Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ: "Dân ta còn muốn làm giàu sau 1 đêm"

Việt Hưng - 15:43, 11/04/2018

TheLEADERÔng Trần Anh Dũng - CEO MOG cho rằng, với tâm lý thích làm giàu nhanh, cho dù là tham gia lĩnh vực gì, nhà đầu tư cũng rất dễ bị lừa đảo.

Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ: "Dân ta còn muốn làm giàu sau 1 đêm"
Tâm trí trở thành tỷ phú sau một đêm ngủ dậy đã khiến không ít người sập bẫy lừa đảo

Vừa qua, rất nhiều người dân đã kéo tới trước trụ sở công ty cổ phần Modern Tech tại Q1, TP. HCM nhằm tố cáo công ty này và các đối tác lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng, thông qua hình thức huy động vốn để kinh doanh tiền ảo.

Theo chia sẻ của các nạn nhân, ModernTech, iFan và Pincoin là chủ mưu của vụ lừa đảo tiền tỷ này. Cụ thể, iFan và Pincoin là dự án huy động vốn được 7 người Việt lập ra nhưng lại mượn danh nước ngoài. iFan được tuyên bố là dự án đến từ Singapore, trong khi Pincoin đến từ Ấn Độ.

Để qua mặt các cơ quan chức năng, iFan và Pincoin đã ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện pháp lý tại Việt Nam và công ty này đã công khai tổ chức các sự kiện huy động vốn (ICO) tại TP. HCM và Hà Nội.

Tiếp đó, Modern Tech đã phát hành đồng tiền ảo này để huy động vốn, qua đó đặt hàng ngàn nhà đầu tư vào bẫy thòng lọng tiền ảo.

Anh N.P - một nhà đầu tư đã bỏ ra khoảng 80 triệu đồng cho biết, anh tham gia vào mạng lưới iFan vào thời điểm tháng 8/2017, với lời hứa hẹn thu về lợi nhuận 48%/1 tháng. Thời gian đầu, tổ chức này trả lãi đúng như cam kết, nhưng càng về sau, điều kiện rút lãi càng nâng lên và sau cùng là ôm tiền rồi đột ngột "biến mất".

Hệ quả là số tiền hơn 15 ngàn tỷ từ khoảng 32.000 nhà đầu tư đã "bốc hơi", khiến cả nghìn người lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, vì trót rót vốn vào cuộc chơi "tiền ảo".

Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ: Dân ta còn muốn làm giàu sau 1 đêm
Hình ảnh phản đối vụ lừa đảo tiền ảo hôm 8/4 vừa qua. Ảnh: vietnamfinance

Ước mơ sau một đêm đổi đời

Thực tế, các mô hình đa cấp và huy động vốn qua tiền ảo như ModernTech, iFan và Pincoin không phải là hiếm.

Trên thế giới, người ta đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo, đáng kể là vụ sụp đổ của sàn tiền ảo Bitconnect - vụ lừa đảo lớn nhất trên thị trường tiền ảo do Ủy ban chứng khoán Mỹ phát giác, khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay, bao gồm cả người Việt.

Ông Trần Anh Dũng - CEO MOG nhận định: "Sở dĩ 15 ngàn tỷ đồng dễ dàng bị bốc hơi vì nhiều người vẫn mang tâm lý thích làm giàu nhanh, thậm chí là trở thành tỷ phú sau một đêm ngủ dậy. Tôi tin rằng, với tâm lý như vậy, cho dù là tham gia lĩnh vực gì, nhà đầu tư cũng rất dễ bị lừa đảo".

Về cơ bản, các hoạt động ICO không hề xấu như nhiều người suy nghĩ. Đây là một hình thức gọi vốn của các doanh nghiệp thông qua việc phát hành các đồng tiền ảo hiển thị như là cổ phần của công ty.

Qua đó, các nhà đầu tư sẽ phải bỏ tiền mặt ra để mua cổ phần công ty, nhưng thay vì nhận lại được số lượng cổ phiếu như trên các sàn chứng khoán (IPO) thì sẽ nhận lại lượng tiền ảo tương ứng được lưu trữ trên "ví ảo" ở các website.

