Yahoo Messenger và cái chết đã được dự báo từ trước

Việt Hưng - 09:38, 10/06/2018

TheLEADERNgười dùng sẽ không thể truy cập vào các ứng dụng hoặc bất cứ dịch vụ nào của Yahoo sau ngày 17/7

Yahoo Messenger và cái chết đã được dự báo từ trước
Cái chết chậm rãi và đầy đau đớn này được cho là xoay quanh hai vấn đề cốt lõi: thiếu tầm nhìn và không mạnh tay thâu tóm các đối thủ tiềm năng

Năm ngoái, sau khi thâu tóm Yahoo, Verizon đã gộp Yahoo với AOL thành một công ty mới có tên là Oath. Verizon thâu tóm AOL vào năm 2015 với giá 4,4 tỷ USD. Và nay, chỉ sau một năm thành lập, Oath đã quyết định khai tử Yahoo Messenger vào tháng tới.

Trong thông báo mới nhất của mình, Oath tuyên bố rằng người dùng sẽ không thể truy cập vào các ứng dụng hoặc bất cứ dịch vụ nào của Yahoo sau ngày 17/7. Thay vào đó, người dùng truy cập Yahoo Messenger sẽ được chuyển hướng tới ứng dụng nhắn tin Squirrel mà công ty này đang phát triển.

Messenger, giống như nhiều sản phẩm khác của Yahoo, là một dịch vụ tiên phong nhưng sau đó bị đối thủ cạnh tranh đè bẹp. Hiện tại, rất nhiều ông lớn trong ngành công nghệ muốn thâu tóm thị trường tin nhắn với 5 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Yahoo từ lâu nay đã không công khai số lượng người dùng Yahoo Messenger. Thêm vào đó, sự lạc hậu của phần mềm cộng với nhiều bê bối bảo mật gần đây khiến nhiều người dự đoán rằng chẳng còn mấy ai gắn bó với Yahoo Messenger.

Cái chết chậm rãi và đầy đau đớn này được cho là xoay quanh hai vấn đề cốt lõi: thiếu tầm nhìn và không mạnh tay thâu tóm các đối thủ tiềm năng.

Hai lần từ chối Google và xem nhẹ đối thủ

Yahoo Messenger và cái chết đã được dự báo từ trước
Yahoo đã 2 lần từ chối Google, dù đây là thương vụ rất béo bở

Năm 1997, Yahoo từ chối mua lại Google với giá chỉ 1 triệu USD. Theo The Google Story của David A.Vise, Yahoo không muốn người dùng chia nhỏ mối quan tâm của họ.

Yahoo kiên quyết giữ người dùng với các sản phẩm do họ tạo ra. Công cụ Google Search được thiết kế để dẫn đến kết quả nhanh nhất dựa vào các trang web có liên quan đến từ khóa. Trong khi đó, Yahoo Search vừa đưa ra kết quả vừa tìm cách giữ người dùng trên các trang liên quan đến họ, bắt họ xem quảng cáo, mua sắm, kiểm tra email, nói chung khiến người dùng tốn thời gian và tiền bạc hơn.

Năm năm sau, Yahoo từ chối Google một lần nữa. Lần này, họ đã phải dùng công nghệ của Google để nâng cao sức mạnh của Yahoo Search. CEO Tery Semel cố gắng mua Google với giá 3 tỷ USD, dù thị trường đánh giá Google lúc đó đã đạt mức 5 tỷ.

Theo một bài báo năm 2007 từ Wired, Semel tuyên bố ông không biết Google trị giá bao nhiêu, nhưng không bao giờ ông mua họ. Đây là quyết định đã khiến ông hối hận về sau.

Bản thân Facebook là một chiến binh ngoan cường, khi từ chối 11 lời đề nghị mua lại từ những tên tuổi như Google, Viacom và tất nhiên, Yahoo.

Năm 2006, Yahoo gần như thuyết phục được các cổ đông của Facebook bán lại cổ phần, nhưng lại khiến giá cổ phiếu của Facebook tăng lên 1 tỷ từ 857 triệu USD, giúp Mark Zuckerberg thoát khỏi cuộc bán mình.

Năm 2008, CEO Steve Ballmer của Microsoft cố gắng mua lại Yahoo, lúc này đang là công cụ tìm kiếm đứng thứ hai. Vào tháng 2, Yahoo cho rằng 44 tỷ USD mà Microsoft đưa đến là “quá thấp”. Theo New York Times, Yahoo “quên rằng họ đang xuống dốc”. Yahoo sau đó chỉ thỏa thuận thay trang chủ tìm kiếm với công cụ Bing từ Microsoft.

Khi đầu tàu chệch hướng

Yahoo Messenger và cái chết đã được dự báo từ trước 1
Marissa Mayer thời còn đảm nhiệm vị trí CEO của Yahoo

Yahoo luôn bối rối trong việc xác định họ là công ty truyền thông hay tập đoàn công nghệ. Nhà nghiên cứu Paul Graham cho rằng điều này đến từ thực tế Yahoo kiếm tiền dựa vào quảng cáo hơn là phần mềm như Google hay Microsoft, vì thế họ giống công ty truyền thông hơn dù cách hoạt động lại tương tự các tập đoàn công nghệ.

Những năm đầu tiên, Yahoo luôn sợ sệt sẽ bị đánh bại bởi Microsoft nếu đi theo hướng công ty công nghệ vì họ không xây dựng được văn hóa khởi nghiệp tương tự đối thủ.

Bên cạnh đó, CEO Marissa Mayer chẳng mang lại được thay đổi gì cho Yahoo. Và tất cả mang đến kết quả ngày hôm nay, khi họ chẳng có định hướng gì và phải bán chính mình. 

Chuyện một người vực dậy cả công ty không phải hiếm (cứ nhìn vào Satya Nadella của Microsoft), nhưng có vẻ con đường của Mayer chông gai hơn và tương lai của Yahoo là "cái chết" đã được dự báo trước.

Trong những năm đảm nhiệm vị trí CEO, bà Marissa Mayer chi quá nhiều cho việc thâu tóm các công ty. Cụ thể, bà đã chi ra hơn 2 tỷ USD để mua lại hơn 50 công ty khác nhau.

Ý tưởng đằng sau chiến lược này là để gia tăng nhân tài và kỹ sư giỏi cho công ty. Nếu Yahoo sở hữu những startup tốt, về mặt lý thuyết, họ có thể trở thành nơi hội tụ của các tài năng công nghệ, những người sẽ vực dậy và đưa Yahoo trở lại là một trong những nhà lãnh đạo công nghệ.

Tuy nhiên, cách mà bà Marissa Mayer định hướng Yahoo mua lại các công ty không theo một chiến lược nào mà rất dàn trải. Rất nhiều trong số công ty được mua lại từ từ "đội nón ra đi" vì làm ăn thua lỗ.

Có lẽ "cú đấm" mạnh nhất mà Yahoo phải hứng từ chiến lược sai lầm này là Tumblr khi hãng chi ra tới 1,1 tỷ USD để mua lại vào năm 2013. Đến năm 2016, bà Marissa Mayer phải thừa nhận rằng Tumblr lỗ 230 triệu USD kể từ khi dưới trướng của Yahoo.

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược John Sullivan, hầu hết các vụ sáp nhập của Yahoo không hiệu quả. Bên cạnh đó, một vấn đề khác mà Yahoo gặp phải đó chính là công ty không có hệ thống chăm sóc, bồi đắp nhân tài để họ phát triển trong khi mục đích ban đầu của chiến lược sáp nhập là để thu hút những kỹ sư giỏi nhất làm việc cho Yahoo.