4 'bậc thang' dẫn tới phát thải ròng bằng không

Phạm Sơn - 17:17, 15/01/2023

TheLEADERTiết kiệm năng lượng, chuyển dịch năng lượng, điện khí hóa và xây dựng hệ thống lưu trữ carbon là những giải pháp căn cơ để đạt được phát thải ròng bằng không.

4 'bậc thang' dẫn tới phát thải ròng bằng không
Chuyển dịch năng lượng là nhiệm vụ quan trọng để đạt được "net zero". Ảnh: TTXVN

“Có lẽ Việt Nam cũng không đánh giá hết được rằng chúng tôi nghĩ tốt về Việt Nam như thế nào” là lời một số bạn bè quốc tế nói với TS. Đỗ Nam Thắng, chuyên gia thuộc Đại học ANU, về cam kết đầy tham vọng của Việt Nam tại COP26.

Bởi lẽ, việc đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 là một thách thức rất lớn đặt ra cho Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào điện than và nhu cầu năng lượng không ngừng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Công thương, năng lượng chiếm đến hơn 70% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Dù đầy thách thức nhưng Việt Nam đang chứng tỏ rằng cam kết phát thải ròng bằng không không phải là một lời hứa suông. Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ozon và phát triển kinh tế carbon thấp, cho biết, chỉ trong năm 2022, Việt Nam đã tập trung nguồn lực xây dựng cơ chế chính sách với nhiều văn bản pháp luật quan trọng về biến đổi khí hậu, đồng thời tập trung nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu đối với nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên, cộng đồng cho tới doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, còn một chặng đường dài với nhiều việc phải làm để thực sự hiện thực hóa cam kết tại COP26. Đối với ngành năng lượng, tại Diễn đàn Phát thải ròng bằng không - từ cam kết đến hành động do Viện Chính sách kinh tế môi trường và các đối tác phối hợp tổ chức, ông Thắng đưa ra 4 “bậc thang” dẫn tới phát thải ròng bằng không.

Đầu tiên là thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Thực tế, từ năm 2010, Việt Nam đã có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo ông Thắng, tiết kiệm năng lượng cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa để đạt được cam kết giảm phát thải.

Thứ hai, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là những dạng năng lượng như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời… vốn có nhiều điều kiện phù hợp để phát triển. Việt Nam có nhiều tiềm năng cho năng lượng tái tạo, do đó chuyển dịch năng lượng là nhiệm vụ cần được ưu tiên.

“Giả sử như chúng ta chuyển sang dùng xe điện mà điện vẫn sản xuất từ than thì cũng chỉ là chuyển phát thải từ nơi này sang nơi khác, không giải quyết được triệt để vấn đề nếu không có chuyển dịch năng lượng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thứ ba, điện khí hóa hoạt động giao thông cũng như sản xuất công nghiệp, ví dụ như sử dụng xe điện thay thế cho xe động cơ đốt trong, tiến tới hydrogen hóa các phương tiện giao thông đường dài.

Cuối cùng, tăng cường ngành công nghiệp thu hồi carbon, bao gồm trồng rừng, quản lý hiệu quả các hệ sinh thái trên biển.

Cả 4 “bậc thang” đều không phải là những nhiệm vụ dễ dàng, tuy nhiên, ông Thắng kỳ vọng, những bước tiến về công nghệ sẽ là trợ lực thúc đẩy quá trình đi đến phát thải ròng bằng không.

“15 năm trước, chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng điện thoại di động có thể hiện đại như ngày nay. Những bước tiến vượt bậc về công nghệ sẽ khiến chúng ta phải ngạc nhiên và sẽ giúp ích lớn cho quá trình phi phát thải”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với ông Thắng, ông Quang Anh chỉ ra 2 hướng tiếp cận về lộ trình giảm phát thải, bao gồm giảm nguồn phát thải và tăng cường khả năng hấp thụ carbon.

Nói về những việc cần làm, ông Quang Anh nhấn mạnh sự chung tay của các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đối với doanh nghiệp, cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư vào các dự án giảm phát thải.

“Đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu có rủi ro rất lớn vì các dự án đều có thời gian thực hiện dài, tác động chưa thấy ngay. Giả sử như trồng rừng, đến gần ngày khai thác mà gặp thiên tai, cháy rừng thì thiệt hại rất lớn. Do đó cần phải có cơ chế, chính sách giúp nhà đầu tư chấp nhận các rủi ro”, ông Quang Anh nói.