Xây dựng thành phố thông minh: Áp dụng tiêu chí nào cho TP. HCM?

Kim Yến - 06:55, 20/09/2017

TheLEADERDo triển khai xây dựng thành phố thông minh đầu tiên trong cả nước nên TP. HCM đang gặp phải không ít khó khăn, chính sách còn nhiều cản trở, vấn đề tài chính, thiếu hụt cơ sở hạ tầng...

Xây dựng thành phố thông minh: Áp dụng tiêu chí nào cho TP. HCM?
Xây dựng thành phố thông minh đang đặt ra nhiều thách thức cho TP. HCM

Hãy làm và biết lắng nghe, để định hướng và tham mưu cho lãnh đạo. Nguồn nhân lực đủ can đảm, đặc biệt cấp triển khai, có đủ bản lĩnh triển khai và phản biện lại lãnh đạo rất hiếm. Tôi là Giám đốc Sở Thông tin truyền thông mà cũng có nhiều lần phải “nói vuốt đuôi” lãnh đạo! Cần phải đủ bản lĩnh để trở thành tham mưu tốt cho lãnh đạo. Kinh nghiệm để thành công bảo đảm 4 chữ L: Lãnh đạo - Nguồn lực - Liên kết - Lâu dài

TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng đã chia sẻ thẳng thắn như thế trong hội thảo khoa học "Giải pháp tổng thể cho Đô thị thông minh- Smart City 360 độ" do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức ngày 19/9/2017 tại TP. HCM. 

Quá trình triển khai đề án là "động và mở"

(GS. Nguyễn Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP. HCM)

TP. HCM đang đối diện với nhiều thách thức, cũng là những thách thức của các đô thị lớn, mật độ người dân cao gấp mười mấy lần so với cả nước. Dân số thành phố tăng do tốc độ di dân cao, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, ngập nước, y tế, môi trường, kể cả vấn đề tội phạm… 

Chất lượng phục vụ người dân của thành phố chưa đạt như mong muốn. Tỷ trọng đóng góp của thành phố vào cả nước ngày càng giảm…Trong khi người dân cũng có nhu cầu giám sát, đưa ý tưởng của mình đến với thành phố.

Làm thế nào để tránh vấn đề tắc nghẽn giao thông, ngoài quy hoạch, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin rất cần thiết tuy nhiên theo GS. Nguyễn Quốc Cường, 7 chương trình đột phá của TP. HCM chưa giải quyết được vấn đề. 

Chúng ta nên áp dụng tiêu chuẩn nào trong đô thị thông minh với TP. HCM? Đó là xây dựng TP. HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hướng đến kinh tế tri thức. Xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng các mô hình dự báo kinh tế. Đối với người dân, phải tạo ra các kênh tương tác giữa chính quyền và người dân cũng như các tiện ích thông minh để tương tác. Kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch…

Triển khai đề án trong bối cảnh công nghệ đã khá phát triển, nhiều doanh nghiệp có thể chung tay cùng thành phố xây dựng thành phố thông minh, nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường đại học TP. HCM là điều quan trọng nhất, tạo nên sự đột phá trong xây dựng thành phố thông minh, nhất là sự quyết tâm cao của các lãnh đạo thành phố.

Có hai vấn đề chính cần triển khai, đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, liên kết với vùng, quốc gia. Có công cụ phân tích dữ liệu để đưa ra công cụ hỗ trợ quyết định. 

Bốn trụ cột quyết định dự án thành công là: Xây dựng trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố, để xuất xây dựng khu công nghệ tổng quan, khu dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở thành phố, thành lập Trung tâm an toàn an ninh thông tin, Trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Cũng để cập đến những khó khăn mà TP. HCM đang gặp phải: do triển khai thành phố thông minh đầu tiên trong cả nước, nên về chính sách còn nhiều cản trở. Nếu cơ sở dữ liệu dùng chung không mang cấp quốc gia cũng khó, hoặc các nhà mạng không cung cấp dữ liệu từ địa phương đến trung ương cũng là rào cản.

