Xóa bỏ giấy phép con: Không thể chỉ hô hào suông

Thu Phương - 07:05, 29/08/2017

TheLEADER"Chúng ta đặt ra quá nhiều điều kiện kinh doanh bắt doanh nghiệp tuân thủ. Trong khi đó, quản lý lại thiếu chặt chẽ, dẫn đến doanh nghiệp đi cửa sau, lợi ích nhóm…", Luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Xóa bỏ giấy phép con: Không thể chỉ hô hào suông
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

LTS: "Giấy phép con" lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Tiến trình loại bỏ giấy phép con đã được Chính phủ triển khai nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi. Cứ loại bỏ được loại này thì loại khác lại hình thành. Cộng đồng đã đúc kết và chỉ rõ các nguyên nhân chính của tình trạng này là tư duy quản lý "quản không được thì cấm" và lợi ích ẩn chứa phía sau giấy phép con tác động làm thiên lệch chính sách...

Trong năm 2016, Chính phủ đã ký ban hành hàng loạt các chính sách mà qua đó hơn 3000 giấy phép con được loại bỏ. Ngày 22/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa mang tính khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi.

Nhân sự kiện này, Ban biên tập TheLEADER thực hiện Chuyên đề: Giấy phép con có còn là “đầu Phạm Nhan”?, với sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, bình luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, với mục tiêu góp phần làm rõ hiện trạng, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp hữu ích để loại bỏ được cơ bản tình trạng giấy phép con đang rất nhức nhối trong hoạt động kinh doanh trong nước hiện nay.


Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico đã có cuộc trao đổi ngắn với TheLEADER xung quanh đề xuất bãi bỏ gần 2.000 giấy phép con cho doanh nghiệp.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp gần 2.000 yêu cầu, điều kiện kinh doanh, có thể nói đây là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

LS. Trương Thanh Đức: Đề xuất bãi bỏ 2.000 giấy phép con của Bộ Kế hoạch và đầu tư thực ra không mới. Suốt mấy chục năm nay, Chính phủ cùng các các cơ quan bộ ngành vẫn luôn kêu gọi các cuộc vận động, hô hào cải cách thủ tục hành chính. Song, đến nay hiệu quả đạt được vẫn chưa rõ ràng.

Năm 2001, Chính phủ đã từng đưa ra một loạt các giải pháp nhằm bỏ các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai trên thực tế, các thủ tục này không những không giảm đi mà còn tăng lên đáng kể.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho biết hiện có khoảng 4.284 điều kiện kinh doanh, theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là 5.719, thế nhưng, trên thực tế con số này còn lớn hơn rất nhiều lần, có thể lên đến 6.000 – 7.000 thủ tục điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Việc ban hành quá nhiều nhiều quy định kinh doanh không những trái với Luât doanh nghiệp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp mà còn đi ngược lại với thông lệ quốc tế.

Hơn chục năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần hô hào rầm rộ việc xóa bỏ các giấy phép con, song thực tế chưa mang lại hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

LS. Trương Thanh Đức: Nguyên nhân chính trước hết xuất phát từ tư duy quản lý dễ dãi của các bộ ngành với phương châm "càng đặt nhiều điều kiện càng dễ quản lý". 

Một mặt, các bộ ngành không trú trọng quản lý đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mặt khác lại chỉ lo “săm soi” hoạt động của các doanh nghiệp thông qua hàng loạt các điều kiện kinh doanh chồng chéo, rườm rà…

Để thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước, các bộ ngành đang đặt ra những phương pháp quản lý được cho là tốt nhất theo quan điểm của họ. Khi xã hội phản biện, lên án, thắc mắc hay yêu cầu đều không nhận được những câu trả lời thỏa đáng.

Thông qua cách thức quản lý như vậy, có thể thấy rõ các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự kiến tạo, của dân, do dân và vì dân. Vừa qua, doanh nghiệp chỉ có một quyền duy nhất là được bình bầu đánh giá 10 quy định tồi nhất, 10 quy định tốt nhất của các cơ quan Nhà nước thì mới đây cũng đã bị cấm không được phép bầu chọn. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, người dân không hề có tiếng nói trong xã hội, không thể nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình.

