Xây dựng niềm tin và cảm xúc trong văn hóa doanh nghiệp thời 4.0

Đặng Hoa - 11:16, 05/10/2018

TheLEADERKhi trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mọi thứ, quan hệ lao động không còn chỉ là giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc; và sự tương tác đó tạo ra những thay đổi bắt buộc trong bộ kỹ năng mềm của con người.

Đó là nhận định của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Deloitte Việt Nam về định hướng xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp trong bối cảnh công nghệ đang bùng nổ.

Theo lãnh đạo Deloitte, đối với máy móc, từng cá thể có thể làm việc rất tốt, nhưng liên kết với nhau thì rất khó. Trong khi đó, con người với tư duy sáng tạo, khả năng thay đổi sự tương tác và hình thành các mối quan hệ trong thời đại 4.0 làm được những điều máy móc không thay thế được.

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, điều đầu tiên và quan trọng nhất là những giá trị trong quản trị công ty sẽ thay đổi từ các quy chế, quy trình cứng nhắc và định tính thành các quy định về sự tương tác vô hình và hiệu quả. 

Tiếp đó là tư duy lãnh đạo 4.0 và con người 4.0, nghĩa là các nhà lãnh đạo tự lãnh đạo chính mình và trợ giúp người lao động tự lãnh đạo mình. 

Thứ ba là văn hóa 4.0 – hệ quả của tư duy lãnh đạo 4.0 và con người 4.0. Lúc này, con người được lãnh đạo về "bộ kỹ năng" thay vì chỉ tập trung vào kỹ thuật và công nghệ.

Sự tương tác mạnh mẽ giữa con người với nhau dựa trên một thứ mà máy móc không bao giờ thay thế được, đó là giá trị của niềm tin và cảm xúc. 

Bởi lẽ hiện nay, sự dịch chuyển lao động không chỉ ở trạng thái hữu hình mà đang dần chuyển sang vô hình. Người lao động có thể chỉ ngồi một chỗ và làm việc cho nhiều hơn một tổ chức.

"Việc dịch chuyển này đòi hỏi văn hóa doanh nghiệp sẽ quản trị theo hướng hiệu quả, không còn kỷ luật đi sớm về muộn, kiểm kê hay đánh giá lẫn nhau. Chính vì thế, vai trò của lãnh đạo cấp cao cũng sẽ thay đổi. Tư duy giờ đây là phải lãnh đạo chính bạn, và giúp người lao động tự quản lý chính mình", bà Thanh nhận định.

'Giữa người máy và người máy cần sự kết nối của con người'
Nữ tướng Deloitte Hà Thu Thanh. Ảnh: sunflower.vn

Phủ nhận quan điểm cho rằng khi  trí tuệ nhân tạo được vận hành sẽ tạo ra những xung đột giữa người máy và con người, bà Thanh cho rằng người máy/ trí tuệ nhân tạo hay những người lao động đều đang hướng tới một mục tiêu và giá trị là sự hiệu quả của doanh nghiệp.

Sự xung đột nếu có thì chính là xung đột trong tư tưởng của con người. Người máy với  công nghệ cao, bộ chỉ số thông minh với dữ liệu lớn sẽ có năng suất cao hơn và không đưa cảm xúc cá nhân vào công việc.

Sự xung đột tư tưởng đó sẽ dẫn tới xung đột về lợi ích, tức là có người sẽ mất việc làm, có người sẽ thay đổi hình thái việc làm. Việc đưa người máy vào sản xuất sẽ bị phản đối bằng nhiều cách khác nhau. Điều đó sẽ dẫn tới kết quả là có người tiếp tục việc làm, có người bị đào thải, có người sẽ được thăng tiến. 

"Vấn đề ở đây là chúng ta phải chấp nhận xung đột và tự nâng cao khả năng lao động của mình. Giữa người máy với người máy thì không thể có sự tương tác mà cần có sự kết nối của con người. Công nghệ 4.0 cũng như bánh xe sau mỗi người, sẽ có người bật cao bật xa hơn, cũng có người bị bắn ra ngoài hoặc bị bánh xe lăn qua", bà Thanh đánh giá.

Như vậy, văn hóa doanh nghiệp nói chung, và văn hóa của mỗi người nói riêng, sẽ phải đi sâu vào giá trị niềm tin và cảm xúc, chứ không còn chỉ là hình thái thái độ thể hiện bề ngoài.

Lãnh đạo Deloitte nhìn nhận hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp thực sự mong muốn xây dựng một văn hóa doanh nghiệp, nhưng họ đã không thành công, hoặc chưa thành công; rất nhiều doanh nghiệp chỉ có mô hình văn hóa trên giấy mà không thể đi vào thực tiễn. 

Lý giải điều này, bà Thanh cho rằng có ba yếu tố tác động đến việc xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp. Thứ nhất là tư tưởng lãnh đạo và tầm nhìn – thứ sẽ dẫn dắt doanh nghiệp đi về đâu. Thứ hai là giá trị niềm tin - sau 5, 10 năm sau, đội ngũ lãnh đạo ở đâu, người lao động ở đâu và niềm tin được trao gửi chỗ nào. 

Thứ ba là mô hình quản lý. Có rất nhiều câu chuyện về mô hình quản trị gắn với nhà lãnh đạo, ở đó tư duy và tầm nhìn nhà lãnh đạo sẽ quyết định văn hóa của doanh nghiệp. 

"Tầm nhìn không phải điều gì viển vông, xa xôi, mà đó là cách ta dẫn dắt đội ngũ về tương lai; 5 năm, 10 năm nữa doanh nghiệp sẽ ở đâu, bạn sẽ là ai trong doanh nghiệp, để nhân viên có thể trao gửi niềm tin, để gắn bó, cống hiến và xây dựng niềm tin lẫn nhau. 

Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là giá trị của niềm tin, để từ đó tạo ra những giá trị sống và giá trị cống hiến, rồi mới thể hiện ra các giá trị bền ngoài. Đó chính là hành vi ứng xử, tương tác giữa con người với nhau", bà Thanh chia sẻ.