Việt Nam tìm cách giảm thâm hụt thương mại nặng nề với Singapore

Linh Lan - 12:01, 17/10/2017

TheLEADERSingapore là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam, đứng thứ 3/122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam tìm cách giảm thâm hụt thương mại nặng nề với Singapore
Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore. Ảnh: TL

Sáng 17/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Công thương Singapore Lim Hng Kiang đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 về Kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore.

Lãnh đạo hai bên đã điểm lại và đánh giá về các thỏa thuận hợp tác tại 6 lĩnh vực mà Việt Nam và Singapore hợp tác, trong đó nhấn mạnh vào hợp tác song phương về đầu tư và thương mại.

Về lĩnh vực đầu tư, ông John Conceicao, Giám đốc điều hành Vụ Quan hệ quốc tế, đại diện bên phía Singapore cho biết, Việt Nam đang có 93 dự án đầu tư tại Singapore, với tổng vốn là 235 triệu USD, đứng thứ 12/72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, dịch vụ, công nghệ thông tin và logistics.

Về phía Singapore, tính đến hết tháng 8/2017, nước này đã có 1.918 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 41,38 tỷ USD, đứng thứ 3/122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Trong 8 tháng đầu năm 2017, Singapore đã có 3,93 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam, trong đó có 2,84 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, 718 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm, 370 triệu USD giá trị vốn góp mua cổ phần. 

Dự án có quy mô lớn nhất là Nhà máy BOT Nhiệt điện Nam Định 2 do tập đoàn Teakwang của Hàn Quốc và Acwa Power của Arap Saudi đầu tư vào Việt Nam thông qua pháp nhân tại Singapore có tổng vốn đầu tư là 2,07 tỷ USD.

Về tình hình đầu tư của các KCN Việt Nam – Singapore, đến nay, VSIP Group đã phát triển tổng cộng 8 dự án trên cả nước với tổng quỹ đất hơn 8.400 ha. Các dự án VSIP đã thu hút hơn 720 nhà đầu tư từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt khoảng 10 tỷ USD, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 32 tỷ USD và tạo việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Singapore đề nghị các đối tác sớm triển khai đầu tư khu công nghiệp VSIP tại Quảng Trị theo nội dung MOU đã ký giữa Sembcorp, Becamex và UBND tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, khởi công khu công viên phần mềm tại TP. Đà Nẵng nhân dịp Thủ tướng Lý Hiển Long tham dự Hội nghị APEC tại Việt Nam.

Về thương mại, những năm qua, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Singapore tăng trưởng bình quân 12% mỗi năm giai đoạn 2013-2015. Không chỉ là đối tác chiến lược, Singapore hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 trong ASEAN (sau Thái Lan) và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trên thế giới.

Sau 7 tháng đầu năm 2017, thương mại Việt Nam – Singapore đã tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2016, đạt 5 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kì. 

Trong đó, dầu thô là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất, chiếm khoảng 1/5 tới 1/4 tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Singapore. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2017, mặt hàng này lại giảm mạnh tới hơn 97% về giá trị và 96% về lượng.

Một số nguyên nhân cho sự sụt giảm trên là việc giảm lượng xuất khẩu cũng như việc giảm sâu của giá cả xuất khẩu mặt hàng xăng dầu. Không chỉ có dầu thô mà các mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam cũng sụt giảm như máy vi tính, điện tử và linh kiện hay máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.

Giá trị nhập khẩu từ Singapore của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017, giảm 26,7% so với cùng kì do việc giảm giá trị nhập khẩu từ mặt hàng xăng dầu.

Mặc dù có những bước tiến lớn về hợp tác song phương giữa Việt Nam và Singapore, tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang phải chịu thâm hụt thương mại nặng nề so với Singapore. 

Vì vậy, để cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, phía Việt Nam đề nghị Singapore tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore, đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dệt may, và vật liệu xây dựng.