10.000 tỷ đồng được dành cho các dự án phòng, chống thiên tai

An Nhiên - 11:03, 13/11/2018

TheLEADERMột vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là hiện tượng sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện cả ở mùa khô, rất khó kiểm soát. Do đó, để giải quyết các vấn đề cấp bách và xây dựng các công trình mang tình lâu dài đòi hỏi nguồn kinh phí lớn từ ngân sách nhà nước.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, bố trí 1.766 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để phân bổ theo quy định và bổ sung 648.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các địa phương có huyện thoát nghèo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Theo Tổng cục thống kê, 10 tháng qua, thiên tai tai đã làm 185 người chết và mất tích, 134 người bị thương, gần 1,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi; 59,6 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, hư hỏng và tốc mái, hơn 172 nghìn ha lúa hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong 10 tháng ước tính hơn 8,8 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận gồm 13 tỉnh đang diễn biến rất phức tạp và nghiệm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng, khiến tàu thuyền đi lại khó khăn, đặc biệt đang trong mùa mưa hiện nay. Trong buổi làm việc mới đây với các tỉnh miền Bắc, miền Nam, Thủ tướng đã cho biết cần có các giải pháp công trình, phi công trình mang tính lâu dài.

Việc bồi lấp cửa sông ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, hoạt động giao thông thủy, các cơ sở hạ tầng công cộng, môi trường sinh thái, các hoạt động du lịch mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt việc ra vào tránh trú của tàu thuyền trong mùa mưa bão, trong một số trường hợp đã bị mắc cạn, chìm đắm, thậm chí gây thiệt hại về người.

Thấy rõ vai trò của biển đối với sự phát triển, Thủ tướng cho biết, 60% GDP của nước ta là từ các tỉnh, thành phố có biển. “Cho nên, chúng ta sống chung với biển, tận dụng cơ hội, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường biển rất quan trọng”. Các tỉnh miền Trung cần làm gương trong việc vận động nhân dân gìn giữ môi trường biển.