Vì sao Việt Nam vẫn thiếu vắng các nhà quản lý casino danh tiếng thế giới?

Hồ Mai - 13:58, 27/09/2017

TheLEADERTheo Tổng giám đốc GIBC Phạm Phú Trường, bỏ 2 tỷ USD đầu tư casino trong môi trường cơ sở hạ tầng du lịch chưa có như Việt Nam, sẽ có rủi ro.

Vì sao Việt Nam vẫn thiếu vắng các nhà quản lý casino danh tiếng thế giới?
Nếu không có năng lực quản lý casino ở tầm quốc tế sẽ rất khó cạnh tranh. Ảnh minh họa

Việt Nam hiện có 7 casino dành cho người nước ngoài đã được cấp phép và 3 casino lớn đang triển khai xây dựng, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc và Nam Hội An. Bên cạnh 10 dự án casino đã có, nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục đề xuất kế hoạch xây thêm những casino quy mô lớn với nhiều kỳ vọng vào ngành kinh doanh hút tiền này. 

Tuy nhiên, trao đổi với TheLEADER, nhiều chuyên gia cho rằng, dù có nhiều triển vọng nhưng ngành kinh doanh casino tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong vấn đề cơ chế chính sách khá ngặt đối với người chơi, năng lực quản lý tầm quốc tế hay lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vào các dự án này.

Khó cạnh tranh nếu không có năng lực quản lý tầm quốc tế

Theo ông Phạm Phú Trường, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng, các dự án casino đã đang và sẽ triển khai ở Việt Nam hiện nay đa phần chưa thấy bóng dáng của các nhà đầu tư casino hoặc nhà quản lý casino có uy tín trên thế giới.

Ông Phạm Phú Trường, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC).

Hầu hết các casino đang được quản lý bởi các nhà đầu tư Việt Nam và một số nhà đầu tư quốc tế đến từ Macau, Hồng Kông, Úc,.... Tuy nhiên, các nhà đầu tư này hầu hết là những là nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý casino hoặc vẫn chưa phải các nhà quản lý casino danh tiếng trên thế giới.

Casino Nam Hội An do công ty quản lý quỹ Vinacapital đầu tư từng có đối tác là Tập đoàn Genting (Malaysia) – công ty hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp kinh doanh trò chơi, casino. Nhưng cuối cùng Genting cũng rút lui.

Theo ông Trường, nếu không có năng lực quản lý casino ở tầm quốc tế sẽ rất khó cạnh tranh. Bởi không chỉ cạnh tranh tại thị trường trong nước mà các nhà đầu tư còn cạnh tranh với thị trường mới như Nhật Bản (mới cho phép làm casino ở Osaka) hay thậm chí là thị trường láng giềng đã có hoạt động kinh doanh casino như Singapore. “Nếu muốn cạnh tranh, phải có năng lực tốt hơn".

Mới đây, Dự thảo đề án phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế) cho ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đưa ra ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thay vì 35% như hiện nay. "Ưu ái này", theo quan điểm của ông Trường, về định lượng nhằm giảm rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường mới chưa có gì phát triển.

“Bỏ 2 tỷ USD đầu tư trong môi trường cơ sở hạ tầng du lịch chưa có, sẽ có rủi ro”, theo ông Trường.

Ông Trường đưa ví dụ, các nhà đầu tư và quản lý hàng đầu thế giới về casino như Las Vegas Sands (Mỹ), họ muốn một môi trường khác ngoài Vân Đồn, Phú Quốc, để làm theo mô hình khu phức hợp nghỉ dưỡng casino tập trung vào thị trường khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Những thành phố lớn như TP. HCM với cơ sở hạ tầng đầy đủ là một lựa chọn. Las Vegas đã xem xét việc đầu tư vào dự án tại TP. HCM trong nhiều năm.

Theo báo cáo năm 2017 của Tập đoàn tư vấn McKinsey, có đến 17% du khách đến TP. HCM vì mục đích công việc, cao hơn so với mức bình quân của khu vực 14-15%.

“Nếu làm theo mô hình MICE, tập trung khách du lịch hội nghị, khi họ tổ chức sự kiện 10 người nhưng khách sạn của họ chỉ đáp ứng 4-5 nghìn người thì những khách sạn xung quang sẽ được hưởng lợi. Khách là các nhà đầu tư, doanh nhân thường là đối tượng du lịch chi tiêu cao và cũng là đối tượng biết kiểm soát hơn các đối tượng khác theo thống kê”, ông Trường cho biết.

“Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của các công ty quản lý casino có tính toàn cầu thường cao hơn. Các casino của Las Vegas có hệ thống chơi bài có trách nhiệm. Họ cho rằng cờ bạc là giải trí, tỷ lệ ăn luôn được ấn định rõ ràng, chứ không coi không phải nghề kiếm sống. Họ cư xử khác, cách nhìn cũng khác”, ông Trường cho biết thêm.

Do vậy, theo Tổng giám đốc GIBC, “việc kéo các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có uy tín về mặt quản lý trên thế giới, có ảnh hưởng lan tỏa, giúp các doanh nghiệp khác phát triển và mang lại giá trị du lịch, giá trị cho môi trường Việt Nam nói chung cũng cần phải cân nhắc”.

Tuy vậy, theo ông Phạm Phú Trường, mặc dù dự thảo mới về kinh doanh trò chơi có thưởng hiện nay của Bộ Tài chính chưa quy định cụ thể nhưng hai yếu tố quan trọng quy định vốn đầu tư 2 tỷ USD, giải ngân 50% sẽ được cấp phép hoạt động casino và khả năng thử nghiệm cho người Việt vào chơi đã phần nào tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Lựa chọn nhà đầu tư: Yếu tố quyết định sự thành bại 

Cũng nói về việc lựa chọn các nhà đầu tư như thế nào để phát triển hoạt động kinh doanh casino, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định đây là vấn đề quan trọng nhất quyết định sự thành bại của định hướng sử dụng casino cho phát triển kinh tế - xã hội tại các đặc khu kinh tế.

Theo ông, khi lựa chọn các nhà đầu tư, thứ nhất, phải dựa vào quy định nhà đầu tư chiến lược tại Dự thảo Luật đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt.

Thứ hai, xét về kinh nghiệm và thực tế đã đầu tư của các nhà đầu tư trên thế giới như vốn và kinh nghiệm quản lý phát triển casino.

Thứ ba là vấn đề cam kết đặt cọc, cam kết về chất lượng đẳng cấp quốc tế, cam kết về tiến độ góp vốn và tiến độ thục hiên, cam kết về sử dụng lao động trong nước (người Việt), cam kết về môi trường,...và có kí chế tài về các nội dung cần cam kết vừa nêu.

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đối với các đối tác có tranh chấp với Việt Nam cần có các sách lược cụ thể. Các đối tác có tiền sử xấu trong đầu tư tại Việt Nam phải hết sức thận trọng trong lựa chọn đầu tư.

"Trước khi lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư casino đã phải có quy hoạch, định hướng rõ ràng: chỉ làm quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, kết hợp thúc đẩy du lịch và các ngành nghề liên quan khác, nằm trong tỉ lệ cân đối giữa các nhà đầu tư nước ngoài tại từng đặc khu, không để bất kì một nhà đầu tư nước ngoài nào nắm giữ chủ yếu đầu tư tại một khu", ôngThắng cho biết.

Theo ông, đây cũng là vấn đề cần xem xét kỹ hơn, để đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững các đặc khu và nền kinh tế.