Vinamilk có lo hết 'sữa'?

Trần Dũng - 12:01, 11/04/2018

TheLEADER“Dũng cảm thay đổi” là chủ đề mà ban lãnh đạo Vinamilk đã đề ra trong năm 2018 này. Song, nếu nhìn vào những hướng đi mà Vinamilk chia sẻ trong đại hội cổ đông vừa qua, có thể thấy sự thay đổi vẫn chưa thật… dũng cảm.

Vinamilk có lo hết 'sữa'?
Nông trại của Vinamilk

Bất kỳ ai đến dự đại hội thường niên năm nay của Vinamilk đều có thể cảm nhận thấy rõ sự sốt ruột của các cổ đông. Sự sốt ruột đó, được đẩy lên đỉnh điểm khi Vinamilk đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chỉ 4,6% trong năm 2018, mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.

“Hòa Phát là một doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, tại sao Hòa Phát tăng trưởng rất nhanh trong khi Vinamilk lại tăng trưởng chậm lại?”, một cổ đông đặt câu hỏi.

So sánh hai doanh nghiệp đầu ngành trong 2 lĩnh vực khác nhau quả là khập khiễng. Tuy nhiên, nó phần nào phản ánh sự không hài lòng của các cổ đông. Vinamilk, kể từ khi lên sàn vào năm 2006 đến nay, lợi nhuận luôn giữ tốc độ phát triển mỗi năm 2 con số, đưa tiền cổ tức và giá cổ phiếu tăng đều đặn qua từng năm.

Nhìn lại giai đoạn gần nhất, từ năm 2012 đến 2017, doanh thu của Vinamilk tăng trưởng bình quân đạt 13,5%/năm, còn lợi nhuận là 12%/năm. Ban lãnh đạo của Vinamilk đánh giá, 2017 là năm bản lề cho chiến lược kinh doanh 2017 – 2021, và rất có thể, đó cũng là năm bản lề cho một chu kỳ chững lại của Vinamilk.

Vinamilk


Nói như vậy không có nghĩa là chú bò Vinamilk đã hết sữa. Chiếm 58% thị phần sữa tại Việt Nam, Vinamilk vẫn đang là doanh nghiệp số 1, áp đảo tất cả các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. 

Thế mạnh của doanh nghiệp này nằm ở phân khúc sữa nước, sữa đặc và sữa chua khi chiếm tỷ trọng trên 50% thị phần. Vinamilk đặt mục tiêu trong giai đoạn tới, mỗi năm sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm thị phần, củng cố vị thế dẫn đầu của mình.

Ngoài ra, thị trường sữa của Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển. Hiện tại, mức sữa tiêu thụ bình quân đầu người tại Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, năm 2017, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam mới chỉ đạt 26 lít, còn thấp so với các quốc gia Đông Nam Á khác. 

Một thị trường 100 triệu dân, thu nhập bình quân ngày một cao và nhu cầu ngày càng lớn rõ ràng vẫn còn nhiều cơ hội. Vinamilk là doanh nghiệp số 1 ngành, đường tăng trưởng chắc chắn vẫn rất rộng mở.

Mặc dù vậy, ban lãnh đạo của Vinamilk cũng thừa nhận một thực tế, đó là thị trường sữa trong nước đang tăng trưởng chậm lại, khi tốc độ chỉ từ 5 - 7% mỗi năm. Vinamilk đã chiếm 58% thị phần, nên khó có thể kỳ vọng doanh thu tăng nhanh được nữa.

Để cải thiện kết quả kinh doanh, Vinamilk đã đề ra chiến lược sản phẩm đi vào phân khúc trung và cao cấp hơn, song song với việc tăng độ phủ tối đa ở nông thôn. Vinamilk có khoảng 250 loại sản phẩm bao quát toàn bộ ngành sữa Việt Nam.

Tuy nhiên, ở mọi mặt trận, Vinamilk đều đang bị cạnh tranh rất gắt gao. Tại thị trường sữa bột cho trẻ em, Abbot và các thương hiệu sữa ngoại đang chiếm ưu thế. Ở nông thôn, sữa dinh dưỡng dành cho người gầy của Nutifood rất thành công. Trên thị trường sữa tươi, TH đã ghi dấu ấn, còn Vinasoy thống lĩnh mảng sữa đậu nành.

Đối mặt sức ép ngày càng tăng từ đối thủ, mục tiêu tăng thị phần trong nước mỗi năm thêm 1% của Vinamilk không hề đơn giản. Và để tìm kiếm sự bứt phá, Vinamilk cần phải hướng đến những thị trường khác giàu tiềm năng hơn.

