2 dự án điện được phép đầu tư trong khu dự trữ titan

Nguyễn Cảnh - 15:20, 20/03/2021

TheLEADERTrong số 12 dự án điện gió đã có chủ trương đầu tư, chỉ 2 trường hợp được cho phép đầu tư trong khu vực dự trữ titan tỉnh Bình Thuận.

2 dự án điện được phép đầu tư trong khu dự trữ titan
Ngoài dự án điện gió Hòa Thắng 1.2 , Vietracimex còn sở hữu dự án điện mặt trời Hồng Phong 1B (tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng), 1A (4.198 tỷ đồng)

Cụ thể, tính tới cuối tháng 1/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án điện gió trên địa bàn. Trong số này, ghi nhận 2 dự án được Thủ tướng có văn bản cho phép đầu tư trong khu vực dự trữ titan.

Trường hợp đầu tiên là dự án điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW, vốn đầu tư 4.736 tỷ đồng, đặt tại xã Hòa Thắng, thị trấn Chợ Lầu) do Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng (trực thuộc Vietracimex) làm chủ đầu tư. Dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017, điều chỉnh chủ trương vào tháng 1/2019.

Hiện tại, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua tua bin, vật tư, thiết bị. Dự án đang vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, rừng tự nhiên nên chưa triển khai xây dựng. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua về việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ để thực hiện Dự án). 

UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, UBND tỉnh đang xem xét báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung về dự án theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tương tự, dự án điện gió Thái Hòa (Hòa Thắng 4) có công suất 90MW, tổng mức đầu tư 3.879 tỷ đồng, do Công ty CP Năng lượng Pacific – Bình Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017, điều chỉnh chủ trương vào tháng 6/2019. Theo UBND tỉnh cho biết, Thủ tướng đã có văn bản cho phép đầu tư dự án trong khu vực dự trữ titan.

Ngoài 2 dự án nêu trên, ghi nhận 10 trường hợp đã được tỉnh cấp chủ trương, chứng nhận đầu tư nhưng vẫn phải chờ cấp thẩm quyền cho phép đầu tư do nằm trong khu vực dự trữ titan.

Điển hình như dự án phong điện 1 – Bình Thuận (công suất 90MW, tổng mức đầu tư 3.357 tỷ đồng) do công ty TNHH Năng lượng tái tạo 2 Bình Thuận thực hiện tại huyện Tuy Phong, dự án điện gió Thuận Nhiên Phong (công suất 32MW, tổng mức đầu tư 1.499 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện gió Thuận Nhiên Phong 1), dự án điện gió Thái Phong (Hòa Minh) công suất 14,5MW, tổng mức đầu tư 694 tỷ đồng của Công ty CP Năng lượng Pacific – Bình Thuận.

Đáng chú ý, dự án điện gió Thuận Nam (Hàm Cường 2) đã đã được Tổng cục địa chất khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất triển khai đầu tư trong khu vực dự trữ titan, tuy nhiên chưa được Thủ tướng cho phép đầu tư. Dự án này có công suất 19,8MW, tổng mức đầu tư 879 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư HD thực hiện. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua tua bin, vật tư, thiết bị và cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, GPMB nhưng chưa được tỉnh giao, cho thuê đất do vướng quy hoạch dự trữ titan.

Ngoài ra, 2 trường hợp khác cũng chưa thể đầu tư (do chưa được cấp thẩm quyền cho phép) là dự án điện gió Bình Thuận (Hòa Thắng 2.2, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng) của công ty CP Win Energy và dự án điện gió Hồng Phong 2 (The Blue Circle.Pte. Ltd, Công ty TNHH Tái tạo Năng lượng Đông Nam Á, Asian Wind Power 2 HK Limited).