'Xanh hóa' ngành ô tô Việt: 10 năm vẫn loay hoay định nghĩa khái niệm

Phạm Nga - 08:05, 11/09/2017

TheLEADERTheo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần sớm hiện thức hóa các chính sách ưu đãi xe xanh, để đỡ phải gánh chi phí chuyển đổi, lãng phí nguồn lực, tránh trả giá về sau.

'Xanh hóa' ngành ô tô Việt: 10 năm vẫn loay hoay định nghĩa khái niệm
Giao thông ở các đô thị tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ ô nhiễm khí độc. Ảnh Thanh niên

Các nghiên cứu uy tín đều cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày càng trở nên trầm trọng,nguyên nhân đến từ cả sản xuất, tiêu dùng và đặc biệt là giao thông công cộng. Hình ảnh Bắc Kinh (Trung Quốc) “tắc nghẽn không khí’ đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.

Tại các đô thị lớn, các phương tiện giao thông đang được cho là tác nhân chính trong việc xả khi mang theo các chất độc hại như CO, Pb, NOx… Và Việt Nam không phải ngoại lệ. 

Xe 'xanh' lên ngôi

Trước nguy cơ này, Chính phủ các thị trường ô tô lớn như Anh, Pháp, Trung Quốc... đều đã lên kế hoạch cấm bán xe ô tô chạy bằng xăng dầu. Cùng với đó, nhiều Chính phủ áp dụng triển khai chính sách ưu đãi đối với xe xanh, xe hybrid nhằm khuyến khích người tiêu dùng, hạn chế khí thải CO2 từ lưu thông xe cộ vào không khí. 

Tại các nước phát triển, chính sách thuế ưu đãi là một trong những công cụ quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng đối với những dòng “xe xanh”, đồng thời đây được coi là nguồn động lực cổ vũ các hãng ô tô đầu tư, thiết kế và sản xuất các mẫu sản phẩm hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu hơn nữa. Qua đó, gián tiếp góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên hóa thạch có hạn đang ngày một trở nên khan hiếm.

Trước động thái khá quyết liệt từ Chính phủ các nước, nhiều nhà sản xuất ô tô đã không ngừng đổi mới công nghệ nhằm đưa ra thị trường những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.

Thị trường đã liên tục đón nhân những công nghệ xe mới từ các nhà sản xuất xe lớn với công nghệ EcoBoost (Ford Việt Nam), công nghệ Canter E-cell Zero CO2 của hãng Fuso. Hãng xe Toyota cũng giới thiệu về công nghệ Hybrid hay công nghệ Phev đến từ Mitshubishi...

Thế giới hiện công nhận 4 loại xe xanh bao gồm: Xe điện (Electric Vehicle); Xe “lai” (Hybrid Electric Vehicle); Xe lai có thể cắm sạc (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) và Xe dùng bằng pin nhiên liệu (fuel cell). 

Trong đó, công nghệ xe "lai" hay xe hybrid nằm trong danh sách 20 công nghệ quan trọng để giảm thiểu khí thải CO2 tính tới năm 2050, đồng thời được đánh giá là có tính thực tiễn cao khi áp dụng trong đời sống tiêu dùng các nước.

Nhờ kết hợp giữa năng lượng đốt trong và điện năng, xe Hybrid tiết kiệm khoảng 20% - 30% nhiên liệu so với xe chạy bằng xăng, dầu cùng dòng, đặc biệt xe Toyota Prius Hybrid tiết tiệm tới 50% nhiên liệu. 

Tại Pháp, Chính phủ đã bỏ ra nhiều nghìn Euro để kêu gọi người dân thay thế các phương tiện sử dụng động cơ xăng dầu diesel sản xuất trước năm 2005 bằng các dòng xe điện hay những dòng xe “lai”. Dòng xe sử dụng động cơ trước năm 2005 được cho là thải ra khí “muội” độc (PM2.5 và PM10) dẫn đến cái chết của hàng ngàn người tại Trung Quốc khi mật độ xe cộ trở nên quá tải.

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước sớm đón đầu xu hướng với việc đưa ra chiến lược rất cụ thể về việc phát triển xe xanh. Trong đó, xe Hybrid với ưu điểm phát thải thấp chỉ phải chịu mức thuế nội địa là 10% cho xe có dung tích động cơ không vượt quá 3000cc, trong khi mức thuế đối với các dòng xe cùng loại là từ 30% - 40%.

Tại các quốc gia khác, việc áp dụng chính sách hỗ trợ xe xanh cũng rất linh hoạt như: giảm thuế đăng ký (Hungary, Hy Lạp, Ireland), giảm thuế đường bộ (Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Ý,…), ưu đãi thuế tín dụng (Mỹ), thậm chí miễn một số loại thuế phí (Nhật Bản)...

Vẫn loay hoay chuyện cơ chế

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã bắt kịp xu hướng “xanh hóa” của thế giới và ban hành một số chính sách dành cho dòng xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện hay còn gọi là xe Hybrid từ gần 10 năm trước. 

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do trở ngại về cách định nghĩa và cách hiểu thế nào là “xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện”. Chính việc tranh luận về định nghĩa loại xe này nên dù Chính phủ rất ủng hộ nhưng các cơ quan có liên quan vẫn mãi loay hoay với kế hoạch "xanh hóa" ô tô Việt suốt nhiều năm qua. 

Tại Hội thảo "Chính sách phát triển xe ô tô thân thiện với môi trường" do Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, ông Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Thực tế các chính sách ưu đãi hỗ trợ đã được quy định trong luật như chính sách khuyến khích phát triển dòng xe thân thiện môi trường đã có từ năm 2008 tuy nhiên thực tế số lượng dòng xe này nhập khẩu và sản xuất trong nước là rất ít. 

"Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do các bộ chưa có cách hiểu thống nhất về khái niệm các loại xe thân thiện với môi trường, các tiêu chí đánh giá dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng", ông Tùng cho biết thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tranh luận định nghĩa loại xe như hiện nay là không cần thiết, bởi cách “dịch luật” là hơi máy móc. “Luật quy định là điện, nếu người ta dùng điện thì nghĩa là người ta làm đúng, chứ không phải là phải có cái này, cái kia hoặc truy xuất nguồn gốc”, ông Ánh cho biết.

Cũng theo ông Ánh, với lợi ích đem lại cho cả “ba nhà” gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thì phải nên nhanh chóng triển khai các chính sách đã ban hành để toàn xã hội hưởng lợi.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh phân tích, lợi ích của xe xanh đối với xã hội là rất thiết thực và rõ ràng. Ví dụ như với Nhà nước, cái được của xe xanh chính là giảm khói bụi, khí thải nhà kính, từ đó giảm tác động xấu tới môi trường và sức ép đến nguồn tài nguyên hóa thạch.

Với các doanh nghiệp ô tô, đó chính là việc nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nghiên cứu, phát triển công nghệ. Từ đó, những chiếc xe hybrid sẽ ngày càng ưu việt hơn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng xe tiết kiệm nhiên liệu của người tiêu dùng, đóng góp cho sự phát triển của xã hội theo xu hướng phát triển bền vững. 

Và cuối cùng, xe hybrid nhờ ứng dụng công nghệ cao với sự kết hợp nhịp nhàng giữa xăng và điện theo nguyên tắc sử dụng động cơ xăng ở mức tối thiểu, tái sử dụng năng lượng dư thừa nên tiết kiệm nhiên liệu, là cái được lớn nhất của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, với lượng xe cộ chưa quá nhiều như hiện nay và đang trên đà tăng nhanh, Việt Nam cần sớm hiện thức hóa các chính sách ưu đãi xe xanh, để đỡ phải gánh chi phí chuyển đổi, lãng phí nguồn lực, tránh trả giá về sau, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.