Xuất khẩu vẫn loay hoay bài toán phụ thuộc Trung Quốc và khu vực FDI

Quỳnh Chi - 14:17, 23/04/2018

TheLEADERNhững con số kỷ lục về xuất khẩu liên tục được lập ra nhưng về bản chất hoạt động xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và khu vực FDI.

Xuất khẩu vẫn loay hoay bài toán phụ thuộc Trung Quốc và khu vực FDI
Tăng trưởng xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.

So với quy mô xuất khẩu tại thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu sau 7 năm đã tăng 2,21 lần với tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. 

Đánh giá kết quả này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong năm qua đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011; tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2%.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu cũng dần được cải thiện; tăng từ 15% năm 2000 lên hơn 50% năm 2017. Với mặt hàng điện thoại, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho Samsung đã tăng lên 200. Ngành dệt may cũng đã có thể xuất khẩu được nguyên phụ liệu bên cạnh việc chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. 

Nhóm hàng nông sản, thủy sản có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như thủy sản, rau quả, hạt điều...

Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới với 28 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong năm ngoái; trong đó có 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD và 4 thị trường trên 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, các doanh nghiệp đã tận dụng và khai thác được những cơ hội từ cam kết hội nhập.

Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong năm 2017 như: ASEAN tăng 24,2%, đạt 21,68 tỷ USD; Trung Quốc tăng 61,5%, đạt 35,46 tỷ USD; Nhật Bản tăng 14,8%, đạt 16,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 30%, đạt 14,8 tỷ USD...

Với những dấu hiệu tích cực này, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng năm 2018, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để tăng trưởng.

Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan. Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng tiếp tục có thuận lợi từ những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho kinh doanh sản xuất trong nước.

Vẫn phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI

Mặc dù có nhiều cơ hội, Bộ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận, xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Xuất khẩu chuyển từ phụ thuộc mạnh vào dầu thô sang nhóm hàng điện tử, nếu không tính các mặt hàng là điện thoại, máy vi tính và linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 sẽ chỉ đạt 15,8%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% tổng kim ngạch.

“Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn”, bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018 khi lần đầu tiên trong nhiều năm, Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt, thay đổi quy tắc xuất xứ để “chống lẩn tránh” vào tôn xuất khẩu của Việt Nam và đồng thời áp mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa cao một cách bất thường.

Đối với một số mặt hàng nông, thủy sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng do sản xuất còn manh mún và tự phát dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu cũng như khó kiểm soát vấn đề an toàn và truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng nhiều chi phí còn cao như lãi suất, vận tải, các loại phí cảng… làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

"Một số quy định chưa được hợp lý mà doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho xuất khẩu như chính sách thuế giá trị gia tăng, chính sách thuế nhập khẩu đối với một số nguyên phụ liệu, quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất”, lãnh đạo Bộ Công thương nhận định.