Phần đông các nhà đầu tư đều hy vọng mua với giá tốt và chờ đợi để bán với mức gấp 5, thậm chí gấp 10 lần. Thế nhưng, khi đã rót hàng chục triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, nhiều người nhận về kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Chiêu thức mới nhưng kịch bản cũ

Anh Trung Lê - một nhà đầu tư tiền ảo có kinh nghiệm cho hay: "Nếu từ đầu, liên minh ModernTech, iFan và Pincoin đã có ý định lừa đảo, thì vụ việc này thật quá tinh vi. Xu hướng tiền ảo đang lên, cộng thêm việc gắn với hình ảnh của người nổi tiếng khiến nhà đầu tư dễ dàng rơi vào bẫy".

Qua vụ lừa đảo nói trên, anh Trung cho rằng, điều cần nhất ở các nhà đầu tư khi tham gia thị trường tiền ảo nói riêng, các hoạt động kinh nói chung, chính là sự tỉnh táo. Rồi sau đó, mới cần đến kiến thức đầu tư vào từng ngành nghề cụ thể.

Bởi nếu nhà đầu tư thực sự có kiến thức và giữ được sự tỉnh táo nhất định, hẳn sẽ thấy việc thu về lợi nhuận gần 50%/tháng là vô lý. Đó là chưa kể tính pháp lý thiếu minh bạch, rõ ràng liên quan tới hoạt động gọi vốn thông qua tiền ảo tại Việt Nam.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 1/2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nguyên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018. Cho đến nay, chưa có thêm bất cứ một văn bản nào được đưa ra.

Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

5 dấu hiệu nhận biết trước khi đầu tư vào ICO

1. Tìm hiểu thông tin về người sáng lập và đội ngũ phát triển

Nếu một công ty thực sự nghiêm túc, họ sẽ không ngần ngại công bố danh tính thật sự. Khi cân nhắc đầu tư vào ICO, nhà đầu tư cầu tìm hiểu các thông tin chi tiết về đội ngũ sáng lập, nhà đầu tư và cố vấn của họ.

2. Tìm một cộng đồng năng động và phát triển

Các thương vụ ICO thành công nhất sẽ tổ chức các diễn đàn, sự kiện và blog cực kỳ năng động để tạo thành một cộng đồng có tiếng nói.

Từ đây, các nhà đầu tư có thể tận dụng các kênh thông tin này để tìm hiểu thêm về các dự án, về sự quan tâm của cộng đồng tới dự án này. Nếu có đông đảo người quan tâm tới thì đó là một dấu hiệu tốt.

3. Tìm hiểu thông qua các bằng chứng xã hội

Mặc dù không phải trong tất cả các trường hợp đám đông đều đúng, nhưng để tìm hiểu về bất kỳ một công ty, một tổ chức nào đó thì hiệu ứng đám đông và các bằng chứng xã hội vẫn là một biện pháp hữu ích, như các bài viết đánh giá trên báo chí, các hoạt động công bố chất lượng sản phẩm.

4. Tìm hiểu chi tiết về lộ trình sáng tạo và phát triển ý tưởng

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể đưa một ý tưởng sáng tạo nhưng để phát triển những ý tưởng đó thành một dự án kinh doanh thì cần có một chuyên gia thực sự đứng sau để tạo ra một lộ trình chi tiết.

Thông qua kế hoạch chi tiết xây dựng, phát triển sản phẩm, các nhà đầu tư có thể chọn ra các dự án có tính khả thi cao.

5. Làm nghiên cứu độc lập

Là một nhà đầu tư thông thái, bạn có trách nhiệm phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định đầu tư nào đó.

Sẽ rất dễ rơi vào cảnh bị lừa đảo, khi nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ các startup, các dự án đầu tư. Vì vậy hãy luôn chú ý và hoài nghi bất kỳ một lời đề nghị hấp dẫn nào đó.