5 yếu tố khiến thế giới ngày càng bị chia tách

Linh Lan - 14:17, 17/01/2018

TheLEADERMối liên kết giữa các quốc gia ngày càng lỏng lẻo, cùng với đó, sự chia rẽ trong xã hội ngày càng rộng mở.

5 yếu tố khiến thế giới ngày càng bị chia tách
Ảnh: CNN Money

Các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Trump, sẽ nhóm họp tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos trong tháng này để thảo luận về việc làm thế nào để tạo ra "một tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ". Theo đó, 5 yếu tố sau đây là những nguyên nhân chính khiến các quốc gia và người dân trên toàn thế giới ngày càng xa cách.

1. Khoảng cách giàu nghèo

Tỷ lệ của cải mà nhóm 1% người giàu nhất năm giữ trên tổng của cải trong nước ngày càng cao, đặc biệt ở các quốc gia phát triển.

5 yếu tố khiến thế giới ngày càng bị chia tách

Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng mạnh mẽ. Người giàu ngày càng trở nên giàu có hơn và ngược lại, người nghèo ngày càng bị bỏ lại phía sau.

Mức tăng lương ở các nước phát triển đang nhanh hơn so với các nước đang hoặc kém phát triển.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở tiền lương. Số tài sản được tích lũy cả đời thậm chí còn phân bổ không đồng đều bằng thu nhập. Đó là bởi vì phần lớn số tài sản này được giữ dưới dạng tài sản, cổ phiếu và lương hưu - những tài sản có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng vượt quá tầm với của nhiều người.

Ví dụ, tiền lương trả cho người lao động ở Đức tăng 5% trong giai đoạn 2000 đến 2016, trong khi thu nhập từ đầu tư và hoạt động kinh doanh tăng 30%.

Các nhà nghiên cứu thuộc dự án Wealth and Income Database (Dữ liệu thu nhập và của cải) cho rằng, mặc dù sự bất bình đẳng gia tăng ở hầu hết các nước nhưng nó đang tăng ở các mức khác nhau, điều này cho thấy các chính phủ có thể làm gì đó để cải thiện tình hình.

Nghiên cứu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các tổ chức khác đã chỉ ra rằng, sự bất bình đẳng sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và làm cho mọi người nghèo hơn.

2. Phân biệt giới tính

Phần trăm số người lao động là nữ

5 yếu tố khiến thế giới ngày càng bị chia tách 1

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, ở mọi quốc gia, thu nhập của phụ nữ đều thấp hơn nam giới trong cùng một công việc ngay cả khi phân biệt giới tính là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Phụ nữ là một nguồn lực kinh tế chưa được khai thác. Chỉ có 50% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động toàn cầu, so với con số 80% của nam giới. Theo Ngân hàng Thế giới, có ít nhất một trở ngại pháp lý đối với người lao động là nữ giới tại 90% quốc gia.

Việc chấm dứt bất bình đẳng về mặt kinh tế giữa nam và nữ sẽ mất tới 217 năm nữa.

IMF kêu gọi các quốc gia phải hành động nhiều hơn nữa để nâng cao bình đẳng giới. Khi phụ nữ làm việc tốt hơn, nền kinh tế cũng sẽ phát triển hơn. Nghiên cứu của IMF cho thấy rằng nếu số lượng nữ giới và nam giới tham gia lực lượng lao động tương đương nhau thì có thể giúp gia tăng GDP của Mỹ lên 5%, của Nhật Bản 9% và của Ấn Độ 27%.

3. Biến đổi khí hậu

Các nước dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng cao 

5 yếu tố khiến thế giới ngày càng bị chia tách 2

"Chỉ số nguy cơ biến đổi khí hậu" của Maplecroft dựa trên tác động của thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cũng như ảnh hưởng đến cấu trúc dân số, nguồn lực, nông nghiệp và các tranh chấp. Chỉ số này cũng xem xét sự sẵn sàng và khả năng chống lại biến đổi khí hậu của mỗi quốc gia.

Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất từ biến đổi khí hậu lại là những nước nghèo nhất trên thế giới. Biểu đồ này cho thấy ngay cả các nước trong nhóm G20 cũng không nằm ngoài mối nguy ấy.

IMF đã cảnh báo rằng các nước đang phát triển đang phải đối mặt với những thách thức tài chính gia tăng do biến đổi khí hậu. Bão ở vùng biển Caribê và Mỹ Latinh, lũ lụt nghiêm trọng ở Nam Á và hạn hán ở Đông Phi đã gây ảnh hưởng tới một số nước nghèo nhất trong các khu vực này vào năm 2017.

Trong khi đó, Mỹ, nước gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, đã rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu cũng gây ra những căng thẳng chính trị, do người dân các nước bị ảnh hưởng buộc phải rời khỏi quê hương và di cư đến các quốc gia khác.

4. Phân cực chính trị

Từ Mỹ, châu Âu đến châu Á, chính trị đang trở nên phân cực hơn.

Các cuộc thăm dò từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, đảng Cộng hòa ngày càng trở nên bảo thủ hơn, trong khi Đảng Dân chủ ngày càng tự do hơn. Điều đó có nghĩa là họ ngày càng chia sẻ ít điểm chung về các vấn đề nghị sự hơn trong quá khứ.

Ở châu Âu, chủ nghĩa dân túy đang thu hút sự ủng hộ nhiều hơn ở một số quốc gia, bao gồm Áo, Ba Lan, Hungary và Pháp.

Các nhà phân tích của Tập đoàn Eurasia đã cảnh báo về sự gia tăng chủ nghĩa Hồi giáo, đường lối chống Trung Quốc và chống lại các dân tộc khác ở khu vực Nam Á.

5. Bất bình đẳng về giáo dục

Theo Unicef, hơn 60 triệu trẻ em từ 6 đến 11 tuổi không được đi học. Hơn một nửa trong số đó nằm ở vùng tiểu khu vực Sahara, châu Phi, và khoảng 27 triệu trẻ em sống trong các khu vực xung đột.

Giáo dục là con đường giúp con người thoát khỏi đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận trường học của trẻ em khác nhau rất nhiều giữa các khu vực trên thế giới.

Trung bình, toàn cầu có 65% số người có độ tuổi từ 25 trở lên đã tốt nghiệp trung học cơ sở. Ở châu Âu và Mỹ, tỷ lệ này là trên 90%. Trong khi đó, tại châu Phi, con số này chỉ đạt dưới 30%.