng tâm. Trú trọng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp chịu trách nghiệm bao tiêu sản phẩm, nghiên cứu thị trường đầu ra cho sản phẩm. 

Qua đó, tạo thành một mạng lưới liên kết thu mua, cung ứng nông sản an toàn tại các tỉnh, liên tỉnh, vùng, liên vùng… đưa những sản phẩm từ nơi thừa về nơi thiếu, từ miền núi lên miền xuôi, từ miền xuôi về miền núi… tạo ra thế cân bằng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Mô hình Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) là một ví dụ. Trách nghiệm của hợp tác xã là điều tiết hoạt động sản xuất của người dân, lấy thị trường làm mệnh lệnh để xản xuất nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tránh tình trạng dư thừa sản phẩm.

UCA hiện nay có hơn 200 hợp tác xã thành viên trên cả nước và phân đấu lên đến 1.000 hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian tới. Bà con nông dân khi tham gia vào các hợp tác xã theo mô hình này được cung ứng về giống, phân bón, vật tư, nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị… và tất cả sản phẩm của họ sau khi sản xuất ra lại quay lại cung ứng cho hệ thống hợp tác xã để phân phối nông sản. Từ đó tạo nên tính bền vững trong hoạt động sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!