Thứ hai là vấn đề tài chính, trong bối cảnh nợ công tăng cao, thiếu hụt cho cơ sở hạ tầng, phải có giải pháp để xã hội hóa với những đóng góp từ các tổ chức nước ngoài. Sự đồng thuận và tham gia của các đối tác, đặc biệt doanh nghiêp và người dân, mới bảo đảm thành công. 

Trong bối cảnh tốc độ công nghệ rất nhanh, làm thế nào nắm bắt những công nghệ tiên tiến nhất, và vận hành nó theo cách chúng ta mong muốn cũng là thách thức lớn. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp cho thuê và đầu tư công nghệ cùng chính phủ. Quá trình triển khai đề án là động và mở, tiếp tục truyền thông, lấy ý kiến người dân, để hoàn thiện.

Cần phải xác định rõ cấu trúc của một thành phố thông minh

(TS. Nguyễn Trọng, ban cố vấn Hội Tin học TP. HCM)

Theo TS. Nguyễn Trọng, đến nay chưa có một thành phố nào được gọi là thành phố thông minh. Thành phố thông minh theo Washburn định nghĩa là “sử dụng các công nghệ máy tính thông minh để tạo ra một cơ sở hạ tầng then chốt”. Đây là định nghĩa rất quan trọng. 

Thành phố hiện đại khác thành phố thông minh, TP. HCM chưa phải là đô thị hiện đại. Cần hiểu kỹ hơn là hệ thống thông minh phải được xây từ những viên gạch thông minh. Hệ thống thông minh là những sự “mách bảo” thực sự có giá trị mà hệ thống đó đã tích lũy được thông tin, cung cấp cho người cần dùng một cách tức thời.

Ba nhóm các ứng dụng công nghệ thông tin và cấu trúc của thành phố thông minh bao gồm các hạ tầng thông minh được kết nối chặt chẽ với nhau tạo hạ tầng kỹ thuật, những ứng dụng công nghệ thông tin khác như ứng dụng cá nhân, ứng dụng các nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp… 

TS. Nguyễn Trọng đưa ra cảnh báo: “ Học tập thì giúp con người thông minh hơn, nhưng học để tốt nghiệp đại học thì là một phần của cuộc đời học tập, có yêu cầu rõ ràng cho từng năm, có những cuộc thi, có luận văn phải làm. Nếu không có cách hiểu rõ ràng sẽ làm cho ngay cả những vị lãnh đạo thành phố bị lúng túng, không biết phải quyết định triển khai kế hoạch nào trước. Làm thế nào để xây dựng những ứng dụng công nghệ thông tin mà người dân sẵn sàng trả tiền như trả điện, nước thì người dân mới tương tác”.

Kiến tạo các hệ thống dữ liệu dùng chung thứ nhất là phải xây “chợ” đầu mối thông tin, là việc không dễ và chưa từng làm. Việc thứ hai khó hơn nhiều, tốn kém hơn về mọi mặt là tích tụ nguồn lực thông tin, phải xã hội hóa, và không khó để xã hội hóa. 

Tôi rất mong các doanh nghiệp tham gia vào việc tính toán về giao thông thông minh, đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu USD, nhưng sau 2 năm sẽ thu về gấp nhiều lần. Ngược lại, nếu chỉ có nhà nước đổ thông tin vào, kết quả sẽ thành ngôi chợ ế ẩm, như cái đầu to mà không biết nghĩ, không ai tham gia vào. 

Sức manh của facebook là cung cấp, tìm kiếm và phân tích thông tin, nhưng các đề án chưa nói gì về facebook, Twitter… Thế giới đã vượt qua kỷ nguyên điện khí hóa, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên thông minh, mặt khác, kiến tạo thành phố thông minh đòi hỏi chúng ta không thể chậm trễ

Tùy từng thành phố mà có một chuẩn mực riêng về thành phố thông minh

(TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng)

Quan điểm của Đà Nẵng là việc thông minh cũng phải từ từ, không thể thông minh ngay được. Đà Nẵng xem việc xây dựng chính quyền điện tử là nền tảng của thành phố thông minh. 

Từ 2012 đến nay, chúng tôi hiểu ngoài quản trị hành chính còn có nhiều việc khác. Người dân trong cuộc sống mong muốn được bảo đảm các yêu cầu của đời sống dân sinh… Do vậy, tùy từng thành phố mà có một chuẩn mực riêng về thành phố thông minh. Đà Nẵng cần một khung kiến trúc riêng để xây dựng thành phố thông minh. 

