Việt Nam cần khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT

Đặng Hoa - 14:07, 19/01/2018

TheLEADERTheo ông Mikko Hypponen, huyền thoại bảo mật công nghệ thế giới, Việt Nam nên có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ và khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT.

Việt Nam cần khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT
Ông Mikko Hypponen cho rằng các thiết bị càng thông minh càng gặp nhiều vấn đề.

Sự xuất hiện của Internet là một bước ngoặt mang tính lịch sử. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất diễn ra đã kết nối tất cả các máy tính lại với nhau và nay chúng ta đang bước vào thời đại của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai, cuộc cách mạng IoT, trong đó tất cả các thiết bị sử dụng điện sẽ được kết nối với Internet.

Chia sẻ tại hội thảo “An toàn thông tin 4.0: Thực trạng và sáng kiến” do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) tổ chức, ông Mikko Hypponen cho biết, cuộc cách mạng IoT (Internet of Thinks - Internet vạn vật) đang diễn ra được định hình bởi hai xu hướng: mọi thứ ngày càng trở nên rẻ hơn và nhỏ hơn.

Do đó, số lượng các thiết bị IoT cũng sẽ không ngừng tăng lên và phổ biến hơn trong đời sống con người.

Tuy nhiên, theo ông Mikko, những sản phẩm càng thông minh càng có nhiều điểm yếu, nhất là các vấn đề liên quan đến việc bảo mật và an toàn thông tin (ATTT). Khi các thiết bị này được kết nối vào mạng bằng các thiết bị IoT, chúng đều có thể bị tấn công.

Trong khi đó, chuyên gia an ninh mạng Trần Đăng Khoa, Cục ATTT cho rằng, trong thời đại mới, mỗi người có thể mang theo rất nhiều các thiết bị thông minh IoT, điều này sẽ dẫn đến những rủi ro mất ATTT trong trường hợp xảy ra vấn đề về bảo mật.

Năm 2015, cả thế giới có 4,9 tỷ thiết bị IoT. Đến năm 2020, con số này dự kiến sẽ lên tới 20,8 tỷ thiết bị, trong đó nhiều thiết bị IoT có những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Lý giải điều này, ông Khoa đưa ra một số nguyên nhân chính bao gồm quản lý chưa chặt chẽ, sức ép giảm giá sản phẩm hoặc do chủ ý từ phía nhà sản xuất.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 70% thiết bị IoT trên thế giới có nguy cơ bị tấn công mạng. Có hai nhóm nguy cơ chính, bao gồm việc truy cập bất hợp pháp và chiếm quyền điều khiển để tấn công mạng và tấn công leo thang.

Tính đến tháng 12/2017, có 7.000 dòng phần mềm độc hại tấn công lên các thiết bị IoT, trong đó, 63% các dòng mã độc tấn công nhằm vào camera giám sát, 20% mã độc tấn công nhằm vào router, modem DSL, còn lại là các thiết bị khác như máy in, thiết bị cá nhân, thiết bị gia dụng. Hầu hết các thiết bị này đều bị nhiễm mã độc Mirai.

Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2017, có hơn 316.000 camera giám sát được kết nối và công khai trên mạng Internet, trong đó có 147.000 thiết bị có lỗ hổng hoặc có khả năng bị tấn công chiếm quyền điều khiển.

Đối với các thiết bị mạng, tính đến tháng 8/2017, Việt Nam có khoảng 28.000 địa chỉ IP của các thiết bị IoT đã bị tấn công bởi mã độc Mirai hoặc các biến thể khác của mã độc Mirai.

Giải pháp nào cho vấn đề bảo mật thông tin?

Trao đổi với phóng viên TheLEADER, ông Mikko cho rằng, hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia rất giàu có về mặt tri thức, các bạn trẻ Việt rất thông minh và sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Đã có một số bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm IoT. Tuy nhiên, cần có các giải pháp và chính sách để các sản phẩm này thực sự chất lượng và đảm bảo ATTT.

Theo ông Mikko, một trong những yếu tố quan trọng để giải quyết các thách thức liên quan tới an ninh mạng là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, ông cho rằng giáo dục và nâng cao nhận thức của người dùng từ khi họ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường cũng là một yếu tố cần được ưu tiên.

“Vấn đề an toàn và bảo mật thông tin phải được đào tạo và tuyên truyền rộng rãi, từ các cơ quan Chính phủ cho tới các doanh nghiệp tư nhân”, ông Mikko nói.

Ông Mikko chỉ ra rằng mối quan tâm hàng đầu của người dân về các sản phẩm IoT không phải là chất lượng cũng chẳng phải là vấn đề ATTT mà có lẽ là giá thành của sản phẩm.

“Tôi đã quá ngán ngẩm với việc người dùng lúc nào cũng kêu ca về tính bảo mật của những sản phẩm mà họ mua trong khi họ không ý thức được rằng những sản phẩm càng an toàn đòi hỏi chi phí đầu tư càng cao và tất nhiên giá bán cũng sẽ cao hơn”, chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh đó Việt Nam cần có hành lang pháp lý để các sản phẩm IoT sản xuất và đến tay người dùng đảm bảo chất lượng và an toàn bảo mật. Dù vậy, hiện nay Việt Nam đang thực hiện những bước đi đầu tiên trong cuộc cách mạng này và ông Mikko tin tưởng Việt Nam sẽ làm tốt trong tương lai.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT nhìn nhận, việc đối phó với nguy cơ thách thức về an toàn thông tin cần có một nỗ lực tổng thể mang tính quốc gia.

Thách thức an ninh mạng trong bối cảnh cách mạng IoT 1
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT. Ảnh: Trọng Đạt

Từ năm 2010, Việt Nam đã có bản quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020 đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhằm phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe doạ mất ATTT.

Theo chuyên gia của Cục ATTT, chúng ta không nên tiếp cận IoT một cách tổng thể, thay vào đó cần tiến hành tiếp cận theo từng hướng đối tượng bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất thiết bị IoT, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và người sử dụng. 

Với mỗi đối tượng, nên áp dụng các biện pháp khác nhau để đảm bảo ATTT.

Bên cạnh đó cần xây dựng lộ trình chiến lược phát triển nền tảng IoT quốc gia, Chính phủ nên xây dựng hành lang pháp lý theo hướng tiêu chuẩn, quy chuẩn hoá và thực thi kiểm định kỹ các thiết bị IoT trước khi đưa ra thị trường.

Mặt khác, Việt Nam nên có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ và khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT.