19.000 tỷ đồng chuẩn bị ‘rót’ vào tỉnh Hậu Giang

Nhật Hạ - 16:01, 18/07/2022

TheLEADERTỉnh Hậu Giang mới đây đã trao 12 quyết định đầu tư với tổng số vốn 19.000 tỷ đồng và tám biên bản ghi nhớ trị giá gần 205 nghìn tỷ đồng.

19.000 tỷ đồng chuẩn bị ‘rót’ vào tỉnh Hậu Giang
UBND tỉnh Hậu Giang ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tập đoàn Him Lam ngày 16/7. Ảnh: Nhật Bắc

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, UBND tỉnh đã trao 12 quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 19.000 tỷ đồng, tổng diện tích 290ha; cùng với tám biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, đầu tư với tổng vốn đầu tư 204.649 tỷ đồng.

Trong đó, biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất được ký kết là dự án của Tập đoàn Him Lam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch.

Mặt khác, Thủ tướng cho rằng các nhà đầu tư có thể cân nhắc, ưu tiên đầu tư vào Hậu Giang ở một số lĩnh vực như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo;

Cùng với phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin…

Được biết trong hội nghị, tỉnh đã kêu gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với quy mô dự án 50 ha, tổng mức đầu tư 345 tỷ đồng.

Thủ tướng cho rằng: "Đây là tài sản quý hiếm không những của Hậu Giang mà còn cả ĐBSCL, không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, trong chiến tranh "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù".

Do đó, cần phải nâng niu, giữ gìn, có thái độ ứng xử phù hợp, bảo vệ, phát huy một cách khoa học, hiệu quả nhất, mang tính thực tiễn sâu sắc nhất, bảo vệ môi trường, sinh thái một cách nghiêm ngặt nhất. Nếu chúng ta chưa làm được gì tốt hơn thì cũng đừng làm gì ảnh hưởng xấu tới khu bảo tồn này, lá phổi xanh này".

Mặt khác, các quy định hiện hành cho phép thực hiện các hoạt động kinh tế trong Khu bảo tồn này như du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang tiếp tục cải thiện môi trường, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cần chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng, trong đó đến năm 2030 có 100km đường cao tốc đi qua địa bàn, cũng như nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư...

19.000 tỷ đồng chuẩn bị ‘rót’ vào tỉnh Hậu Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Nhật Bắc.

Đề nghị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương

Tại hội nghị, tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang từ nguồn vốn vay nước ngoài phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; tách công tác giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để triển khai các dự án; phân bổ tăng thêm diện tích đất công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025;

Cùng với đó điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển sang các loại đất khác nhằm thu hút đầu tư; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Năm 2022, tỉnh Hậu Giang kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến 30.265ha, với tổng mức đầu tư 48.175 tỷ đồng, gồm 9 dự án vào khu công nghiệp, 7 dự án vào cụm công nghiệp, 21 dự án nông nghiệp, 31 dự án đô thị, 8 dự án du lịch.

Tỉnh cũng xác định quy hoạch là kim chỉ nam, định hướng phát triển thời kỳ 2021 - 2030 với quan điểm "Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm".

Trong đó, "nhất tâm" là phát triển huyện Châu Thành thành trung tâm công nghiệp và đô thị; "nhị tuyến" là khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.

"Tam thành" là nâng tầm các đô thị Vị Thanh, Ngã Bảy, Long Mỹ. "Tứ trụ" là phát triển 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Còn "ngũ trọng tâm" là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đến năm 2025, tỉnh cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế; cải thiện thu ngân sách; phấn đấu mỗi năm thu ngân sách nội địa tăng 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13.000-15.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời trở thành 1 trong 3 địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hậu Giang được thành lập năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Tỉnh rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người, xếp thứ 54 cả nước, nằm ở vị trí tương đối trung tâm của vùng ĐBSCL, có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km với mật độ lớn.

Hệ thống giao thông Hậu Giang thuận tiện, với 5 trục giao thông huyết mạch, ở giao điểm của các tuyến cao tốc Bắc-Nam và Đông-Tây, gần sân bay Cần Thơ với tổng chiều dài khoảng 400 km.

Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của vùng Tây Nam Bộ; có thế mạnh về cây lúa (lúa chất lượng cao với 32.000 ha) và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú.

Năm 2021, GRDP tăng 3,08% (đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành ĐBSCL). Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế đã được phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11% (cao nhất từ trước đến nay; cao nhất vùng ĐBSCL và xếp thứ 8 trong cả nước). 

Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng, tăng 19%. Công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%. Nông nghiệp tăng trưởng 4,49%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 68,8%.