Xóa bỏ giấy phép con: 'Nếu lần này Chính phủ thất bại, chúng ta sẽ mất đi cơ hội'

Thu Phương - 08:00, 06/09/2017

TheLEADERTheo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, nếu các bộ ngành đã không thể tự thay đổi thì Chính phủ buộc phải áp đặt cho các bộ, giao chỉ tiêu cắt giảm cụ thể, bắt buộc phải thực hiện và tìm kiếm phương thức quản lý mới.

Xóa bỏ giấy phép con: 'Nếu lần này Chính phủ thất bại, chúng ta sẽ mất đi cơ hội'
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh VietQ

LTS: "Giấy phép con" lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Tiến trình loại bỏ giấy phép con đã được Chính phủ triển khai nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi. Cứ loại bỏ được loại này thì loại khác lại hình thành. Cộng đồng đã đúc kết và chỉ rõ các nguyên nhân chính của tình trạng này là tư duy quản lý "quản không được thì cấm" và lợi ích ẩn chứa phía sau giấy phép con tác động làm thiên lệch chính sách...

Trong năm 2016, Chính phủ đã ký ban hành hàng loạt các chính sách mà qua đó hơn 3000 giấy phép con được loại bỏ. Ngày 22/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa mang tính khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi.

Nhân sự kiện này, Ban biên tập TheLEADER thực hiện Chuyên đề: Giấy phép con có còn là “đầu Phạm Nhan”?, với sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, bình luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, với mục tiêu góp phần làm rõ hiện trạng, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp hữu ích để loại bỏ được cơ bản tình trạng giấy phép con đang rất nhức nhối trong hoạt động kinh doanh trong nước hiện nay.

Liên quan đến việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi các báo cáo rà soát mới đây về điều kiện kinh doanh tới Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp.

TheLEADER đã có buổi trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM xung quanh vấn đề này.

Nhiệm vụ Chính phủ giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về việc nghiên cứu rà soát việc bãi bỏ các giấy phép con hiện đang được CIEM thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xây dựng một Nghị định mới về kiểm soát các điều kiện kinh doanh. Theo đó, có hai nhiệm vụ mà CIEM phải thực hiện được đó là: Loại bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh không hợp lý và kiểm soát được chất lượng của các điều kiện kinh doanh mới ban hành nhằm tránh việc loại bỏ rồi sau đó lại quay trở lại.

Để thực hiện được hai nhiệm vụ này, một trong những nội dung quan trọng nhất của nghị định mới là đưa ra được một bộ tiêu chí đánh giá như thế nào là một điều kiện kinh doanh tốt. Từ đó, làm căn cứ để các bộ ngành có thể dễ dàng bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp và tránh những tranh cãi không cần thiết.

Như kinh nghiệm từ các nước, họ có các bộ tiêu chí rất rõ ràng. Ví dụ, theo tiêu chuẩn của OECD, quy định điều kiện kinh doanh tốt là điều kiện kinh doanh không được hạn chế về quy mô kinh doanh tối thiểu, hoặc quy định giới hạn về mặt số lượng thiết bị, máy móc... Nói cách khác, sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp nhà nước không được phep can thiệp. Do đó, tất cả các điều kiện kinh doanh vi phạm quy tắc này đều đề xuất bãi bỏ chứ không phải chỉ sửa đổi như trước đây.

Bên cạnh đó, ngoài việc đề ra quy định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh còn phải tổ chức thực hiện nó trên thực tế. Cần đề ra các giải pháp làm thế nào để kiểm soát được chất lượng các quy định mới về điều kiện kinh doanh. Đây là mục tiêu của nghị định nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn. 

Bởi trước đó, Luật Đầu tư đã quy định 5 cách thức để kiểm soát chất lượng quy định của điều kiện kinh doanh mới. Tuy nhiên, hiện nay mới được thực hiện được một (điều kiện kinh doanh phải được quy định từ hình thức nghị đinh trở lên), còn lại 4 nội dung khác gần như chưa thực hiện được.

Trước đó, Luật Doanh nghiệp 2000 với luồng gió mới về tư duy “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”, tiến trình loại bỏ các giấy phép con đã dần được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi hàng trăm giấy phép con được định danh và loại bỏ thì chỉ sau một thời gian ngắn, các điều kiện kinh doanh khác lại xuất hiện. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Ông Phan Đức Hiếu: Giai đoạn những năm 2000 - 2001 có thể coi là thời kì cải cách mạnh nhất về điều kiện kinh doanh. Kết quả là Chính phủ đã cắt giảm được 150 giấy phép con, từ đó tạo nên những tác động rất rõ rệt đối với hoạt động kinh doanh, dẫn đến sự bùng nổ của việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân và đóng góp của họ đối với sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các giấy phép con đã bị cắt giảm lại quay trở lại dưới hình thức mới hoặc xuất hiện thêm nhiều giấy phép con mới. Nguyên nhân của thực trạng này xét về khía cạnh chủ quan là do các bộ ngành có liên quan không thay đổi tư duy quản lý, tư duy xây dựng pháp luật khi quy định về việc kinh doanh có điều kiện. 

