130 quốc gia ủng hộ thỏa thuận về cơ chế thuế toàn cầu

Phạm Sơn - 17:14, 05/07/2021

TheLEADERCơ chế thuế toàn cầu tối thiểu 15% được kỳ vọng sẽ đem lại khoảng 150 tỷ USD ngân sách cho các quốc gia mỗi năm, đồng thời hạn chế những bất cập do các “thiên đường thuế” gây ra.

130 quốc gia ủng hộ thỏa thuận về cơ chế thuế toàn cầu
Thỏa thuận thuế toàn cầu nhận được đồng thuận của 130 quốc gia

Tại cuộc đàm phán được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), 130 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cơ chế thuế toàn cầu tối thiểu 15% cũng như một loại thuế riêng dành cho những tập đoàn hoạt động trên nền tảng số.

Mức thuế này sẽ áp dụng cho các tập đoàn có doanh thu đạt trên ngưỡng 750 triệu euro (khoảng 890 triệu USD) và miễn trừ đối với ngành vận tải biển.

Danh sách 130 quốc gia kể trên bao gồm một số thành viên của ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia và Brunei.

Đại diện OECD khẳng định, cơ chế thuế quốc tế tối thiểu 15% sẽ giúp cho các quốc gia trên thế giới thu được khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Đây là nguồn trợ lực quan trọng giúp các nước phục hồi kinh tế trong bối cảnh tài khóa eo hẹp.

Suốt thập kỷ vừa qua, OECD đã nỗ lực điều phối nhiều chương trình đàm phán liên quan đến vấn đề cơ chế thuế toàn cầu dựa trên 2 trụ cột.

Trụ cột thứ nhất đảm bảo quyền phân phối lợi nhuận và đánh thuế công bằng giữa các quốc gia đối với những tập đoàn đa quốc gia lớn, bao gồm cả các tập đoàn kỹ thuật số. Trụ cột thứ hai đặt ra mức sàn cạnh tranh về thuế thu nhập doanh nghiệp, hạn chế cuộc đua xuống đáy giữa các quốc gia.

“Sau nhiều năm đàm phán, cơ chế thuế lịch sử này sẽ đảm bảo các tập đoàn đa quốc gia phải đóng thuế một cách công bằng ở mọi nơi trên thế giới”, ông Mathias Cormann, Tổng thư ký OECD nhận định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng khẳng định, với mức thuế suất toàn cầu, các tập đoàn sẽ “không thể nào che giấu phần lợi nhuận được tạo ra ở Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác”.

Theo một nguồn tin của Reuters, Trung Quốc cũng nằm trong số 130 quốc gia đồng ý với thỏa thuận kể trên, tuy nhiên phải trải qua quá trình đàm phán tương đối “khó khăn”. Một quan chức của Mỹ cho biết Mỹ không có điều khoản ngoại lệ nào dành riêng cho Trung Quốc trong thỏa thuận thuế này.

Các quốc gia tham gia đàm phán đặt ra thời hạn là tháng 10/2021 để hoàn thiện các cơ sở kỹ thuật để lên kế hoạch và triển khai vào năm 2023.

Trước đó, tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính của nhóm G7, thỏa thuận về mức thuế suất toàn cầu tối thiểu 15% cũng đã được thông qua. Điều này được xem như “một tin xấu đối với các thiên đường thuế”, theo lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Olaf Scholz.

Sau khi đạt được đồng thuận trong các cuộc họp của G7 và OECD, thỏa thuận sẽ tiếp tục được đưa ra đàm phán tại cuộc họp của nhóm G20.

Một số quốc gia không đồng ý với thỏa thuận, bao gồm những nước đặt ra mức thuế tương đối thấp để thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland, quốc gia có mức thuế suất doanh nghiệp 12,5% cho biết nước này không tham gia thỏa thuận nhưng sẽ nỗ lực để tìm ra một thỏa thuận hợp lý hơn.