Việt Nam có thể vẫn tăng trưởng cao mà không phải đánh đổi môi trường

Thiên Hương - 07:30, 16/01/2018

TheLEADERTheo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick, Việt Nam nên điều chỉnh, thích ứng với những thay đổi cần thiết để có thể đạt được mô hình tăng trưởng mạnh mẽ và thân thiện với môi trường.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Eric Sidgwick cho biết, thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng xanh là xu thế tất yếu trên toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. 

Tuy nhiên, quá trình phát triển năng lượng xanh đòi hỏi chi phí cao, công nghệ tiên tiến đặc biệt là kinh nghiệm quản trị từ các tổ chức và quốc gia khác trên thế giới. 

Theo ông Eric Sidgwick, vấn đề đối với Việt Nam là "làm thế nào" để quản lý và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn.

Việt Nam có thể tăng trưởng cao mà không phải đánh đổi môi trường
Ông Eric Sidgwick, GIám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là mục tiêu không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đều mong muốn đạt được. Tuy nhiên, việc theo đuổi tăng trưởng cao trong ngắn hạn có thể sẽ phải đánh đổi nhiều thứ nhất là môi trường? Đó có phải một nghịch lý không thưa ông? Ở góc nhìn của ông, Việt Nam cần làm gì để có thể cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu trên?

Ông Eric Sidgwick: Tôi không nghĩ đó là một nghịch lý, tôi nghĩ rằng đó là chi phí cho tăng trưởng kinh tế. Liệu Việt Nam có tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bảo vệ môi trường cùng một lúc được hay không là một câu hỏi khó, nhưng theo tôi, điều đó có thể xảy ra.

Nhưng nó sẽ không xảy ra một cách tự động hay ngay lập tức. Nếu Việt Nam vẫn theo đuổi sự tăng trưởng như đã và đang theo đuổi cho đến nay thì mục tiêu nói trên có lẽ sẽ không dễ dàng xảy ra. 

Nói như thế không có nghĩa kết quả tăng trưởng Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua tăng trưởng xấu, đó vẫn là tăng trưởng tốt. Nhưng mô-đun tăng trưởng cần phải thay đổi theo hướng sử dụng các yếu tố sản xuất lành mạnh hơn để đạt được hiệu quả cao hơn.

Một khía cạnh quan trọng liên quan đến môi trường là biến đổi khí hậu, một phần do việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nhiên liệu hóa thạch. Ở Việt Nam, nhu cầu năng lượng đang tiếp tục gia tăng do tăng trưởng sản xuất, do vậy nguồn cung cấp năng lượng cũng cần phải tăng lên, nhưng điều cần lưu ý ở đây là cần khuyến khích sự gia tăng của những nguồn cung thân thiện hơn với môi trường.

Vì vậy, việc tăng sản xuất và cung ứng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió cần phải được phát triển để thay thế những nguồn năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá. 

Nếu tiếp tục sử dụng than đá sẽ gây ra chi phí đánh đổi to lớn không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với người dân và phúc lợi xã hội, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ công không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả khu vực.

Do đó, phát triển năng lượng tái tạo mang lại lợi ích lớn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, giúp mở rộng cơ hội việc làm trong các lĩnh vực khác nhau. 

Việt Nam nên điều chỉnh, thích ứng với những thay đổi cần thiết để có thể tiếp tục đạt được mô hình tăng trưởng mạnh mẽ và thân thiện với môi trường.

Như ông nói việc chuyển đổi này không thể diễn ra một sớm một chiều. Vậy theo ông, đâu là khó khăn khiến cho tiến trình này diễn ra chưa được mạnh mẽ và nhanh chóng như mong muốn? Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng phát triển châu Á đã có những hỗ trợ như thế nào để đẩy mạnh tiến trình này ở Việt Nam, thưa ông?

Ông Eric Sidgwick: Việc phát triển và thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng thay thế là điều tất yếu, nhưng hiện quá trình này ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí cao, thiếu công nghệ tiên tiến, đặc biệt là cách thức quản trị và gia tăng tính cạnh tranh trong khâu cung ứng.

Lĩnh vực năng lượng đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng phát triển châu Á. Song hành cùng với nhiều ngân hàng và tổ chức khác, chúng tôi cũng đã đầu tư, hỗ trợ hơn 60 triệu USD cho các hoạt động chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam, chúng tôi thực hiện hai mục tiêu hỗ trợ: Hỗ trợ về tài chính và tư vấn về chính sách cho Chính phủ Việt Nam ở các cấp độ khác nhau.

Vai trò của ADB tại Việt Nam đưa ra hỗ trợ không chỉ về tài chính mà còn hỗ trợ kiến thức và kinh nghiệm xây dựng khung chính sách, kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Ví dụ như trong ngành điện, chúng tôi hỗ trợ không chỉ khâu phát điện mà còn ở khâu truyền tải điện cũng như phân phối điện.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thảo luận, tư vấn cho Chính phủ phương thức để khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong việc phát điện cũng như đặt giá mới cho những năng lượng tái tạo. Đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng cho khu vực tư nhân và sự tham gia của họ không chỉ mang lại nguồn tài chính mà còn cả chuyên môn, công nghệ giúp giảm chi phí và gia tăng lợi ích. 

Một lĩnh vực nữa mà chúng tôi đang thực hiện đó là hỗ trợ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tại Tiểu vùng Mê Kông. ADB và Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) đang nỗ lực thiết lập một thị trường điện năng khu vực cạnh tranh và hội nhập.

Từ đó phát triển bền vững các nguồn năng lượng phong phú của Tiểu vùng Mê Kông, duy trì an ninh năng lượng, cải thiện cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại và trong khả năng chi trả của người dân.

Ông đánh giá như thế nào về cam kết của Chính phủ và người dân Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng xanh, hướng đến tăng trưởng bền vững?

Ông Eric Sidgwick: Quyết định ban hành Quy hoạch điện VII của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016 có thể coi như một sự cam kết đầy đủ của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi này. 

Tôi tin rằng Đảng và Chính phủ Việt Nam đã hoàn toàn nhận thấy tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và cam kết giải quyết vấn đề này. 

Vấn đề đối với Việt Nam không phải là "làm gì" mà là "làm thế nào" để quản lý quá trình chuyển đổi này? Làm thế nào để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào quá trình cung ứng năng lượng tái tạo, để có một sự sắp xếp chuyển tiếp tốt hơn từ việc sử dụng than đá sang các nguồn năng lượng sạch hơn. 

ADB luôn sẵn sàng đưa ra những hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam.

Xin cám ơn ông!