Áp lực cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 2019

An Chi - 07:34, 29/03/2019

TheLEADERTheo kế hoạch, năm 2019, cả nước sẽ cổ phần hoá 19 doanh nghiệp, song con số này sẽ phải cộng dồn thêm 40 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá của năm 2018.

Tại buổi họp báo chuyên đề mới đây của Bộ Tài Chính, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2017 – 2020 sẽ thực hiện cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. 

Trong đó, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp và năm 2020 cổ phần hóa 1 doanh nghiệp.

Tuy nhiên đến trong năm 2018 mới chỉ cổ phần hoá được 23 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá với tổng giá trị hơn 31.700 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước 16.700 tỷ đồng.

Việc chậm tiến độ sẽ tạo áp lực cổ phần hóa sang năm 2019. Ngoài 19 doanh nghiệp trong kế hoạch sẽ phải cộng dồn thêm 40 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá xong năm 2018.

Theo đại diện Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hóa trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo về việc điều chỉnh tiến độ.

Tương tự, tình hình thoái vốn trong năm 2018 cũng chỉ thực hiện được một phần ba kế hoạch với 57 đơn vị thoái vốn 8.640 tỷ đồng, thu về hơn 19.600 tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái xấp xỉ 6.600 tỷ đồng, thu về gần 15.900 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc thoái vốn nhà nước còn chậm là do các đơn vị đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả. Còn đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động bị kéo dài, đặc biệt là ở những dự án bị thua lỗ.

Đơn cử như tại Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đấu giá 3 lần không có người mua. "Bộ cho rằng phải tính theo giá thị trường, còn cứ bảo nhà máy hoạt động rồi mà muốn bán hơn 1.000 tỉ đồng thì thu hồi rất khó, trong khi thực tế nhà máy đã hoạt động đâu”, ông Tiến nói.

Tại Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai, nhà nước muốn bán cả doanh nghiệp nhưng phải xử lý các vấn đề tồn tại về tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu, chủ đầu tư. Song các vấn đề này là yếu tố khách quan, không thể xử lý một sớm, một chiều khiến các doanh nghiệp bị chậm tiến độ cổ phần hóa.

Bên cạnh số lượng các doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra, trước đó, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên còn cho rằng, quá trình cổ phần hoá của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều "nghịch lý".

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hoá 508 doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả thực chất là đáng thất vọng: “Có tới 96,5% số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá nhưng chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân”. 

Kế hoạch cổ phần hoá hoàn thành, nhưng mục đích thật sự là tái cơ cấu, phân bố lại nguồn lực không đạt được. 

Nguyên nhân của thực trạng này theo ông Thiên là do với tỷ lệ nắm giữ 8% vốn sau cổ phần hóa, các nhà đầu tư tư nhân thực tế không có quyền chi phối doanh nghiệp.

Chính vì thế, hoạt động sau cổ phần hoá tại một số doanh nghiệp chưa đi vào thực chất. Tổ chức bộ máy, hoạt động quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa không có nhiều thay đổi. Khoảng 80% vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước - ban điều hành, kế toán trưởng hầu như không thay đổi. Quyền tài sản không được xác lập rõ ràng. Vấn đề đất đai trong thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng còn nhiều bất cập, tiêu cực,thất thoát. 

Theo ông Thiên, điều này dẫn đến việc chuyển nguồn lực doanh nghiệp nhà nước sang cho khu vực tư nhân chưa thiết thực và mang lại lợi ích tăng trưởng to lớn cho nền kinh tế.

Để hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, vị chuyên gia này cho rằng, cần chuyển từ lập trường “cổ phần hóa” sang lập trường “tư nhân hóa”. Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng thì nên xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Bên cạnh đó, cần áp dụng đầy đủ nguyên tắc thị trường trong cổ phần hóa, nhất là quá trình bán tài sản mà trước hết là đối với tài sản đất đai. Đồng thời, công khai minh bạch thông tin về doanh nghiệp nhà nước là nguyên tắc tối quan trọng, ông Thiên nhấn mạnh.