17 năm theo đuổi giấc mơ ‘để làm đẹp không còn là ván bài may rủi’

Dương Nguyễn - 12:59, 28/01/2022

TheLEADERKể từ lúc theo học ngành y khoa ở Úc đến khi mở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyết tốn hơn 17 năm ròng. Suốt thời gian đó, trong chị chưa lúc nào nguôi ngoai về giấc mơ “làm sao để chuyện đi làm đẹp không còn là ván bài may rủi”.

Kiên trì theo đuổi giấc mơ

Năm 2002, Nguyễn Thị Kim Tuyết theo học ngành y khoa tại Đại học Sydney Hospital. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi năm 2009, chị tiếp tục học lên bậc thạc sĩ chuyên khoa nội tim mạch. Chương trình kéo dài ba năm nhưng chị chỉ hoàn thành trong hai năm. 

Mặc cho nhiều người cố tình thi trượt để nấn ná tìm cơ hội định cư, chị nôn nóng quay về Việt Nam để thực hiện giấc mơ của riêng mình.

17 năm theo đuổi giấc mơ ‘để thẩm mỹ không còn là ván bài may rủi’
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyết (Tuyết Nguyễn)

Sau khi về Việt Nam năm 2011, cầm hai tấm bằng thạc sĩ nội tim mạch và thạc sĩ quản trị kinh doanh trong tay, chị bắt đầu lên kế hoạch mở phòng khám thẩm mỹ, nhưng thực tế không dễ thực hiện trong một sớm một chiều.

Mở phòng khám chui thì dễ nhưng phòng khám có giấy phép thì lại khác. Phòng khám chuẩn phải đáp ứng các tiêu chí về khử trùng, ê kíp bác sĩ, cơ sở vật chất… nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Chưa có đủ tiềm lực tài chính, chị quyết định đi đường vòng.

Sẵn có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên ngành marketing, chị xin vào làm mảng chiến lược marketing cho một công ty đồ nhựa của Hàn Quốc tại TP.HCM. Làm được hai năm, chị nhận ra không thể đạt được giấc mơ nếu cứ mãi làm thuê từng ngày. Dồn hết số vốn tích cóp được và vay mượn thêm gia đình, chị mở công ty riêng, chuyên cho thuê xe nâng.

Song song với quá trình quản lý công ty riêng, bác sĩ Tuyết lại đăng ký theo các bác sĩ đàn anh đi “mổ dạo” ở các bệnh viện lớn vào hai ngày cuối tuần. Không chỉ để nâng cao tay nghề, việc này còn giúp chị hiểu rõ hơn nhu cầu thẩm mỹ của người Việt. Càng ngày, tay nghề càng nâng cao, nhưng chị vẫn thấy giấc mơ khi xưa còn khá xa vời.

Đến năm 2016, chị tiếp tục mở thêm một công ty khác để đẩy nhanh quá trình tích lũy tài chính. Thông qua công ty xe nâng, chị quen biết và kết hợp với các đối tác trong công ty dệt để lập một công ty gia công sản phẩm dệt cho Hàn Quốc. Công việc khá thuận lợi nhưng vẫn chưa đủ giúp nữ bác sĩ trẻ tự tin mở phòng khám riêng.

Năm 2018, chị liên kết với một bác sĩ phẫu thuật tạo hình lâu năm ở TP.HCM mở phòng khám thẩm mỹ. Thời điểm này, nhu cầu thẩm mỹ khá cao, cộng thêm yếu tố các bác sĩ làm việc rất tận tâm nên khách khá đông. Sau một năm hợp tác, do không thỏa thuận được hướng phát triển tiếp, chị mới bắt đầu mở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ của riêng mình.

17 năm theo đuổi giấc mơ ‘để thẩm mỹ không còn là ván bài may rủi’ 1
Bác sĩ Tuyết từng mở công ty riêng chuyên cho thuê xe nâng

Để thẩm mỹ không còn là ván bài may rủi

Năm 2004, khi chuyện thẩm mỹ trở thành cơn sốt ở châu Âu và lan nhanh sang châu Á, Việt Nam mới có bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ đầu tiên. Những năm sau đó, khi mọi người ngày càng chấp nhận chuyện “đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên”, thì làm đẹp trở thành làn sóng mới ở Việt Nam. 

Thị trường này cứ tăng trưởng đều đặn qua mỗi năm và tăng mạnh khi kinh tế chung phát triển.

Trong năm 2020, ngành dịch vụ làm đẹp có doanh số 144 tỷ USD còn ngành phẫu thuật thẩm mỹ toàn cầu mới chỉ đạt hơn 22 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2020 - 2026 của ngành phẫu thuật thẩm mỹ đạt hơn 8%, trong khi ngành dịch vụ làm đẹp chỉ đạt 5,7%.

Dự báo đến năm 2026, quy mô hai ngành này tương đương 35,5 tỷ USD và hơn 200 tỷ USD, theo báo cáo của Market Research (công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại Mỹ).