Tham khảo một số mô hình Cityos của Barcelona, mô hình thành phố Yohama, Keihanna của Nhật Bản…chúng tôi đưa ra khung kiến trúc về thành phố thông minh, tập trung vào các lĩnh vực: Giao thông thông minh, thoát nước thông minh, cấp nước thông minh, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thông minh, xây dựng thành phố kết nối. Tất cả nội dung này được xây dựng trên nền tảng chính quyền điện tử, bao gồm người dùng, kênh cung cấp dịch vụ, lớp trình bày, lớp ứng dụng, nền tảng cung cấp dịch vụ…

Đà Nẵng cũng đưa ra lộ trình triển khai, giai đoạn đầu thực hiện “thành phố 4 an”, ví dụ như triển khai ứng dụng xe buýt, làm sao phục vụ tốt cho người dân. Người dân thông qua tin nhắn, địa chỉ của mình, họ sẽ biết trạm xe buýt gần họ nhất nằm ở đâu. Thứ hai là giám sát điều khiển giao thông, triển khai một số camera và nhiều giải pháp từ nhiều nhà cung cấp thực hiện việc phạt nguội, sử dụng công nghệ nhận dạng, tránh tình trạng không có người vẫn giữ đèn xanh, trong khi rất nhiều người vẫn giữ đèn đỏ. 

Lắp đặt 8.000 camera, trong đó 4.000 camera từ nguồn lực xã hội hóa đến từng tổ dân phố, để quản lý điều hành và giám sát. Cấu trúc mạng camera sắp tới sẽ khoảng 120 ngàn trên toàn thành phố, với các ứng dụng nhận dạng cả hướng dẫn viên du lịch chui…

Giám sát hệ thống cấp nước của thành phố từ nhà máy nước Cầu Đỏ, người dân có thể biết được chất lượng nước ngày hôm đó thế nào, kể cả giám sát nước ở các ao hồ trên địa bàn thành phố, giúp các cơ quan tự động hóa trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước. Nếu các hồ nước bị ô nhiễm sẽ phải bơm nước sạch, dùng ao bèo xử lý ô nhiễm. 

Xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà hàng đã được cấp vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp thông tin cho người dùng…Giai đoạn thứ hai là Thân thiện môi trường, Giai đoạn ba là thực hiện thành phố phát triển bền vững, biến Đà Nẵng thành thành phố sáng tạo và đáng sống.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Đà Nẵng, ông Thanh thẳng thắn: Trong quá trình triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì có quá nhiều thông tin khác nhau về thành phố thông minh từ nhiều nguồn khác nhau, nên “đa thư thì loạn mục”, nhiều chỉ đạo, lắm tư vấn! 

Do vậy ban chỉ đạo thành phố thông minh hết sức lúng túng, bàn nhiều mà khó triển khai. Nếu cứ cầu toàn bảo thành phố thông minh phải thế này thế kia, nhìn vấn đề quá tròn trịa, sẽ không bao giờ triển khai được. Hãy làm và biết lắng nghe, để định hướng và tham mưu cho lãnh đạo. Nguồn nhân lực liên quan đến an toàn, an ninh thông tin là thách thức lớn, chứ không phải là thiết bị chất lượng tốt. Nguồn nhân lực đủ can đảm, đạc biệt cấp triển khai, có đủ bản lĩnh triển khai và phản biện lại lãnh đạo rất hiếm. 

Tôi là Giám đốc sở Thông tin truyền thông mà cũng có nhiều lần phải “nói vuốt đuôi” lãnh đạo! Cần phải đủ bản lĩnh để trở thành tham mưu tốt cho lãnh đạo.

Việc triển khai thành phố thông minh phải bảo đảm tính đồng bộ và liên vùng. Nguồn nước của Đà Nẵng bắt nguồn từ Quảng Nam, nếu không bảo đảm tính liên vùng rất khó thực hiện. Kinh nghiệm để thành công theo tôi phải bảo đảm 4 chữ L: Lãnh đạo - Nguồn lực - Liên kết - Lâu dài”