Vương quốc Bỉ muốn chiếm lĩnh thị trường khoai tây chiên tại Việt Nam

Han Sovy - 15:06, 20/05/2018

TheLEADERSau chocolate và bia, khoai tây chiên đông lạnh sẽ là mặt hàng thực phẩm chiến lược tiếp theo Vương quốc Bỉ mong muốn phát triển thị phần tại Việt Nam nhằm mục đích hoàn thành “họa đồ ẩm thực” của mình tại đây.

Đó là chia sẻ ghi nhận từ ban tiếp thị nông nghiệp vùng Flanders thuộc phái đoàn doanh nghiệp do ông Geert Bourgeois, Bộ trưởng thủ hiến vùng Flanders, dẫn đầu đến ghé thăm và làm việc tại Việt Nam trong tuần qua. 

Trong khuôn khổ sự kiện, các nhà xuất khẩu khoai tây của Bỉ, đặc biệt là 5 tên tuổi lớn trong ngành là Agristo, Bart’s Potato Company, Clarebout Potatoes, Ecofrost và Mydibel, tham gia chuyến thăm lần này với mục đích tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần tại Việt Nam đối với các sản phẩm khoai tây và nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng Việt Nam về khoai tây Bỉ.

Thách thức lớn từ khoai tây Mỹ, Trung Quốc

Với 90% tổng sản lượng cung cấp cho xuất khẩu, Bỉ đang là quốc gia có khoai tây đông lạnh “xuất ngoại” lớn nhất thế giới. Năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu khoai tây chiên của Bỉ là 14,3%, đạt mức 1,68 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước với thị phần ở các thị trường ngoài châu Âu ngày càng tăng.

Vương quốc Bỉ muốn chiếm lĩnh thị trường khoai tây chiên tại Việt Nam
Vành đai đặc khu khoai tây châu Âu HAFPAL (Hamburg – Paris – London)

Đông Nam Á là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới về ngành hàng thực phẩm với sự gia tăng tầng lớp trung lưu, đô thị hóa, dân số trẻ và thị hiếu tiêu dùng đang hướng đến các món ăn châu Âu, trong đó có khoai tây chiên. Ngành công nghiệp khoai tây chiên đông lạnh Bỉ đã sẵn sàng để đáp ứng cho nhu cầu đó.

Việt Nam nằm trong bản đồ mở rộng thị trường của khoai tây Bỉ tại Đông Nam Á, lại là quốc gia có tỉ lệ tiêu thụ các mặt hàng ẩm thực lớn nhưng khoai tây Bỉ lại xuất hiện sau chocolate và bia, cho thấy thách thức nhất định về thị trường khi trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc đang nắm phần lớn thị phần khoai tây nhập khẩu tại Việt Nam.

Theo khảo sát từ Hiệp hội ngành công nghiệp chế biến và sản xuất khoai tây Bỉ (Belgapom), tổng kết năm tài chính (tính đến tháng 1/2018), Việt Nam đã nhập 146.582 tấn khoai tây tươi từ Trung Quốc – chiếm gần bằng một nửa năng suất sản xuất của Việt Nam. 

Kim ngạch xuất khẩu khoai tây Trung Quốc sang Việt Nam cũng đã tăng 72% chỉ trong 5 năm trở lại đây. Với mức này, Việt Nam đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Malaysia.

Thâm nhập thị trường muộn cũng đồng nghĩa với việc phải nghiên cứu kỹ hơn về thị trường và chiến lược giá chính là “ngách hở” cạnh tranh mà Bỉ hướng vào để nhập cuộc cùng khoai tây Mỹ, Trung tại Việt Nam.

Năm 2017, giá nhập khẩu trung bình khoai tây chiên từ Mỹ đạt mức 1.102 euro/tấn, còn với Trung Quốc – “cường quốc giá rẻ”, con số này cũng đã tăng 134% so với ban đầu với 781 euro/tấn. Trong cùng kỳ, khoai tây Bỉ cũng đã chào sân tại Việt Nam với con số 773 euro/tấn.

Không chỉ cạnh tranh, giá nhập khẩu mà Bỉ đưa ra còn được đánh giá là mang lợi thế chiến lược khi thâm nhập các thị trường quốc tế nhờ vào yếu tố ổn định của nguồn cung (điều mà các nước xuất khẩu lớn khác chưa làm tốt, đơn cử như nguồn cung từ Mỹ bị chững lại hồi năm ngoái) khi Bỉ, ngoài việc sở hữu bề dày kinh nghiệm và công nghệ, còn là trung tâm của đặc khu khoai tây châu Âu HAFPAL (Hamburg – Paris – London).

Song song với việc mở rộng thị phần khoai tây chiên, phía Belgapom cũng cho biết sẽ chào đón, hỗ trợ những cơ hội giao thương về công nghệ và các mặt hàng khác liên quan đến khoai tây (khoai tây tươi, snack khoai tây…) từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thương hiệu quốc gia với trải nghiệm từ vị giác

Khoai tây chiên của Bỉ là món ăn có một lịch sử lâu đời và đã trở thành một phần di sản của quốc gia. Tại Bỉ, đi đâu mọi người cũng có thể dễ dàng tìm thấy các cửa hàng khoai tây chiên, từ khắp các ngôi làng đến thành phố lớn. Gần đây, sản phẩm khoai tây chiên Bỉ còn được Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2004.

Với độ phổ biến và truyền thống về khoai tây chiên, không khó để Bỉ có thể xây dựng cho mình một chiến lược quảng bá thu hút, tuy nhiên, quốc gia này lại chọn hình thức quảng bá “thuần túy” của ngành thực phẩm – trải nghiệm từ vị giác.

Vương quốc Bỉ muốn chiếm lĩnh thị trường khoai tây chiên tại Việt Nam 1
Ông Romain Cools

Trao đổi với TheLEADER, ông Romain Cools, Tổng thư ký Belgapom cho biết, đến với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, khoai tây Bỉ đều mong muốn tạo dựng việc nhận diện thương hiệu từ chính những cảm xúc của khách hàng khi thưởng thức sản phẩm, đó là niềm vui trong ăn uống và sự ngon miệng. 

Khoai tây Bỉ, ở khía cạnh nào đó, vừa là món ăn nhẹ phổ biến, cũng vừa là “quốc túy” của Bỉ, do đó không có sự quảng bá nào tốt hơn ngoài chính hương vị của nó. Theo đó, trong thời gian tới, khoai tây chiên Bỉ có thể sẽ tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm hương vị cũng như tham gia một số hội chợ ẩm thực tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, vì chữ ‘french fries’ dễ làm nhiều người nhầm lẫn khoai tây chiên có nguồn gốc từ Pháp (thực tế từ ‘french’ để chỉ kiểu xắt miếng trong món ăn), Bỉ sẽ quan tâm thêm về việc giới thiệu văn hóa khoai tây chiên trong quá trình quảng bá bên cạnhyếu tố hương vị để nhiều người nhận diện rõ hơn về khoai tây chiên Bỉ” – đại diện này cho biết thêm.