Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab: Đi ngược Luật Cạnh tranh

Như Hoa - 08:25, 10/10/2017

TheLEADERBản chất của Luật Cạnh tranh là thúc đẩy sự cạnh tranh hợp lý, tăng tính cạnh tranh cho thị trường. Cách mà các hãng taxi truyền thống đang muốn là muốn được bảo hộ, cái đó lại đi ngược với Luật Cạnh tranh.

Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab: Đi ngược Luật Cạnh tranh
Cuộc chiến taxi giữa Mai Linh, Vinasun và Uber, Grab đang tiếp tục căng thẳng. Ảnh minh họa

Sau khi bùng nổ số xe taxi dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab, lãnh đạo Vinasun giãi bày với báo chí rằng cánh tài xế tự in khẩu hiệu, tự dán lên đuôi xe taxi. Vị này cũng phân bua rằng Uber, Grab đang được hưởng nhiều lợi thế, không bị ràng buộc về điều kiện kinh doanh. Ông cũng cho rằng Uber, Grab dùng giá hủy diệt để “giết” taxi truyền thống, giành thị phần, sau đó sẽ tăng giá ngất ngưởng cho người tiêu dùng thiệt hại.

Uber, Grab có vi phạm Luật Cạnh tranh?

TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng, cho rằng việc dán biểu ngữ trên đuôi xe Vinasun có thể vi phạm Luật Cạnh tranh. Cụ thể, biểu ngữ mang nội dung “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” thì có thể vi phạm Luật Cạnh tranh” có thể khiến cho người đọc có ấn tượng xấu về Uber, Grab. 

Đọc nội dung này, dễ hiểu rằng Uber, Grab đang vi phạm pháp luật cho nên mới phải yêu cầu tuân thủ pháp luật. Như vậy, nội dung khẩu hiệu, biểu ngữ trên mang tính gièm pha, bêu xấu doanh nghiệp khác. Luật Cạnh tranh cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó cấm hành vi gièm pha doanh nghiệp khác. 

Điều 43 quy định: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Trong khi đó, phản pháo của Vinasun về việc Uber, Grab cũng vi phạm Luật Cạnh tranh lại rất mong manh.

Không thể chứng minh “giá hủy diệt”

TS. Nguyễn Ngọc Sơn phân tích: Luật Cạnh tranh có cấm một số hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Cụ thể là cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường “bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”. Hành vi này có thể gọi nôm na là định giá hủy diệt đối thủ.

Tuy nhiên, để quy kết Uber, Grab có hành vi định giá hủy diệt thì Vinasun phải chứng minh rất nhiều yếu tố. 

Thứ nhất là xác định giá thành toàn bộ của Uber, Grab, bao gồm giá nguyên vật liệu, nhân công, chi phí vận chuyển, chi phí quản lý… là bao nhiêu. Giá cung ứng dịch vụ vận chuyển là bao nhiêu, có dưới giá thành toàn bộ này hay không, có lỗ hay không. Việc chứng minh này là khả thi với giá hàng hóa, nhưng lại rất khó khăn với giá dịch vụ. Mà vận chuyển thì thuộc nhóm dịch vụ, nên khả năng chứng minh định giá hủy diệt là rất khó.

Mặt khác, cần phân biệt rõ giá hủy diệt hoàn toàn khác với giá rẻ. Giá hủy diệt là dưới giá thành toàn bộ, thông thường là rẻ hơn giá thị trường, đây là hành vi đáng lên án, bị cấm. Còn giá rẻ tức là vẫn trên mức giá thành toàn bộ, nhưng rẻ hơn giá thị trường bởi vì người ta biết cách giảm chi phí, biết cách tận dụng công nghệ. Đây lại là điểm đáng khen ngợi, đáng khuyến khích, TS. Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Taxi truyền thống nên nhìn nhận lại rằng giá taxi của họ đã quá cao suốt bao năm nay, chứ không phải giá Uber, Grab rẻ rúng gì cho cam! Mặt khác, giá Uber, Grab rẻ hơn vì họ tận dụng công nghệ hơn, giảm chi phí đáng kể hơn, khai thác xe triệt để hơn, phân bổ mức giá cao thấp tùy thời điểm để thu hút khách…

Thứ hai, taxi truyền thống phải chứng minh Uber, Grab có ý định “nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”.

Không thể so sánh về điều kiện kinh doanh

Vinasun cho rằng “quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”. Liệu có vấn đề này hay không? Có quy định nào của Luật Cạnh tranh nhằm bảo vệ các hãng taxi truyền thống trước sự cạnh tranh “bất công” này hay không?

TS. Nguyễn Ngọc Sơn phân tích xe chạy với ứng dụng Uber, Grab là chạy theo loại hình “vận chuyển hành khách theo hợp đồng”. Theo đó, khách hàng đặt xe qua ứng dụng đã “chốt” đầy đủ nội dung hợp đồng vận chuyển, từ địa điểm, giá cả, phương tiện, thời gian… Loại hình này khác với loại hình taxi. Do vậy Vinasun không thể so sánh theo kiểu bất công về điều kiện kinh doanh.

Nếu có lợi thế thì đó là Uber, Grab biết cách vận dụng quy định pháp luật linh hoạt hơn, ông Sơn nhận định.

Mặt khác, cùng một lĩnh vực giao thông, taxi truyền thống có nhưng điểm khác với xe Uber, Grab, thay vì nhìn thấy ưu điểm của mình thì taxi truyền thống toàn đổ lỗi và so bì.

Ví dụ, xe chạy hợp đồng như Uber, Grab không được gắn logo nhận diện như xe taxi. Khách hàng không có smart phone, không có internet làm sao gọi Grab, Uber? Khách hàng gọi xe ngoài đường còn vẫy taxi, chứ biết xe nào Uber, Grab mà vẫy?

Ví dụ, taxi phải có công-tơ-mét. Xe chạy bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Mà xưa nay taxi mang tiếng xấu là câu thêm đường vòng để tính tiền. Anh muốn chạy thế nào thì anh chạy. Trong khi Uber, Grab tính tiền theo bản đồ.

Ví dụ, taxi truyền thống nói rằng họ tốn tiền đăng kiểm, đầu tư, thay mới, nâng chất xe… Xe Uber, Grab cũng đâu phải tự dưng mà có. Tại sao chủ xe lại đưa xe mình vào chạy Uber, Grab? Taxi truyền thống có thể huy động xe như vậy không, có ai cấm các anh làm đâu, tại sao không làm đi mà ngồi than?

Luật Cạnh tranh chỉ bảo vệ chứ không bảo hộ

Liệu các hãng taxi truyền thống có thể dùng Luật Cạnh tranh để phản ứng với Uber, Grab được hay không? TS. Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định không thể. Bản chất của Luật Cạnh tranh là thúc đẩy sự cạnh tranh hợp lý, tăng tính cạnh tranh cho thị trường. Cách mà các hãng taxi truyền thống đang muốn là muốn được bảo hộ. Cái đấy lại đi ngược với Luật Cạnh tranh.

“Tôi cho rằng thay vì phản ứng tiêu cực, các hãng taxi truyền thống nên tự đánh giá lại sức cạnh tranh của mình. Tìm giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo cái nhìn thiện cảm. Nếu dịch vụ của họ tốt, họ vẫn có khách hàng và sống được. Nếu dịch vụ cứ kém mãi, lại hành xử sai lầm thì sẽ đến lúc bị đào thải”, TS. Nguyễn Ngọc Sơn phân tích.