Vì sao Hùng Vương liên tục bán tài sản?

Minh Phương - 15:46, 11/01/2018

TheLEADERTừng được mệnh danh là vua thủy sản, nhưng gần đây Công ty Cổ phần Hùng Vương phải bán tài sản liên tục để thoát nợ vay và giảm lỗ.

Vì sao Hùng Vương liên tục bán tài sản?
Hùng Vương từng thâu tóm hàng loạt các công ty thủy sản để hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.

Sau khi đã bán đất và Công ty Sao Ta năm ngoái, Công ty Hùng Vương tiếp tục thôn báo bán trên 50% cổ phần tại Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng.

Liên tiếp bán tài sản để trả nợ

Trong năm 2017, Hùng Vương đã phải bán 4 mảnh đất thu về hơn 370 tỷ đồng, đồng thời cũng thoái toàn bộ 54,28% vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC).

Mới đầu năm 2018, Hùng Vương công bố sẽ bán tiếp trên 50% cổ phần tại Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF). Nguồn tiền thu về sẽ được dùng để trả các khoản nợ đang đến hạn.

Kết thúc năm tài chính 2017, Hùng Vương có doanh thu 16.000 tỷ đồng nhưng nhưng công ty vẫn lỗ 132 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân là chi phí lãi vay công ty phải trả lên đến gần 500 tỷ đồng. Theo báo cáo, đến hết tháng 9/2017, giá trị các khoản nợ của Hùng Vương gần 8.000 tỷ đồng.

Ngành thủy sản và thức ăn chăn nuôi sử dụng khá nhiều vốn lưu động đã đẩy khoản nợ ngắn hạn của công ty lên cao. Ngoài ra, việc tăng tốc các thương vụ M&A trong quá khứ để mở rộng quy mô đang gây áp lực  lên các khoản nợ của Hùng Vương.

Áp lực lên ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hùng Vương, sẽ còn lớn hơn do một lượng lớn cổ phiếu của ông đang được thế chấp để đảm bảo cho các khản vay tại ngân hàng. Trong khi giá cổ phiếu HVG giảm liên tục trong 3 năm qua.

Gần 90% các khoản vay là ngắn hạn đang gây áp lực lớn lên dòng tiền của Hùng Vương, điều này có thể khiến công ty phải thế chấp phần lớn các tài sản đang có như hàng tồn kho, các bất động sản, thậm chí các khoản phải thu....

Sức ép trả nợ và lãi cao đã buộc Hùng Vương phải cứu lấy mình bằng quyết định chia tay hai doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong ngành tôm và thức ăn chăn nuôi, từng được coi là các công ty quan trọng trong mô hình kinh doanh của công ty.

Trước đó không lâu ông Dương Ngọc Minh vẫn tự tin trước cổ đông rằng các tài sản bất động sản là của để dành, còn FMC và VTF không chỉ đem đến những giá trị gia tăng tốt cho Hùng Vương, mà còn là mảnh ghép để hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín trong ngành.

Trong vòng các năm qua, Hùng Vương liên tiếp đầu tư vào nhiều dự án ngoài ngành cốt lõi là cá tra, vốn làm nên thương hiệu của mình. Năm 2015 là đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, năm 2016 là đầu tư vào kinh doanh chăn nuôi heo, và kế tiếp là hệ thống kho lạnh.

Trước đó, Hùng Vương cũng thâu tóm hàng loạt các công ty trong ngành thủy sản để hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín để tạo ưu thế cạnh tranh với các công ty đối thủ như Vĩnh Hoàn, Nam Việt.

Trong tính toán của ông Minh, các khoản đầu tư ngoài ngành nhằm nắm bắt các cơ hội thị trường nhiều tiềm năng, kết hợp với ngành kinh doanh cốt lõi để nhanh chóng đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng.

Thế nhưng Hùng Vương đã rơi vào cái bẫy rủi ro của việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Các khoản vay nợ cao, kinh doanh gặp khó không tạo đủ dòng tiền để trả nợ đã khiến công ty phải bán tài sản để trả nợ.

Mảng chăn nuôi heo khó khăn

Hùng Vương gần như đã thất bại trong chuyện xây dựng chuỗi giá trị khép kín cũng như không còn các khoản doanh thu lớn đến từ tôm và thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, mảng kinh doanh cá tra hiện nay của Hùng Vương không còn nhiều thuận lợi. Thị trường Mỹ bị đánh thuế chống bán phá giá quá cao nên lợi nhuận không còn nhiều. Chưa kể sắp đến chương trình FarmBill của Mỹ có khả năng hiện thực hóa vào tháng 9 năm nay, sẽ đẩy không chỉ Hùng Vương mà còn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thế khó.

Các thị trường khác được xem là dễ tính cho thủy sản Việt Nam thì gần đây liên tục dựng các rào cản kỹ thuật khiến xuất khẩu không còn thuận lợi. Tính đến hết năm 2017, hàng tồn kho của Hùng Vương lên đến 3.583 tỷ đồng.

Một mối lo khác, Hùng Vương đặt tham vọng lớn cho mảng chăn nuôi heo. Trong năm 2017, Hùng Vương đã mở rộng phát triển 1.500 con cụ kỵ và 500 con ông bà tại An Giang, Bình Định và Long An (1.500 con ông bà, 10.000 con bố mẹ).

Nhưng tình hình thị trường heo hiện nay, giá chưa phục hồi sau khi giảm mạnh vào đầu năm 2017 khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ lớn và khả năng chăn nuôi trở lại chưa rõ ràng. Điều này khiến tương lai của công ty một thời là vua thủy sản ngày càng khó khăn.