Xe Phương Trang rót 2.200 tỷ vào Vivu: Lựa chọn thay đổi thay vì ngồi than vãn

Trần Dũng - 11:17, 02/04/2018

TheLEADERTrước làn sóng công nghệ mà Uber và Grab đưa vào Việt Nam, Phương Trang quyết định chi ra 2.200 tỷ đồng cho một hệ sinh thái tương lai.

Xe Phương Trang rót 2.200 tỷ vào Vivu: Lựa chọn thay đổi thay vì ngồi than vãn
Vivu nhận đầu tư lớn sau khi Uber bị Grab thâu tóm

Mới đây, ông Trần Thành Nam, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe Vivu chia sẻ, startup này mới được doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang mua lại và đổi tên thành ứng dụng VATO. Dự kiến VATO sẽ ra mắt vào tháng 5. 

Tuy nhiên, việc Uber Đông Nam Á bị Grab thâu tóm và nhanh chóng rút lui khỏi thị trường Việt Nam khiến VATO quyết định ra mắt sớm hơn 1 tháng, ngay trong tháng 4 này.

VATO xuất hiện ngay sau khi Uber rút lui một phần là để lôi kéo những tài xế Uber còn sót lại sau cuộc sáp nhập với Grab. Ông Nam chia sẻ thêm, chỉ sau ngày đầu tiên Uber rút lui chính thức khỏi Việt Nam, số lượt tải ứng dụng đã tăng vọt lên 200 lượt, gấp đôi mức đỉnh của giai đoạn trước.

Đáng chú ý hơn cả là con số 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng) mà Phương Trang tuyên bố đầu tư vào VATO. Ông Nam chia sẻ, không phải toàn bộ số tiền này sẽ dùng để đầu tư vào phát triển ứng dụng gọi xe, mà là tổng đầu tư cho một dự án tạo ra một hệ sinh thái đầy tham vọng của Phương Trang.

“Hệ sinh thái của Phương Trang sẽ bao gồm nhiều mảng, tận dụng được những ưu điểm của doanh nghiệp này, chứ không chỉ riêng gọi xe”, ông Nam cho biết.

Trong số đó, vì Vivu đã hoàn thiện và đi vào hoạt động được một khoảng thời gian, nên đổi tên thành VATO và được ưu tiên ra mắt trước. Với nguồn vốn được bổ sung từ Phương Trang, VATO sẽ tiến công vào 2 thị trường trọng điểm là TP.HCM và Hà Nội. Hiện tại, người dùng đã có thể tìm được xe trên ứng dụng VATO. Trước đó, ứng dụng hoạt động ở thị trường ngách là các tỉnh xa trung tâm, chủ yếu là Cần Thơ.

Ra mắt đúng thời điểm, song ông Nam cũng thừa nhận áp lực cạnh tranh từ phía những ứng dụng gọi xe khác là không hề nhỏ. Hiện tại, quy mô của Grab sau khi thâu tóm lại Uber Việt Nam, có thể lên tới 30.000 – 40.000 xe, lớn hơn bất kỳ hãng taxi nào trong nước. Để chi cho các hoạt động khuyến mãi nhằm phát triển thị phần, trong 4 năm tại Việt Nam Grab sẵn sàng chấp nhận lỗ lũy kế tới 938 tỷ đồng.

Sức ép của Grab không chỉ khiến Uber phải rời khỏi Việt Nam, mà cũng khiến các hãng taxi trong nước lao đao. Vinasun và Mai Linh, hai hãng taxi lớn nhất nước những năm gần đây đã phải thu hẹp đội xe và liên tục than vãn Grab cạnh tranh không làn mạnh.

Mặc dù vậy, nhà sáng lập VATO vẫn tin ứng dụng của người Việt vẫn có thể cạnh tranh được, thông qua việc thỏa mãn những yêu cầu của khách hàng mà các ứng dụng vận tải khác chưa làm được.

“Chẳng hạn, VATO có nhiều lựa chọn di chuyển hơn. Thay vì chỉ có thể lựa chọn 2 điểm đi và điểm đến cố định, người dùng VATO có thể lựa chọn nhiều điểm đến liên tiếp. Hay với những cuốc xe quá gần, thường không hấp dẫn tài xế, VATO cung cấp tính năng mặc cả, để người dùng và tài xế có thể thỏa thuận mức giá với nhau”, ông Nam chia sẻ.

Một tính năng khác, đó là VATO sẽ hỗ trợ người dùng kết nối với hệ thống taxi truyền thống, như Mai Linh và Vinasun, thay vì chỉ xây dựng đội xe riêng như cách Uber, Grab đã làm. Mục tiêu của VATO sẽ giống như một sàn thương mại điện tử, kết nối người có nhu cầu di chuyển và tài xế với nhau.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe Phương Trang chia sẻ, Phương Trang - FUTA Bus Lines là doanh nghiệp lớn về vận tải, từ rất lâu đã luôn ấp ủ tạo ra một sản phẩm made Việt Nam nên quyết định đầu tư vào đây. Con số 100 triệu USD đầu tư không phải là một số tiền quá lớn.

Được thành lập vào năm 2002, Phương Trang là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách lớn nhất Việt Nam, phục vụ hơn 20 triệu lượt hành khách mỗi năm, với các tuyến xe chủ yếu ở phía Nam. Phương Trang đặc biệt ở mô hình kinh doanh trạm dừng, khi xây những trạm dừng quy mô lớn, nhằm phục vụ hành khách nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm,… Phương Trang hiện cũng có đội xe taxi riêng song kinh doanh không hiệu quả.

Xe Phương Trang rót 2.200 tỷ vào Vivu: Lựa chọn thay đổi thay vì ngồi than vãn

Đầu tư vào công nghệ được xem là khoản đầu tư mạo hiểm bởi công nghệ thành công có thể làm thay đổi hoàn toàn một ngành, nhưng lại có nhược điểm là chi phí lớn, thời gian đầu tư dài và tỉ lệ thất bại cao. Uber, startup được rót hàng chục tỷ USD, cũng không tránh khỏi thất bại khi gia nhập nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, việc một doanh nghiệp nội địa sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn cho công nghệ được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp Việt đang dần bắt kịp với những xu thế toàn cầu.

Về mặt vi mô, trước mắt thị trường ứng dụng gọi xe chắc chắn sẽ trở nên hấp dẫn hơn với sự gia nhập của tân binh VATO. Để thu hút người dùng lẫn tài xế, VATO đang chuẩn bị nguồn lực để khuyến mãi. Dự kiến, năm đầu tiên startup này sẽ cần khoảng 100 tỷ đồng. 

Giá cước của VATO hiện ở mức 8.500 đồng/km, tương tự như GrabCar nhưng phần chiết khẩu là 20%, thấp hơn mức 25% của Grab hiện tại. Hiện ứng dụng mới có khoảng 2.000 xe đăng ký và hoạt động chỉ khoảng 500 xe.

"Nếu có thể tạo ra ứng dụng đủ tốt, tôi mong người Việt sẽ ủng hộ sản phẩm Việt, do người Việt làm ra", ông Nam chia sẻ.