6 ngôi chùa nổi tiếng nên đi lễ đầu năm

Lý Xuân Diện * - 11:47, 26/01/2020

TheLEADERTrong gia tài di sản văn hóa vô gia mà tổ tiên để lại, Tết là điểm nhấn quan trọng với nhiều phong tục nhân văn, trong đó có xuất hành đi lễ chùa hoặc nhà thờ, tùy tôn giáo.

Xin giới thiệu top 6 chùa và nhà thờ tiêu biểu, để bạn đọc chon lựa. Dẫu rằng, Phật và Chúa đều tại tâm nhưng nếu có điều kiện, một công đôi việc, vừa đi lễ, vừa có thêm trải nghiệm lịch sử và văn hóa dân tộc, qua những kiến trúc tôn giáo đặc thù.

Đền Thượng và đền Mẫu – trấn ải biên cương (Lào Cai)

Đền Thượng thờ Hưng Đạo Đại vương - Trần Quốc Tuấn, di tích quốc gia, xây dựng từ cuối thế kỷ XVII; trên đồi Hỏa Hiệu (nơi báo có giặc ngoại xâm), núi Mai Lĩnh cao 1.200m. Dưới tán cây đa cổ thụ trên 300 tuổi là miếu thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Nữ chúa rừng xanh). 

Tương truyền, trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bà đã góp công đánh giặc giữ vững biên cương. Đền Thượng nằm trong quần thể di tích văn hóa với chùa Tân Bảo, đền Am, đền Mẫu, đền Cấm, đền Quan.

Đầu năm đi lễ mừng xuân
Cổng Đền Thượng, Lào Cai. Ảnh: ST.

Đền Mẫu cách đền Thượng 300m, di tích quốc gia, xây dựng từ thế kỷ XVIII, ngay ngã ba sông Hồng và Nậm Thi, sát cột mốc biên giới Việt - Trung số 102; thờ đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa, người vì dân vì nước, một lòng cứu giúp dân nghèo, phù trợ cho triều đình chống lại giặc ngoại xâm, bảo vệ vùng biên ải thiêng liêng của đất nước.

Ban đầu chỉ là ngôi đền nhỏ. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tại nên ngôi đền đã trở nên khang trang như ngày nay với 9 gian thờ. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được coi là Mẫu nghi thiên hạ, giúp muôn dân được thái bình, nhân dân được ấm lo hạnh phúc. Bà là Tiên, là Phật, là Mẹ thánh hiền; được tôn vinh là 1 trong “Tứ bất tử” của Việt Nam.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 1
Chánh điện đền Mẫu, Lào cai. Ảnh: ST.

Chùa Trấn Quốc – giữ nước (Hà Nội)

Chùa Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất, gần 1.500 năm tuổi; trên bán đảo nhỏ, phía đông Hồ Tây, quận Tây Hồ; nơi vua chúa ngự giá vãng cảnh và cúng vào những dịp lễ Tết; cầu quốc thái dân an. 

Đầu năm đi lễ mừng xuân 2
Chùa Trấn Quốc, Hà Nội. Ảnh: ST.

Thời Lý, Trần, nhiều công trình được xây dựng như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua. Chùa kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và cả sự nên thơ; được bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Chùa có cây Bồ đề, chiết từ cây Đại Bồ đề Đạo Tràng - Boh Gaya; nơi Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 3
Cây Bồ đề ở chùa Trấn Quốc, chiết từ cây gốc ở Ấn Độ, nơi đức Phật giác ngộ. Ảnh: ST.

Chùa có vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18; nổi bật là Bảo Tháp lục độ đài sen, gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 4
Chùa Trấn Quốc nhìn từ flycam. Ảnh: ST.

Chùa Hương Tích – dựng nước (Hà Tĩnh)

Chùa Hương Tích, Hoan Châu đệ nhất danh thắng, ở độ cao 650m, trên đỉnh Hương Tích, Hồng Lĩnh; xây vào đầu thế kỷ XIII. Các vua Lê – chúa Trịnh quê vùng Thanh Hóa các cung phi, cung nữ thường trẩy hội chùa Hương bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò). Đường xa trắc trở nên chúa Trịnh cho xây chùa Hương Tích thứ hai ở Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 60km.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 5
Hồ nhà Đường nhìn từ chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ.

