World Bank: Gần 1 triệu người Việt Nam sẽ thoát nghèo nhờ CPTPP

Quang Tiến - 17:38, 04/04/2018

TheLEADERNếu Việt Nam đầu tư vào nguồn vốn con người, gia tăng năng suất lao động thì lợi ích từ CPTPP sẽ cao hơn rất nhiều.

Báo cáo về “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tất cả các nhóm thu nhập của Việt Nam dự kiến đều được hưởng lợi dù một số ngành có thể bị điều chỉnh và mất việc làm tạm thời.

Lợi ích tăng thu nhập từ CPTPP được đánh giá sẽ cao hơn đối với những lao động có trình độ kỹ năng cao, đặc biệt là những người trong top 60% cao nhất của phân phối thu nhập. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc đầu tư vào nguồn vốn con người nhằm tận dụng đầy đủ lợi ích từ hiệp định.

Bên cạnh đó, việc thu nhập hưởng lợi từ CPTPP sẽ chủ yếu dành cho các lao động là nam giới, những người có xu hướng được nhận mức lương ban đầu cao hơn so với nữ giới.

Không chỉ vậy, báo cáo của WB còn chỉ ra rằng vào năm 2030, với các giả định thận trọng, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1% và trong điều kiện có tăng năng suất vừa phải, con số này sẽ lên tới 3,5%.

Xuất khẩu được dự báo sẽ tăng thêm 4,2% trong điều kiện bình thường, trong giả định tăng năng suất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cao hơn, đạt 6,9%.

CPTPP sẽ giúp Việt Nam thoát nghèo 0,9 triệu người đến năm 2025 với mức chuẩn nghèo 5,5USD mỗi ngày và đến 2030, con số này sẽ là 0,6 triệu người.

Có thể thấy rõ rằng, nếu Việt Nam đầu tư vào nguồn vốn con người, gia tăng năng suất lao động thì lợi ích từ CPTPP sẽ cao hơn rất nhiều.

Chia sẻ với TheLEADER về việc tận dụng những lợi ích mà CPTPP đem lại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bản thân mình không mạnh, không đủ lực thì không có được cơ hội nào cả. Vấn đề cơ bản nhất là phải tăng cường nội lực, cải thiện năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện hệ thống luật pháp, chính sách. 

“Nếu không tăng cường nội lực thì có kí bao nhiêu, mình cũng không được hưởng lợi mà lợi ích vào tay những người cung cấp bên ngoài. Ví dụ như ngành dệt may nổi tiếng và lợi thế nhưng Việt Nam lại chỉ được hưởng khoảng 10% đến 15%, còn Trung Quốc lại hưởng phần to hơn rất nhiều”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ thêm.