Việt Nam sẽ tiếp quản vị trí của Trung Quốc trong chuỗi giá trị

Linh Lan - 09:33, 04/10/2017

TheLEADERViệc Trung Quốc đi lên trong chuỗi giá trị và di dời sản xuất cấp thấp sang các nước có lao động rẻ hơn sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở một số thị trường cận biên của khu vực châu Á.

Việt Nam sẽ tiếp quản vị trí của Trung Quốc trong chuỗi giá trị
Công nhân tại nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Vietnam Manpower

Fitch Ratings, tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín cho biết các thị trường cận biên (Frontier Market) ở châu Á, trong đó có Việt Nam, trong vài thập kỷ tới sẽ là những môi trường kinh doanh khả thi và ổn định về kinh tế vĩ mô và chính trị, cùng với mức lương thấp, đông dân và vị trí địa lý thuận lợi.

Mức lương, chi phí đất đai tăng cao và sự tăng giá đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc trong thời gian qua đã phản ánh những nỗ lực chính sách nhằm cân bằng nền kinh tế và nâng cao mức sống, nhưng cũng làm giảm khả năng cạnh tranh trong sản xuất cấp thấp. 

Mức lương trung bình của ngành chế tạo Trung Quốc hiện nay cao hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác của châu Á. Việc tìm kiếm lao động giá rẻ ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, với tốc độ đô thị hóa cao và dân số trong độ tuổi lao động giảm trung bình 0,4%/năm trong giai đoạn 2015-2035.

Sự sụt giảm đáng kể trong sản xuất cấp thấp của Trung Quốc trong những thập kỷ tới sẽ để lại một khoảng trống lớn cho các nước có chi phí thấp khai thác. Theo UN Comtrade (Cơ sở thống kê dữ liệu thương mại tiêu dùng Liên hợp quốc), tổng kim ngạch xuất khẩu quần áo, giày dép và đồ gỗ toàn cầu của Trung Quốc vẫn chiếm gần 40%, tăng từ 34% trong năm 2010 và chỉ đạt đỉnh điểm vào năm 2014. Tuy nhiên, sự sụt giảm này đang ngày càng lớn hơn - lượng xuất khẩu những mặt hàng thâm dụng lao động của Trung Quốc đã giảm 10% vào năm 2016.

Bangladesh và Việt Nam là hai nước dần thay thế chỗ đứng của Trung Quốc trong các lĩnh vực này. Hai nước này chiếm 8% xuất khẩu quần áo, giày dép và đồ gỗ toàn cầu vào năm 2015, tăng từ 3% trong năm 2010.

Ví dụ, Bangladesh có một ngành công nghiệp hàng may mặc chiếm hơn 80% lượng hàng xuất khẩu của mình, và có khả năng đáp ứng nhanh các đơn đặt hàng lớn. Việt Nam lại là điểm đến thuận lợi để mở rộng sản xuất thiết bị điện tử cơ bản khi di dời các nhà máy từ Trung Quốc. Ở cả hai nước, lĩnh vực sản xuất là động lực chính cho tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định.