Ít đột phá

“Dũng cảm thay đổi” là chủ đề mà ban lãnh đạo Vinamilk đã đề ra trong năm 2018 này. Có vẻ như, việc Vinamilk đang đi chậm lại cũng đang khiến chính những người điều hành doanh nghiệp cảm thấy sốt ruột. Song, nếu nhìn vào những hướng đi mà Vinamilk chia sẻ trong đại hội cổ đông vừa qua, có thể thấy sự thay đổi vẫn chưa thật… dũng cảm, khi đa phần nội dung đều không có gì mới.

HĐQT của công ty đề ra 2 hướng đi chính. Thứ nhất là tấn công các thị trường mới trong nước, và thứ hai đó là hướng sang thị trường nước ngoài.

Mục tiêu đầu tiên, Vinamilk đã có những động thái ban đầu với dòng sản phẩm chủ lực mang tên Organic. Bà Mai Kiều Liên cho biết, Vinamilk chính thức bước chân vào thị trường organic từ đầu năm 2017 và sau 1 năm triển khai, đến nay nguyên liệu không đủ để đáp ứng đầu ra.

Để đáp ứng nhu cầu lớn, Vinamilk đang ưu tiên các trang trại để chăn nuôi bò sữa, điển hình Công ty sẽ mở rộng trang trại Đà Lạt, đồng thời đầu tư trang trại tại Thanh Hóa số lượng 2.000 con. “Tại Nghệ An có một đối tác Nhật cũng đang xây dựng trang trại, và Vinamilk đã thương thảo để lấy sữa từ đây”, bà Liên cho biết.

Với các dòng sản phẩm ngoài sữa, thương vụ Vinamilk mua 25% công ty Dừa Á Châu cho thấy tham vọng đẩy mạnh các dòng sản phẩm giải khát, nước ép trái cây, nơi Vinamilk cũng có thành quả đáng kể với các thương hiệu khá nổi tiếng như ICY, nước trái cây Vfresh.

Ngoài ra, Vinamilk cũng đang nhòm ngó thị trường thực phẩm chức năng khi tuyên bố bắt tay Dược Hậu Giang. Thông qua hệ thống phân phối rộng khắp, lên tới 251.000 điểm bán, Vinamilk kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho dòng sản phẩm mới.

Vinamilk: Có lo bò hết 'sữa'? 1

Nhìn chung, các kế hoạch Vinamilk vạch ra đều có tiềm năng, song sẽ cần nhiều thời gian phát triển. Thị trường sữa organic có lợi nhuận cao nhưng quy mô còn bé. Thị trường nước giải khát thì cạnh tranh rất khốc liệt với hàng loạt tên tuổi lớn cả trong và ngoài nước. Còn thực phẩm chức năng, Vinamilk cũng phải cân nhắc khi nhớ lại bài học cà phê Moment đã ế ‘chỏng trơ’ vì cố đẩy hàng qua kênh phân phối sữa.

Quân bài thứ hai, tiến công ra thị trường nước ngoài, được chính Vinamilk thừa nhận là chưa đủ tự tin. Angormilk tại Campuchia là thành công hiếm hoi của Vinamilk khi ghi nhận doanh thu đạt 461 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 61%. Công ty đã có lợi nhuận ngay từ năm đầu hoạt động và đã xây dựng nhà phân phối ở tất cả các tỉnh thành của Campuchia.

Vinamilk muốn lặp lại thành công tại Campuchia tại các thị trường mới, chẳng hạn như Myanmar. Công ty đã muốn triển khai song chưa tìm được nhà phân phối tại đây.

Vấn đề nằm ở chỗ, ở hầu hết các quốc gia, sữa là mặt hàng được bảo hộ. Điều này khiến đường vào ngành sữa của một doanh nghiệp ngoại là rất khó khăn. Trường hợp Angormilk, để đạt được thành công, Vinamilk đã phải đồng hành với doanh nghiệp này gần 10 năm. Tiến quân ra nước ngoài là một bài toán dài hơi, vì vậy không có gì lạ khi ban lãnh đạo Vinamilk tuyên bố chưa đủ tự tin.

Một phần nguyên nhân của những kế hoạch thiếu đi tính đột phá, đến từ thành phần ban quản trị. Hai cổ đông lớn nhất của Vinamilk là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 36% cổ phần và F&N giữ 20,56% cổ phần.

SCIC từ lâu đã nổi tiếng với việc “ngồi không” chờ chia cổ tức và không bao giờ lên tiếng về đường lối phát triển doanh nghiệp. Đối tác F&N, một công ty của ThaiBev (Thái Lan), đơn vị đã chi 4,8 tỷ USD thâu tóm Bia Sài Gòn, thì đang rất nóng lòng muốn thâu tóm "bò sữa". Tuy nhiên, việc chưa thể nắm quyền sở hữu tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam cũng khiến F&N không vội vàng gì nghĩ tới việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của Vinamilk.