Là quần thể di tích văn hóa thờ Phật, thờ Thần, thờ tín ngưỡng nông nghiệp và thờ mẫu với ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi Công chúa Diệu Thiện, con vua Trang Vương, tu hành và hóa Phật Quan Âm. Kiến thúc thuần Việt, từ bậc thang đá đến tường và mái ngói đều rêu phong. Quanh chùa có nhiều cảnh quan như động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên Tắm, khe Quỷ Khóc…

Chùa gắn liền truyền thuyết vua Hùng tìm đất đóng đô và 99 con Phụng Hoàng, về Ông Đùng xếp 99 ngọn núi để cưới Bà Đùng và nhiều di tích trên núi Hồng Lĩnh. Cung Tam Bảo lưu giữ nhiều pho tượng Phật cổ hàng mấy trăm tuổi. Điện thờ có 50 pho tượng Phật ngồi, cao ngang tầm ngực. 

Trong chến tranh, để tránh bom đạn, các tăng ni đã bí mật chôn các pho tượng Phật vào lòng đất. Năm 2006, khi chùa trùng tu, các tượng Phật được đào lên, không có dấu hiệu hoen rỉ. Nhiều người tin rằng đó là kỳ tích Quan Âm linh thiêng, Phật tổ độ trì do thiện tâm cầu khẩn và trời đất phù hộ.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 6
Mái và tường rêu phong ở chùa Hương Tích, Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ.

Chùa Hương cách quốc lộ 1 chừng 6km về hướng Tây, xe 45 chỗ vào tận nơi. Khách mua vé vào cổng rồi đi thuyền máy khoảng 3km trên hồ nhà Đường. Tiếng địa phương gọi là hồ nhà “Đơờng”, có từ thời Bắc thuộc. Nước hồ trong xanh và mát, phẳng như một tấm gương khổng lồ.. Lên thuyền từ khe Quỷ Khóc và men theo lối mòn trekkin khúc khuỷu, cạnh suối Hương Tuyền róc rách khoảng 2km là tới ga cáp treo.

Chùa nhỏ, suối nhỏ, am nhỏ, đường nhỏ, buôn bán nhỏ, quà nhỏ và nói năng cũng nhỏ. Những ai thật tâm muốn tìm chút không gian Phật nguyên thủy, thì chùa Hương Tích Hà Tĩnh là điểm hẹn tâm linh chưa bị thương mại hóa.

Chùa Báo Quốc – báo hiếu (Thừa Thiên Huế)

Chùa Báo Quốc xây vào cuối thế kỷ 17; 3 lần đổi tên Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự, Sắc Tứ Báo Quốc Tự Thiên Thọ và nay là Báo Quốc; là trung tâm tu học của Huế từ 1935. Năm 1948 An Nam Phật Học Hội dời Sơn Môn Phật Học Đuờng từ chùa Linh Quang đến đây. Chùa Báo Quốc đã trở thành trung tâm đào tạo tăng tài với trường Trung cấp Phật Học Huế.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 7
Lối lên chùa Báo Hiếu, Huế. Ảnh: ST.

Đây là nơi thành lập trường Bồ Đề đầu tiên ở Thành Nội Huế vào năm 1952. Về sau phát triển thành hệ thống trường Bồ Đề khắp miền Nam trước năm 1975. Năm 1808 để báo hiếu mẹ là Hiếu Khương Hoàng Thái Hậu, vua Gia Long trùng tu chùa, xây tam quan và đúc đại hồng chung nặng 826 cân ta, cao 1,4m, đường kính 1,2m nay; đặt tên là Thiên Thọ Tự. Vì trùng tên lăng vua Gia Long nên vua Minh Mạng đổi lại là Báo Quốc…

Đầu năm đi lễ mừng xuân 8
Sân trước và chánh điện chùa Báo Hiều. Ảnh: ST.

Chùa còn giữ được Hàm Long Sơn Chí, một tác phẩm của Điềm Tịnh cư sĩ bằng chữ Hán, ghi lại lịch sử phát triển của Phật Giáo Thuận Hoá.

