WWF kêu gọi các ngân hàng Đông Nam Á tăng cường chính sách môi trường

Linh Lan - 10:42, 04/10/2017

TheLEADERTổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) nhận định, các ngân hàng và giới chức ở Đông Nam Á cần tăng cường các nguyên tắc và hướng dẫn thực hiện đối với khu vực tài chính để thúc đẩy tài trợ cho các dự án môi trường do khu vực đang bị đe doạ bởi nạn phá rừng và biến đổi khí hậu.

WWF kêu gọi các ngân hàng Đông Nam Á tăng cường chính sách môi trường
Khu vực Đông Nam Á đã và đang chứng kiến tình trạng phá rừng nghiêm trọng do sự tăng trưởng sản xuất dầu cọ, giấy và cao su cũng như các dự án cơ sở hạ tầng. Ảnh: Báo Thanh Niên

Khảo sát mới nhất của WWF, công bố vào thứ Ba (3/10), tiến hành với 34 ngân hàng lớn ở Đông Nam Á, đã chỉ ra rằng, các biện pháp thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực đang ở mức cao và không liên đới với các biện pháp khuyến khích hoặc trừng phạt sẽ giúp các ngân hàng tích hợp được các chính sách môi trường vào thực tiễn hoạt động cho vay của họ một cách hợp lý.

Các ngân hàng trong khu vực, tuy nhiên, lại chậm trễ trong việc quyết định xem rủi ro môi trường nào là quan trọng.

"Chỉ khi nào các ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hợp tác cùng nhau thì mới tạo ra được một sân chơi công bằng cho các ngân hàng và giúp họ đạt các tiêu chuẩn tài chính bền vững", ông Jeanne Stampe, người đứng đầu mảng tài chính và hàng hóa châu Á của WWF nhận định.

Mặc dù các quốc gia Đông Nam Á đã cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, nhưng họ vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý tài chính, theo WWF. Tính bền vững vẫn chưa được chính thức đưa vào trong nhiệm vụ của hội đồng quản trị hoặc ban quản lý cấp cao của các ngân hàng trong khu vực.

Nghiên cứu của WWF khảo sát thông tin của 34 ngân hàng lớn nhất ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo báo cáo, chỉ có 12 trong số 34 ngân hàng đã thực hiện hướng các khoản cho vay của họ đến các hoạt động bền vững thông qua việc sử dụng các danh sách loại trừ và các chính sách của ngành.

Theo WWF, khu vực Đông Nam Á đã và đang chứng kiến tình trạng phá rừng nghiêm trọng do sự tăng trưởng sản xuất dầu cọ, giấy và cao su cũng như các dự án cơ sở hạ tầng. Các khoản vay của các ngân hàng cho các hoạt động này có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự thay đổi chính sách nào và bởi sự dễ bị tổn thương của ngành nông nghiệp đối với tình trạng biến đổi khí hậu.