Vì sao mục tiêu chuyển giao công nghệ từ đầu tư FDI thất bại?

Giản Phúc - 08:05, 02/10/2017

TheLEADERTheo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới 2016, hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Viêt Nam rất thấp và có xu hướng ngày càng bị lùi xa so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đứng ở vị trí 103 so với Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39 và Campuchia thứ 44. Vì sao?

Vì sao mục tiêu chuyển giao công nghệ từ đầu tư FDI thất bại?
Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ FDI của Việt Nam đang rất thấp.

Một trong những mục đích của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, sau 30 năm thu hút FDI, hiệu quả của mục tiêu này thấp đáng kinh ngạc. Trong giai đoạn 2006-2015, trong số gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ, chỉ chiếm tỷ lệ hơn 4%. Vì sao?

Sau 30 năm qua (kể từ năm 1988), luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có những tác động lớn đến nền kinh tế. Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8/2017, có 124 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Nếu chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 23 tỷ USD, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2016.

Một trong những mục đích của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, theo TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, sau 30 năm thu hút FDI, hiệu quả của mục tiêu này thấp đáng kinh ngạc. Trong giai đoạn 2006 - 2015, trong số gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ, chiếm tỷ lệ hơn 4%.

Theo lý giải của TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thực trạng này không phải lỗi của các nhà đầu tư FDI, cũng không phải lỗi của các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề rộng hơn nằm ở chính sách và môi trường thu hút FDI của chúng ta không được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong khi đầu tư Nhà nước còn hạn hẹp, khó khăn thì phải tranh thủ dựa vào vốn FDI, đầu tư của tư nhân.

Thu hút vốn FDI còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, nhiều năng lượng, nhiều nguyên vật liệu đầu vào. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi tường cũng gây nhiều bức xúc thời gian qua. Báo chí đã đề cập nhiều về sự tàn phá môi trường của một số doanh nghiệp FDI như Công ty Vedan tại Đồng Nai, Công ty Tung Kuang tại Hải Dương, Công ty Long Tech tại Bắc Ninh...

Trong số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, Việt Nam mới chỉ thu hút khoảng 100, trong khi Trung Quốc đã thu hút 400 doanh nghiệp. Và ngay cả trong trường hợp thu hút một số tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng toàn cầu như Nokia, Samsung... công đoạn sản xuất tại Việt Nam là công đoạn cuối, tức là chỉ lắp ráp, không đòi hỏi lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.

GS. Kenichi Ohno, người có gần 20 năm tham gia tư vấn chính sách cho Việt Nam cho rằng, phải là FDI sản xuất chế tạo, chứ không phải là khai thác mỏ, bất động sản, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn… Thế nhưng “ngay cả với FDI sản xuất, chuyển giao công nghệ không diễn ra tự phát”, ông nói. 

Ví dụ, sự có mặt của các doanh nghiệp công nghệ cao toàn cầu như Intel, Samsung, Canon cũng không có nghĩa là công nghệ cao sẽ tự động chuyển giao cho Việt Nam. Các dự án FDI như vậy về bản chất là tìm đến nơi có nguồn cung lao động phổ thông (và các ưu đãi bổ sung nếu có), chứ không phải là nơi để tiếp nhận công nghệ cao.

Mặc dù tiếp nhận sự chuyển giao công nnghệ ô tô từ Hàn Quốc, nhưng tỉ lê nội địa hóa của Công ty Trường Hải ( THACO) lên đến hơn 40%. Đây là doanh nghiệp đạt kết quả tốt từ chuyển giao công nghệ

Chính sách thu hút FDI ban đầu được áp dụng ở cấp Trung ương, sau đó chuyển giao cho cấp địa phương thực hiện. Các địa phương do chạy theo thành tích mà việc thu hút đầu tư cũng trở nên gấp gáp, chỉ để lấp đầy các khu công nghiệp hoặc có vốn để bổ sung vào chỉ tiêu vốn đầu tư. 

Đồng thời, chúng ta đưa ra rất nhiều biệt đãi (ưu đãi thuế hay chính sách thuê đất) nhưng không kèm theo những ràng buộc. Do không có ràng buộc nên nhiều doanh nghiệp FDI sẽ rút đi nơi khác khi ưu đãi không còn, hoặc môi trường không còn thuận lợi so với các nước khác. Theo đó, họ cũng không cần thực hiện cam kết về chuyển giao công nghệ.

Nếu nhìn ở nguồn FDI, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến từ các nước trong khu vực, trình độ công nghệ không quá cao và không thể cạnh tranh so với các nước tiên tiến. Do đó, ngay cả khi các công nghệ này được chuyển giao, thì trình độ công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận và học hỏi được cũng không phải là thứ chúng ta đặt kỳ vọng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao.

Một nguồn lực rất lớn lại được dồn cho các doanh nghiệp nhà nước nhưng hoạt động kém hiệu quả. Không mấy doanh nghiệp có chiến lược vươn ra cạnh tranh toàn cầu, học hỏi, tiếp thu và chiếm lĩnh công nghệ thế giới. Một số tập đoàn tư nhân có đủ nguồn lực để làm điều này thì cũng tự biến mình thành các doanh nghiệp thân hữu, tìm kiếm đặc quyền đặc lợi thay vì hướng đến mục tiêu sáng tạo và phát triển.

Muốn hấp thụ được công nghệ từ nước ngoài, chúng ta phải có một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và am hiểu về công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đầu tư và phải có một hạ tầng đủ tầm để tiếp nhận được các kết quả công nghệ mà các doanh nghiệp FDI mang vào.

Nguồn lao động của Việt Nam khá dồi dào, nhưng trình độ tay nghề thấp, ít có thợ lành nghề, lao động lại thiếu việc làm, tác phong công nghiệp yếu, sức cạnh tranh còn kém so với thế giới. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam được thế giới đánh giá đứng sau nhiều nước châu Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Ấn Độ…

Ttheo Luật sư Nguyễn Thị Phương, Công ty Luật Vietthink, các quy định về chuyển giao công nghệ hiện nay còn khá lỏng lẻo.

Theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN), hình thức CGCN diễn ra khá đa dạng và được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau (Luật CGCN, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại...). Tuy nhiên, Luật CGCN hiện nay không có điều khoản nào quy định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định và thẩm tra công nghệ, đối với các công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào.

Thực tế cho thấy, hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước về Khoa học công nghệ chỉ quản lý phần ngọn của vấn đề chuyển giao. Vì khi chủ đầu tư nước ngoài (liên doanh hoặc đầu tư vốn 100%) nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì phần công nghệ, thiết bị, máy móc của dự án rất bị xem nhẹ.

Vì vậy, cơ quan quản lý về công nghệ không nắm được luồng công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngay từ khâu đầu vào (trừ những dự án đầu tư do Thủ tướng chủ chương phê duyệt). Đây là mấu chốt để góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu.