Vì sao thực phẩm hữu cơ vẫn rất khan hiếm nguồn cung?

Đặng Hoa - 11:11, 02/02/2018

TheLEADERTrong khi nhu cầu về thực phẩm sạch và an toàn của người dân ngày càng tăng cao thì sản lượng cung cấp cho thị trường còn rất hạn chế bởi nhiều lý do.

Vì sao thực phẩm hữu cơ vẫn rất khan hiếm nguồn cung?
Sản lượng rau hữu cơ vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Ảnh minh họa

Khi nền kinh tế phát triển đi lên, thu nhập của người dân được tăng cao, yêu cầu về những sản phẩm hữu cơ chất lượng “ngon” và “an toàn” đang được đặt lên hàng đầu trong cuộc sống hàng ngày. 

Bên cạnh hệ thống chợ, hiện nay tại nhiều nơi đặc biệt là các thành phố lớn đã mọc lên không ít cửa hàng thực phẩm hữu cơ với giá bán cao hơn, các sản phẩm hữu cơ cũng có mặt tại nhiều siêu thị lớn nhỏ.

Theo các chuyên gia, thị trường thực phẩm hiện đang phân thành ba nhóm bao gồm: thực phẩm thông thường không có giấy chứng nhận, nhóm sản phẩm có giấy chứng nhận (thực phẩm sạch, an toàn) và sản phẩm cao cấp hơn là sản phẩm hữu cơ.

Rau hữu cơ và rau an toàn chênh nhau giá tới gấp đôi, gấp ba nhưng rau hữu cơ bán trên thị trường chưa đến 11 giờ sáng đã hết. Điều này cho thấy, thực trạng tiêu dùng, đặc biệt ở Hà Nội, đã có thay đổi và họ mong muốn dùng rau hữu cơ có nguồn gốc cụ thể”, ông Trần Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhìn nhận.

Hiện nay trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và đã thu được nhiều thành quả như Hệ thống sản xuất nông sản sạch Vineco của Vingroup, Tập đoàn TH, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op), Công ty Viễn Phú, Công ty Organic Đà Lạt, Công ty TNHH Ba Huân...

Khan hiếm nguồn cung

Hiện nay, tuy nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm hữu cơ không ngừng tăng lên nhưng sản lượng cung cấp ra thị trường vẫn còn đang rất hạn chế.

Ông Trần Ngọc Thanh cho biết, mặc dù sản phẩm hữu cơ được bán với giá cao hơn 2 – 3 lần so với các loại thực phẩm thông thường nhưng hiện nay lượng sản phẩm hữu cơ sản xuất chưa đủ để cung cấp ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Tương tự, bà Nguyễn Thùy Dương, Tổng giám đốc siêu thị SEIKA Mart cũng cho biết, các nhà phân phối ưu tiên sản phẩm sạch nhưng sản lượng các sản phẩm hữu cơ lại thấp, dẫn đến tình trạng khan hàng khi kinh doanh.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, để sản xuất được các sản phẩm hữu cơ không phải là chuyện dễ, không phải cứ có đất, có giống là trồng được. Để hoạt động được trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp phải đầu tư vốn vào cả đất, giống, công nghệ, giám sát quy trình...

Các sản phẩm được gọi là hữu cơ phải đảm bảo được trồng trên đất sạch, không được dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và chất kích thích tăng trưởng, bảo quản. Công sức bỏ ra cũng nhiều hơn rất nhiều nhưng năng suất thấp hơn.

Trong khi đó, cũng theo các chuyên gia nhìn nhận, hiện nay phần lớn nông dân Việt Nam còn có tư duy ngắn hạn, nghĩa là chủ yếu nhìn vào nguồn lợi trước mắt nhiều hơn nên việc phát triển sản phẩm hữu cơ là rất khó.

Hơn nữa, để có thể tìm được đất canh tác đáp ứng điều kiện canh tác hữu cơ tại Việt Nam cũng không hề dễ. Hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã bị nhiễm độc nặng do nông dân dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách bừa bãi trong thời gian dài.

Nguồn nước và không khí ở nhiều nơi tại Việt Nam cũng bị ô nhiễm trầm trọng, một số nơi không đủ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ nếu không được lọc lại. Quá trình cải tạo này cũng phải tốn ít nhất là ba năm.

Bên cạnh đó, quy trình để được cấp chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam rất khắt khe, tốn nhiều chi phí và thời gian. 

Trước khi cấp chứng nhận, cơ quan chứng nhận sẽ lấy mẫu đất, nước và rau củ đi phân tích trên 200 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ nếu đạt mới được chứng nhận, quy trình này phải được lặp lại hàng năm. Điều này cũng phần nào khiến sản lượng thực phẩm hữu cơ chưa cao, không đủ nguồn cung cho thị trường.