An ninh mạng trong trạng thái bình thường mới

Phạm Sơn - 08:53, 19/08/2020

TheLEADERQuá trình chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, làm dấy lên những lo ngại về bảo mật thông tin cũng như các vấn đề an ninh mạng.

An ninh mạng trong trạng thái bình thường mới
Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cũng đang tăng cao cùng với tốc độ chuyển đổi số. Ảnh: securecdn.

Các lệnh giãn cách xã hội được thực thi khiến số lượng người truy cập các ứng dụng trực tuyến tăng đột biến. Đối với các doanh nghiệp, nền tảng trực tuyến đã trở thành biện pháp thiết yếu để duy trì hoạt động và sống sót với thị trường ảm đạm và chuỗi cung ứng gián đoạn.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ thái độ lạc quan về một nền kinh tế số đang được định hình rõ nét trên góc độ toàn cầu, trong khi số khác lại tỏ ra e ngại về vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cũng đang tăng cao cùng với tốc độ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không phải là việc dễ dàng với một số doanh nghiệp có phương thức làm việc truyền thống lâu năm, thiếu tính nhanh nhạy với công nghệ. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp dễ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng

Tội phạm mạng đe dọa doanh nghiệp mùa Covid-19

Ông Leonardas Marozas, Giám đốc phòng nghiên cứu Bảo mật thuộc đơn vị an ninh mạng CUJO AI cho biết, tội phạm mạng có xu hướng tăng nhanh khi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ưu tiên sự tiện lợi thay vì tính bảo mật trong việc lựa chọn nền tảng làm việc trực tuyến.

Điều này đặc biệt đúng với khu vực Đông Nam Á, khi theo một khảo sát gần đây được tiến hành bởi Bain&Company, có tới 2/3 người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng đánh đổi một số quyền lợi bảo mật để đổi lấy thuận tiện khi sử dụng dịch vụ.

Một chuyên gia đến từ Học viện Kinh tế và chính trị London nhận xét, việc xây dựng hệ thống các giải pháp làm việc từ xa được tiến hành một cách khá vội vàng để ngăn ngừa kịp thời sự lây lan của dịch bệnh mà không làm gián đoạn tới các hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra nhiều sơ hở cho hacker tấn công.

An ninh mạng trong trạng thái bình thường mới
Nhân viên thiếu kỹ năng trong việc xử lý các vấn đề bảo mật có thể gây ra rủi ro cho doanh nghiệp. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Trong nhiều trường hợp, làm việc từ xa cũng gây ra nhiều rủi ro đến từ nhân viên, chủ yếu bởi sự thiếu kỹ năng trong xử lý tình huống bảo mật. Bên cạnh đó, việc cho các thành viên trong gia đình sử dụng chung máy tính cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mới đây, hệ thống mạng của một công ty bất động sản lớn ở Munich, Đức đã bị nhiễm mã độc nghiêm trọng. Nguồn gốc của mã độc này sau đó đã được tiết lộ đến từ một trang web giả mạo phần mềm kiểm tra IQ miễn phí mà cô con gái của giám đốc điều hành đã bấm vào xem.

Ông Thomas Koehler, giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ và an ninh mạng toàn cầu CE21 đưa ra nhận xét, sự tiêu điều của nền kinh tế và nỗi lo của doanh nghiệp khi diễn biến bệnh dịch ngày càng phức tạp đã khiến nhiều kẻ sẵn sàng đánh cắp thông tin của đối thủ cạnh tranh hòng tìm ra phương pháp sống sót qua khủng hoảng.

Ở Việt Nam, số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số lượng các vụ tấn công mạng trong tháng 7 vừa qua giảm mạnh tới gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự tăng cường kiểm soát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng cũng ngày một tinh vi, đa dạng, đặc biệt với thủ đoạn lợi dụng sự quan tâm của xã hội về diễn biến dịch bệnh trong nước và thế giới.

Đảm bảo an ninh mạng: giải pháp từ phía doanh nghiệp

Trong trạng thái bình thường mới, các hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số không chỉ cần được duy trì, mà còn phải tiếp tục đẩy mạnh để theo kịp với tốc độ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Trước tình trạng đó, các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng, mà còn cần kiện toàn năng lực ứng phó của mình trước các rủi ro về an ninh mạng.

Ông Thomas Koehler cùng với các cộng sự đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần phải phân luồng thông tin để hoạt động bảo mật được diễn ra hiệu quả.

Theo các chuyên gia từ Học viện Kinh tế và chính trị London, chỉ có 3-5% thông tin là thực sự cần phải bảo mật tuyệt đối. Áp dụng riêng những biện pháp bảo đảm an ninh nghiêm ngặt chỉ cho các thông tin này sẽ giúp nguồn lực không bị phân tán, thông qua đó nâng cao hiệu quả bảo mật dữ liệu.

Bên cạnh đó, nhân viên chỉ được phép truy cập vào những thông tin liên quan và cần thiết đối với nhiệm vụ của họ để có thể dễ dàng quản lý và nhanh chóng xử lý khi xảy ra sự cố.

Ông Venky Anant, đối tác của McKinsey tại thung lũng Silicon cho rằng, doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều hơn vào vấn đề bảo mật. Theo đó, tuy nguồn vốn là tương đối khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian này, nhưng các rủi ro về bảo mật có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Các chuyên gia từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, điều cần thiết nhất phải làm bây giờ là đào tạo nâng cao kỹ năng an ninh mạng của đội ngũ nhân viên, bao gồm khả năng nhận biết những liên kết có thể gây hại cũng như phương pháp xử lý khi nhận được các email khả nghi.

Ông Koehler nhận định, sau khi đại dịch kết thúc, những thành tựu của quá trình chuyển đổi số vẫn cần được duy trì. Như vậy, việc đảm bảo an ninh mạng sẽ là điều thiết yếu đối với các doanh nghiệp để bảo vệ khách hàng của mình khỏi những rủi ro. 

Hệ thống dữ liệu số được bảo mật chặt chẽ cũng sẽ là nền tảng quan trọng cho các công nghệ chuỗi khối (blockchain) hay tài chính điện tử (fintech) tiếp tục phát triển trên quy mô quốc gia và quốc tế.