Nơi ban hành pháp luật vẫn giữ nguyên tư duy cũ, cách làm việc cũ dẫn đến việc khi họ ban hành các chính sách mới thì gần như lại tiếp tục quay lại con đường cũ và các giấy phép con cũ lại trở lại.

Về nguyên nhân khách quan, đó là do Chính phủ chưa có cơ chế kiểm soát có hiệu quả để đảm bảo các quy định được ban hành có chất lượng tốt. Thứ nhất, nước ta chưa có một bộ tiêu chí thống nhất về thế nào là quy định tốt như đã nói ở trên. Thứ hai, chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách thẩm tra về các điều kiện kinh doanh. 

Tại hầu hết các nước, ngoài việc ban hành văn bản pháp luật họ còn thiết lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ xem xét đánh giả thẩm định về mặt nội dung các điều kiện kinh doanh. Nếu quy định đặt ra hợp lý về thủ tục nhưng chất lượng không đảm bảo, Chính phủ cũng sẽ không thông qua. Có như vậy, quá trình cải cách, sàng lọc quy định cũ và kiểm soát quy định mới mới đạt hiệu quả.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện Chính phủ vẫn giao cho chính các bộ tự rà soát các điều kiện kinh doanh. Làm như vậy rõ ràng là luôn tồn tại sự mâu thuẫn và xung đột lợi ích. Bởi, các bộ là nơi ban hành chính sách đương nhiên sẽ không thể tự rà soát được.

Bên cạnh đó, khi Chính phủ giao các bộ rà soát lại không có chỉ tiêu cụ thể như bãi bỏ 50% – 60% giấy phép con mà chỉ nói chung chung là bãi bỏ các điều kiện không cần thiết. Do đó, việc rà soát không hiệu quả, phụ thuộc rất nhiều vào sự tích cực chủ động và quyết tâm của các bộ ngành mà việc này do xung đột về mặt lợi ích nên khó có thể có được sự tích cực chủ động.

Vậy theo ông, trong lần cải cách này, để có thể xóa bỏ thành công các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần thực hiện những gì?

Ông Phan Đức Hiếu: Vừa qua, Viện Quản lý kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam trên cơ sở rà soát sơ bộ đã nhận thấy có đến trên 50% các điều kiện kinh doanh không đáp ứng được tiêu chuẩn về một quy định tốt. Qua đó, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ thay đổi cách thực hiện rà soát các điều kiện kinh doanh.

Theo đó, Chính phủ đã giao cho ba cơ quan là Tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Viện Quản lý kinh tế Trung ương, phối hợp với nhau rà soát song song và cùng kiến nghị trực tiếp lên Chính phủ. Hy vọng nếu áp dụng đúng như vậy sẽ có thể cải cách có kết quả.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, quá trình để xuất bãi bỏ và ban hành nghị định mới về điều kiện kinh doanh sẽ phải hoàn thành trong năm nay. Chúng tôi cho rằng đây là một hành trình không dễ dàng. Khó khăn không phải ở đề xuất bãi bỏ cái gì, xây dựng nghị định như thế nào mà là sẽ gặp phải sự phản ứng của các bên có liên quan. Đây chính là yếu tố rất lớn cản trở quá trình cải cách.

Nhiều năm qua các bộ, ban ngành không tự thay đổi tư duy do nhiều lý do không muốn thay đổi như lợi ích, thói quen quản lý. Nếu thay đổi tư duy thì sẽ mất thời gian xây dựng một phương thức quản lý mới. 

Giảm thuận lợi cho cơ quan nhà nước, tăng thuận lợi cho doanh nghiệp tức là đẩy khó khăn về các bộ ban nghành. Do đó, nếu đã không thể tự thay đổi thì bắt buộc Chính phủ phải áp đặt cho các bộ, giao chỉ tiêu cắt giảm, buộc các bộ phải cắt giảm và tìm kiếm phương thức quản lý mới.

Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta buộc phải quyết tâm thực hiện. Bởi nếu lần này Chính phủ thất bại trong việc xóa bỏ các giấy phép con, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ mất đi cơ hội. 

Trong khi đó, để khởi động lại một cuộc cải cách mới như hiện nay phải mất từ 3 - 5 năm tới. Các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục phải chờ đợi một thời gian rất dài mà chưa biết kết quả như thế nào, liệu có thành công hay không?

Xin cảm ơn ông!