Rất nhiều những ví dụ có thể đưa ra như một loạt các nghị định trái khoáy, vẹo đuôi về gạo, xăng dầu, ga gây khó khăn cho doanh nghiệp, thập chí nhiều doanh nghiệp đã đứng trên bờ vực phá sản… Tuy nhiên, đến giờ phút này Chính phủ vẫn không giải quyết được. 

Do đó, kể cả Bộ Kế hoạch và đầu tư có cắt giảm nữa, cắt giảm mãi thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Tất cả những câu chuyện đó sẽ còn đến muôn đời, bởi cái gốc ở bộ máy quản lý, ở tư duy của các cơ quan quản lý vẫn chưa giải quyết được.

Vậy theo ông, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần phải có giải pháp gì để gỡ khó cho doanh nghiệp? Liệu đề xuất lần này của Bộ Kế hoạch và đầu tư có khả thi?

LS. Trương Thanh Đức: Việc bãi bỏ các giấy phép con cho doanh nghiệp đã rơi vào bế tắc từ nhiều năm nay. Không phải Chính phủ không giải quyết, không có biện pháp thực hiện mà vì cuối cùng đều không có kết quả. 

Nhà nước đang tích cực hô hào kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích kinh doanh nhưng cuối cùng tất cả mọi thứ đều thắt chặt lại từ thuế, chi phí, bảo hiểm, lương cho người lao động cho đến điều kiện, thủ tục kinh doanh… Doanh nghiệp ngày càng ngạt thở vì các điều kiện trói buộc ngày càng khó khăn hơn.

Cứ một nghị định, thông tư, luật mới ra đời là "trói", tôi chưa thấy văn bản nào được đưa ra mà "cởi”, hoặc nếu cởi được cái này thì lại trói cái khác, không thì càng ngày càng trói thêm, càng thắt chặt. Càng hoàn thiện pháp luật càng khó khăn cho doanh nghiệp.

Bản thân Bộ Kế hoạch và đầu tư là bộ tiến bộ nhất, quan điểm thông thoáng nhất, luôn luôn ủng hộ cái mới, yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công vừa ban hành cũng phải sửa đổi, lĩnh vực đăng ký kinh doanh cũng còn nhiều bất cập… thì nói gì đến các bộ ngành khác.

Tôi chưa bao giờ thấy các bộ ngành khác hô hào tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà chỉ thấy đăng khẩu hiệu thực hiện đúng pháp luật, yêu cầu quản lý chặt chẽ, đảm bảo cái này, chặt chẽ cái kia... Và kết quả cuối cùng là chúng ta vẫn đứng yên, giậm chân tại chỗ. Các bộ ban ngành vẫn bảo đảm vững chắc vai trò vị trí của mình, không từ bỏ quyền, lợi ích mà mình tạo ra. Bất chấp việc đi ngược lại lợi ích của doanh nghiệp, của người dân.

Lấy ví dụ về việc quản lý môi trường, tại Singapore, họ chẳng cần thẩm định về tác động môi trường của dự án nhưng họ quản lý rất nghiêm túc, giám sát và phát hiện các sai phạm để xử lý kịp thời. 

Tuy nhiên, chúng ta lại làm ngược lại. Chúng ta đặt ra quá nhiều điều kiện kinh doanh bắt doanh nghiệp tuân thủ. Trong khi đó, quản lý lại thiếu chặt chẽ, dẫn đến doanh nghiệp đi cửa sau, lợi ích nhóm… Như vụ công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, hiện thanh tra đã hoãn 5 lần và đến bây giờ chẳng biết khi nào mới công bố.

Một việc nhỏ mà còn như vậy, thì những việc khác động chạm đến vô số các luật lệ và liên quan đến hàng loạt các cơ quan bộ ngành thì sẽ như thế nào?

Do đó, chủ trương của Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước là rất đáng hoan nghênh. Song, chúng ta có thực hiện được hay không lại là cả một vấn đề đòi hỏi sự quyết liệt trong hành động của các cấp chính quyền, quyết tâm ngăn chặn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi coi”, lợi ích nhóm… gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Xin chân thành cảm ơn ông!

Bài 4: Cuộc chiến giấy phép con: Phải buộc các bộ ngành không thể thoái thác trách nhiệm