Vướng luật, công trình thiếu vốn, tiền nằm trong kho

Hà Chính - 15:05, 03/08/2017

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng có những quy định “quả trứng con gà” trong Luật Đầu tư công, trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương đang than phiền về những bất cập trong quá trình thực thi Luật này.

Vướng luật, công trình thiếu vốn, tiền nằm trong kho
Những vướng mắc trong thủ tục phê duyệt dự án đang ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Tuy mới có hiệu lực chưa lâu, nhưng bên cạnh các điểm tích cực, những vướng mắc trong Luật chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm nay.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/6, tổng số vốn đầu tư công đã thanh toán mới đạt 85.000 tỉ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017. Trong khi đó, vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng.

Than phiền từ các địa phương

Theo UBND TP. Đà Nẵng, tới ngày 30/6, địa phương mới giải ngân được gần 25% kế hoạch được giao từ đầu năm. Bên cạnh khâu “kẹt nhất” là đền bù, giải phóng mặt bằng, thì thủ tục giao vốn cũng rất rườm rà.

Đặc biệt, theo Đà Nẵng, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết ngay từ đầu năm đã giao kế hoạch vốn, nhưng tới ngày 28/4, Bộ mới giao vốn chi tiết. Trong khi Đà Nẵng có rất nhiều công trình, dự án lớn cũng phải chờ các dự án nhỏ, nên tiến độ chung bị kéo chậm lại. Tính ra, các địa phương phải ít nhất 3 lần chờ phê duyệt từ Trung ương mới được triển khai dự án.

Còn UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết “đang rất vướng” với việc các dự án phải điều chỉnh liên tục nhưng cứ điều chỉnh là phải xin phép Hội đồng Nhân dân, trong khi Hội đồng Nhân dân mỗi năm chỉ họp có 2 kỳ.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, một vướng mắc là với các gói tư vấn thiết kế thi công – dự toán có giá trị trên 500 triệu đồng, chủ đầu tư cũng phải thực hiện đấu thầu rộng rãi, trong khi trước đây gói thầu xây lắp dưới 5 tỷ đồng và gói thầu tư vấn dưới 3 tỷ đã được chỉ định thầu. Điều này dẫn tới thời gian kéo dài hơn so với trước đây.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, việc giải ngân nguồn vốn đạt thấp là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công. Cụ thể là đến nay, Vĩnh Phúc chưa kiện toàn được Ban Quản lý xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án xây dựng khu vực nên có nhiều dự án đã có mặt bằng, được bố trí vốn nhưng không thể triển khai được, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đào Quang Thu thừa nhận quy trình phân bổ vốn đầu tư công hiện nay “quá ôm đồm”. Việc thiết kế Luật Đầu tư công là nhằm mục tiêu tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, “kiểm soát từng đồng tiền thuế của dân”, nhưng thực thi lại vướng mắc.

“Cần tăng cường phân cấp cho các địa phương, Bộ Kế hoạch và đầu tư hậu kiểm thôi, nếu Bộ không phản đối thì cứ tự động làm. Có nên quy định Thủ tướng Chính phủ có giao kế hoạch vốn từ A đến Z, từ dự án nghìn tỷ đến mấy trăm triệu hay không. Các dự án của các tổ chức chính trị - xã hội có giá trị vài tỷ đồng có cần phải Thủ tướng duyệt không?”, ông Thu bày tỏ quan điểm.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, thay vì quy định Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn từ A đến Z như hiện nay, chỉ nên quy định Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch với các dự án lớn, quan trọng và có thể phê duyệt thêm danh mục khởi công mới. Ông Thu cũng thừa nhận bất cập trong việc “xử lý nguồn vốn từ năm trước sang năm sau, vẫn ở đơn vị đó mà cũng phải lên Bộ Kế hoạch và đầu tư, mất tới 6 tháng”.

Dự án có trước hay nguồn vốn có trước?

Thức tế cũng phát sinh chuyện “con gà, quả trứng”, lúng túng và chưa thống nhất trong khâu xử lý trong xây dựng danh mục dự án đầu tư công.

Cụ thể, khi lập kế hoạch đầu tư công, phải có danh mục dự án đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn. Nhưng, ở chiều ngược lại, để phê duyệt được chủ trương đầu tư 1 dự án và đưa vào đăng ký kế hoạch thì phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn.

“Hệ quả của vấn đề này là mất rất nhiều thời gian để thống nhất cách tiếp cận và hoàn thiện thủ tục của các dự án đầu tư công”, Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ rõ.