Xóa bỏ giấy phép con: 'Rà soát chỗ này những chỗ khác lại phình ra'

An Chi - 09:04, 27/10/2017

TheLEADERTheo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, việc xóa bỏ các giấy phép con vẫn không đạt vì các cán bộ cấp cơ sở vẫn không chịu chuyển mình.

Xóa bỏ giấy phép con: 'Rà soát chỗ này những chỗ khác lại phình ra'
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Thanh Niên

Còn quá nhiều rào cản 

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, chúng ta đã có chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển như các nghị quyết chính phủ: Nghị quyết 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, 03 Nghị quyết Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (NQ 19); Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020; Nghị quyết 98/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế tư nhân,…

Tuy nhiên, từ góc độ một doanh nghiệp nhìn vào môi trường chính sách, hiện có rất nhiều rào cản đang gây khó khăn đối với doanh nghiệp. Trong đó, năm rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là: Gánh nặng pháp luật – chi phí tuân thủ; rủi ro pháp lý; an toàn và bảo vệ quyền tài sản; chính sách cạnh tranh kém và khẳ năng quản trị yếu.

Hiện những nghị quyết hiện nay của Chính phủ mới chú ý cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, còn lại các rủi ro khác ít được nhắc đến. Như vậy, có tất cả 5 rào cản thì hiện nay mới tập trung giải quyết được một. Đó là chưa nói đến việc hiệu quả giải quyết đến đâu, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Ông Phan Đức Hiếu

Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Phú Thái Group, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng, trước hết, vai trò của nhà nước trong việc định hướng các chính sách vĩ mô tạo điều kiện hướng đi cho doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng.

Hiện chúng ta vẫn còn tư tưởng đầu tư theo hướng bầy đàn, đầu tư một loạt dẫn đến quân ta đánh quân mình, làm ăn không có chính kiến định hướng dài hạn. Đây không chỉ là lỗi của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của chính quyền yếu kém không định hướng doanh nghiệp. 

Các cơ quan quản lý nhà nước hầu như vẫn chỉ đang "chữa cháy" vì có quá nhiều đám cháy. Trong khi đó, việc làm cần thiết hiện nay là làm thế nào để "phòng cháy" mới là quan trọng. 

Thứ hai, hiện nay việc kêu gọi các doanh nghiệp FDI rất quan trọng để huy động thêm các nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng đối với từng đối tượng doanh nghiệp FDI để tránh tình trạng có sự ưu ái giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba, đó là sự cạnh tranh. Chúng ta nói nhiều tới việc nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… đó là bởi vì người tiêu dùng thích hàng gì thì tức khắc hàng đó du nhập vào Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần phải quan tâm tới chất lượng, nghiêm túc đầu tư cho sản phẩm mới cạnh tranh được trên thị trường.

Thứ tư, đó là vấn đề cải cách hành chính. Với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thì lợi nhuận một năm chỉ 2 - 4% trong khi đó theo khảo sát của VCCI chi phí không chính thức của doanh nghiệp lên tới 6 - 8%. Như vậy, đây là khó khăn cực lớn cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, đó là sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân và bây giờ còn là chính các doanh nghiệp tư nhân cũng có sự cạnh tranh với nhau, ông Đoàn cho biết.

'Trên bảo dưới không nghe'?

Nhận định về hiệu quả của các giải pháp của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhận định, hiện Chính phủ và Thủ tướng đã có sự chuyển biến rõ rệt từ Trung ương đến địa phương với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động.

Tuy nhiên, kì vọng của Thủ tướng về việc gỡ khó cho khối doanh nghiệp này vẫn chưa đạt bởi hai yếu tố con người và rào cản kinh doanh. Bên cạnh đó là vấn đề bình đẳng kinh tế thị trường và chính sách còn nhiều bất cập. 

Theo ông Đệ, nghị quyết, chủ trương của Đảng của Chính phủ là chuyển mình tích cực, tuy nhiên vẫn không đạt vì chỉ chuyển mình ở một số bộ ngành, một số cơ quan quản lý cấp Trung ương. Còn ở cấp cán bộ cơ sở, cán bộ công chức vẫn không chịu chuyển mình.

"Tỷ lệ rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp thì anh nào báo cáo cũng hay nhưng trên thực tế lại khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều vòng, mất thời gian, tiền của...", ông Đệ nhấn mạnh.

Mặc dù Chính phủ quyết tâm như vậy nhưng cái chính vẫn là con người. Mà trước hết là công tác tổ chức, quản lý ở cấp cơ sở, thực thi chỉ đạo của Chính phủ. Ví dụ như việc Chính phủ hạn chế giấy phép con cho doanh nghiệp nhưng thực tế, nhiều bộ ngành lại bằng mọi cách tăng giấy phép con. Rà soát chỗ này những chỗ khác lại phình ra...

"Lò đã cháy" ở cấp cao nhưng ở cấp dưới không cháy được. Cuối cùng vẫn là hành chính "hành" doanh nghiệp, ông Đệ nhận định. 

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, để kinh tế tư nhân phát triển có ba điểm cần quan tâm đó là vấn đề thể chế (văn bản pháp luật), tổ chức bộ máy và con người. Trong đó, con người đóng vai trò quyết định nhưng cơ chế tạo ra con người tốt.

Do đó, Chính phủ và bộ ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết nút thắt rủi ro chính sách để tháo gỡ cho địa phương, doanh nghiệp. Việc cởi trói, gạt bỏ rào cản cho doanh nghiệp càng sớm thì doanh nghiệp càng phát triển.