Tại Việt Nam, số lượng phòng khám thẩm mỹ chưa nhiều, do các quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế và cạnh tranh từ các phòng khám chui. Tính đến đầu năm 2021, riêng tại TP.HCM có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ và 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (theo Sở Y tế TP.HCM). Tuy nhiên, số lượng phòng khám uy tín và sử dụng kỹ thuật cao còn rất ít.

Khoảng 10 năm trở lại đây, theo bác sĩ Tuyết, nhiều người đã xem làm đẹp như một nhu cầu, họ không còn ngại ngùng vì chuyện đã đi thẩm mỹ viện nữa. Những người kiếm tiền nhờ ngoại hình (diễn viên, ca sĩ, MC…) là nhóm đối tượng đến viện thẩm mỹ nhiều nhất. Phụ nữ trung niên thì muốn mình trẻ lại, đàn ông cũng muốn níu kéo phong độ thời trai trẻ. 

“Đôi khi, chỉ vì một lời phán của thầy phong thủy mà người ta sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu để đẽo gọt lại góc mặt khuôn người. Nhưng cũng không ít trường hợp, khách hàng muốn dùng vóc dáng sau thẩm mỹ để che lấp đi đoạn đời cay đắng”, vị bác sĩ trẻ tâm sự.

Theo ước tính của bác sĩ Tuyết, trong 5 năm gần đây, quy mô thị trường này có thể đạt giá trị 15.000 - 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Cũng chính vì nhu cầu rất lớn đó, người dân dễ sa vào những cái bẫy đầy nhẫn tâm của các phòng khám chui.

Các cơ sở làm đẹp hiện nay được chia làm 3 loại: spa (chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu…), cơ sở phun xăm thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. 

Spa chỉ cần giấy phép của UBND địa phương trong khi cơ sở phun xăm cần giấy phép của Sở Y tế, còn phòng khám chuyên khoa phải được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ có các phòng khám chuyên khoa, bệnh viện thẩm mỹ hoặc khoa thẩm mỹ của bệnh viện đa khoa mới được phẫu thuật. 

Giới bác sĩ phẫu thuật tạo hình cho biết, nhân viên các spa làm đẹp hay cơ sở phun xăm mổ xẻ được là nhờ đi học các khóa ngắn hạn từ những bác sĩ phẫu thuật muốn kiếm tiền nhanh. Khóa phẫu thuật cơ bản (cắt mí mắt, nâng mũi…) được dạy trong vòng 1 tuần với học phí 50 – 100 triệu đồng/người.

Bởi vậy mà các ca cấp cứu do thủng mũi, hoại tử ngực thậm chí mù mắt… tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày càng nhiều. Vào tháng 4/2021, Sở Y tế TP.HCM truy quét trong hai ngày nhưng đã đóng cửa hơn 30 cơ sở không phép, nhiều cơ sở là của các bác sĩ.

17 năm theo đuổi giấc mơ ‘để thẩm mỹ không còn là ván bài may rủi’ 2
Bác sĩ Tuyết tư vấn hút mỡ bụng cho khách

Trải qua quá trình “mổ dạo” nhiều năm cũng như trực tiếp sửa các ca phẫu thuật lỗi cho khách hàng, chị là người thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau của họ. Có người ít tiền đành nhắm mắt đặt cược vào sự may rủi, cũng có không ít người cứ thấy biển “thẩm mỹ viện” là đi vào. May mắn thì còn lành lặn, số khác thì bị những cơn đau do hoại tử, sẹo lồi, biến chứng… hành hạ cơ thể dài dài. 

Mỗi năm, chị sửa ít nhất vài chục ca phẫu thuật lỗi cho khách, chủ yếu là cắt mí hay nâng mũi.

Theo chị, đã là phẫu thuật thì không phân biệt ca nào là nhỏ hay lớn, vì mỗi động tác đều liên quan đến sức khỏe con người. Bởi vậy, chị thường tư vấn cho khách rất kĩ trước khi để họ kí hợp đồng. Hầu hết những người làm theo khuyến cáo của chị đều tự hào với diện mạo mới.

Bí quyết của chị nghe qua rất đơn giản, đó là chỉ cần chỉnh sửa bộ phận cần làm đẹp hài hòa với cơ thể của họ. “Không có chuyện 10 cái mũi sau khi nâng đều giống nhau cả mười. Chỉ số khung xương và độ căng da mặt của mỗi người đều khác nhau”, chị lý giải.

Suốt 3 năm qua, dù chưa bị khách hàng phàn nàn lần nào, nhưng bà vẫn muốn theo đuổi mục tiêu mở bệnh viện thẩm mỹ. Nguyên nhân chính là phòng khám thẩm mỹ chỉ hoạt động trong giới hạn cho phép, chưa trang bị đầy đủ các thiết bị xét nghiệm, nhất là ê kip bác sĩ cấp cứu có kinh nghiệm.

Để thực hiện những ca phẫu thuật ngoài khuôn mặt, cần có các điều kiện này và phải được thực hiện trong bệnh viện. Mục tiêu này sẽ giúp nữ bác sĩ trẻ hiện thực giấc mơ của mình, đó là giúp nhiều người được làm đẹp một cách an toàn, không phải đánh đổi sức khỏe và tính mạng ở những phòng khám không đủ điều kiện nữa.