Vincom Retail tạo nên phiên giao dịch chứng khoán kỷ lục

Minh An - 23:40, 07/11/2017

TheLEADERGiá trị giao dịch trên HOSE hôm nay đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán.

Vincom Retail tạo nên phiên giao dịch chứng khoán kỷ lục
Vincom Center Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội

Trong ngày thứ 2 giao dịch trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VRE của công ty Vincom Retail đã tạo nên một phiên giao dịch lịch sử.

Gần 415 triệu cổ phiếu VRE đã được giao dịch ở giá 40.600 đồng, tương đương với giá trị 740 triệu USD. Toàn bộ được thực hiện qua thỏa thuận và các nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn khi mua được 396,6 triệu cổ phiếu.

Trong số các cổ đông bán ra, hai cổ đông nước ngoài là Warburg Pincus và Credit Suisse đã bán 260 triệu cổ phiếu.

Sau giao dịch này, Warburg Pincus còn nắm giữ 93 triệu cổ phiếu VRE, tương đương gần 5% cổ phần công ty. Credit Suisse nắm giữ 31 triệu cổ phiếu VRE, tương đương khoảng 1,6% cổ phần.

Trong năm 2013 và 2015, hai tổ chức này đã đầu tư 300 triệu USD vào Vincom Retail. Nhưng tính riêng số cổ phiếu ban ra hôm nay họ đã thu về 463 triệu USD. Số cổ phiếu còn lại có giá trị khoảng 220 triệu USD.

Một thông báo của Vincom Retail cho biết, các tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu VRE hôm nay là là Avanda Investment Management Pte, Dragon Capital, Genesis Investment Management LLP, GIC Pte, HSBC Asset Management (UK), Karst Peak, RWC Asset Advisors (US), Templeton Investments và TT International.

Đây là một số trong những nhà đầu tư đã gặp gỡ và làm việc với Vincom Retail từ 15/10/2017. Các tổ chức này hoàn toàn không bị hạn chế giao dịch và có thể trading ngày 10/11khi cổ phiếu mua hôm nay về tài khoản.

Với giá giao dịch 40.600 đồng/cổ phiếu, công ty có giá trị hơn 77.000 tỷ đồng, tương đương 3,4 tỷ USD. Mức định giá này đưa Vincom Retail trở thành một trong 10 công ty niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Mức định giá này cũng góp phần đưa tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên mức 3,4 tỷ USD, theo đánh giá của tạp chí Forbes, tăng 1 tỷ USD so với hồi đầu năm 2017. Ông Vượng hiện đứng thứ 663 trong danh sách tỷ phủ thế giới của tạp chí này cập nhật hôm nay. 

Tập đoàn Vingroup trực tiếp nắm gỡi 18,3% cổ phần Vincom Retail, hai công ty con là Sài Đồng và Nam Hà Nội nắm giữ 40,5% cổ phần. Ngoài ra khoảng 300 cá nhân khác nắm giữ hơn 20% cổ phần của công ty trước khi niêm yết.

Vincom Retail, có vốn điều lệ hơn 19 nghìn tỷ đồng, là công ty quản lý, vận hành và cho thuê 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh và thành phố trên cả nước với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ hơn 1,1 triệu m2. Công ty có kế hoạch mở thêm 30 trung tâm nữa trong năm 2018 và đạt 200 trung tâm thương mại vào năm 2021.

Các trung tâm của Vincom Retail có tỷ lệ lấp đầy trung bình các trung tâm thương mại trong 3 năm qua là 82%, con số này trong 6 tháng đầu năm nay là 89%.

Việc liên tục mở thêm các trung tâm mới giúp doanh thu cho thuê mặt bằng của công ty tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ cho thuê mặt bằng của Vincom Retail đạt 2.123 tỷ đồng. Cả năm ngoái, doanh thu hoạt động này là 3.805 tỷ đồng.

Bên cạnh cho thuê mặt bằng, Vincom Retail còn phát triển nhà phố thương mại (shophouse) xung quanh một số trong tâm thương mại, phần lớn nằm ở trung tâm các tỉnh. Đồng thời công ty cũng phát triển tháp văn phòng và căn nhộ để bán gần các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm Hà Nội và TP.HCM.

Mảng bán bất động sản đóng góp 55% doanh thu của công ty năm 2015 (3.267 tỷ đồng), sang năm 2016 là 40% (2.556 tỷ đồng). Nguồn thu này chủ yếu đến từ việc bán căn hộ tại dự án Vincom Center Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội và các nhà phố thương mại.

Trong nửa đầu năm nay, do việc bàn giao các dự án và thời điểm ghi nhận doanh thu bán bất động sản nên tổng doanh thu của Vincom Retail giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.734 tỷ đồng.

“Dòng tiền từ việc bán bất động sản này giúp công ty có thêm nguồn tiền để phát triển các trung tâm thương mại”, Vincom Retail viết trong bản giới thiệu niêm yết cổ phiếu.