Việt Nam thuộc Top 10 về kiều hối, chiếm 2% toàn cầu

Anh Duy - 10:25, 25/04/2018

TheLEADERTheo dữ liệu từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới đây, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 10 về lượng kiều hối năm 2017 với 13,8 tỷ USD, chiếm 2% tổng kiều hối trên toàn cầu.

Việt Nam thuộc Top 10 về kiều hối, chiếm 2% toàn cầu
Kiều hối là dòng tiền quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Na,. Ảnh: Báo Công Thương

Xét tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có lượng kiều hối chuyển về lớn thứ 3 vào năm ngoái, đứng sau Trung Quốc (63,9 tỷ USD) và Philippines (32,8 tỷ USD).

Tổng giá trị kiều hối chiếm 6,4% GDP của Việt Nam năm 2017 và gia tăng khoảng 16% so với năm trước đó, theo số liệu từ báo cáo Di cư và Phát triển (Migration and Development) của Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong vòng 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đổ về Việt Nam luôn giữ đà tăng trưởng trừ năm 2009 sau khủng hoảng kinh tế thế giới và năm 2016, nằm trong xu hướng chung của khu vực.

Năm 2017, kiều hối chuyển về Đông Á – Thái Bình Dương có sự phục hồi với tốc độ 5,8% sau khi suy giảm 2,6% vào năm trước đó. Báo cáo trên dự kiến năm 2018 và 2019 sẽ lần lượt tăng 3,8% và 3,6%.

Ấn Độ là quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới vào năm ngoái với 69 tỷ USD, tiếp sau đó là Trung Quốc với 64 tỷ USD.

Lượng kiều hối chảy về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã đạt kỷ lục vào năm ngoái sau khi giảm hai năm liên tiếp với tổng giá trị khoảng 466 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2016.

Tính trên quy mô toàn cầu, cả dòng kiều hối chảy về các nước có thu nhập cao, tổng giá trị đạt khoảng 613 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước nữa.

Trong thông cáo của mình, WB cho biết sự tăng trưởng cao tại Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ là yếu tố đẩy lượng kiều hối phục hồi cao hơn dự báo trước đó. Ngoài ra, việc gia tăng của giá dầu và sự mạnh lên của đồng Euro và đồng Rúp cũng là những yếu tố hỗ trợ.

WB cho rằng chính sách nhập cư thắt chặt hơn tại nhiều quốc gia có dòng kiều hối lớn là một trong những rủi ro đối với tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, chiến lược giảm thiểu rủi ro từ các ngân hàng và việc siết chặt quy định với chuyển tiền nhằm giảm tội phạm tài chính cũng là nguy cơ kìm hãm tăng trưởng của kiều hối.