Ở dưới chân đồi có giếng nước nổi tiếng, gọi là giếng Hàm Long vì nước mạch phát ra từ một tảng đá có đầu rồng. Dân gian có câu ca dao lưu truyền “Nước Hàm Long đã trong lại ngọt, Em thương anh rày có bụt chứng tri”.

Chùa Giác Lâm – Phật giáo Nam bộ (Sài Gòn)

Chùa Giác Lâm trải qua hàng trăm năm, có nhiều tên gọi như: Chùa Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm; tọa lạc tại 118 Lạc Long Quân, P.10, Q. Tân Bình, TPHCM. Chùa tiêu biểu cho kiến trúc chùa Nam bộ, tổng thể chữ Tam; chính điện là kiểu nhà dân gian một gian hai chái, có bốn cột chính (tứ trụ), mái chùa gồm 4 vạt và thẳng. 

Chùa hình chữ nhật, gồm 3 lớp nhà chính: chính điện, giảng đường, nhà trai, không kể các nhà phụ. Chính điện có nhiều cột to hơn vòng ôm; khắc câu đối, chữ thiếp vàng; giữa những hàng cột là các cửa võng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như cửu long, tứ linh, tứ quý, hoa điểu… sơn thiếp lộng lẫy.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 9
Chùa Giác Lâm, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ST.

Chùa có 38 tháp, xây từ đầu thế kỷ XIX, kết dính bằng hỗn hợp vôi, đường, ô dước… dung hợp văn hóa Khmer, Việt, Chăm… và cả phương Tây (Pháp), phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ)…Chùa có 118 pho tượng (106 tượng gỗ, 7 tượng đồng, 5 tượng bằng xi măng), trong đó có 113 pho tượng cổ. Các tượng Thập Bát La Hán, Thập Điện, Phật và Tứ Chúng minh chứng rõ nét quá trình phát triển của Phật giáo ở Nam bộ và đặc điểm dân tộc thuần Việt.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 10
Chánh điện chùa Giác lâm. Ảnh: ST.

Chùa Bửu Lâm – mở cõi (Đồng Tháp)

Chùa Bửu Lâm còn gọi là chùa Tổ Cái Bèo, ra đời đầu tiên ở Nam Bộ và vùng Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp; hơn 300 năm với hàng trăm tượng Phật; hàng chục tượng làm từ cây Mây và chuông, ấn, lư đồng cổ xưa. Điện Phật có khá nhiều tượng thờ, bài trí trang nghiêm; khuôn viên có 11 ngôi tháp mộ của chư vị trụ trì tiền nhiệm. Cây Xây cổ thụ phía trước cổng còn lớn tuổi hơn chùa.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 11
Cổng vào chùa Bửu Lâm, Đồng Tháp. Ảnh: ST.

Chùa xây theo kiến trúc bảy nóc kết thành chữ Tam, cách hậu tổ bằng cái sân, trong là đông lang, đây là phần kiến trúc cổ duy nhất còn sót lại. Chùa cách Quốc lộ 30 khoảng 3km. Xe lớn phải trung chuyển bằng ghe hoặc xe lam. Chánh điện, nhà giảng và nhà tổ liền nhau với kích thưóc ngang 16m, dài 65m. Đông lang, Tây lang, mỗi nhà có kích thước ngang 16m, dài 21m.

Đầu năm đi lễ mừng xuân 12
Một góc chùa Bửu Lâm. Ảnh: ST.

Trong hai cuộc kháng chiến, chùa Bửu Lâm là trạm liên lạc, tiếp tế lương thực, hậu cần và là nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng chống lại các đợt càn phá, nhiều lần bị bom và pháo làm hư hỏng.Vào các dịp rằm và đại lễ, nhiều “ông Quy” (một loại rùa) không biết từ đâu, rủ nhau về chùa lễ Phật. Từ bé quy bằng đầu ngón tay cho đến những cụ quy vài ba ký. Chùa còn nổi tiếng bởi ẩm thực chay đúng nghĩa với nước sâm “Hắc đỗ thanh tâm”, Bánh xèo “Nhật Nguyệt bồ đề”, Lẩu “Bốn phương hội ngộ”, kiểm “Thiên Địa đồng tâm”

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Lý Xuân Diện, Chủ homestay Xuân Diện, Lào Cai.