Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018

Trung Ngọc - 15:04, 14/09/2017

TheLEADERMục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho năm 2017 phụ thuộc rất lớn vào sự hồi phục của khu vực sản xuất và nông nghiệp.

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018
Nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng năm 2017. Ảnh Tài chính

Một báo cáo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho biết, năm 2017, nền kinh tế Việt Nam nhìn chung ổn định, lạm phát duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, để đạt tăng trưởng 6,7%, trong hai quý cuối năm 2017 tăng trưởng phải đạt được mức xấp xỉ 7,4% và 7,5%. 

Thêm vào đó, xét về tình hình hiện tại, sự hồi phục của khu vực sản xuất chưa thực sự vững chắc, ngoài mức tăng trưởng ấn tượng được ghi nhận từ khu vực dịch vụ thì tăng trưởng của hai khu vực còn lại (nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng) vẫn duy trì ở mức ổn định. 

Đầu tư FDI tăng trưởng tốt nhưng giải ngân vốn từ ngân sách Nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn.Tiêu dùng tăng nhưng gặp khó khăn do xu hướng tăng của mặt bằng giá cả trong nước. Xuất khẩu đạt khá nhưng tăng trưởng chủ yếu do khu vực FDI, nhập siêu có chiều hướng tăng trở lại.

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm và cả năm 2017 của Chính phủ cũng nhận định “nhiệm vụ bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 vẫn là một thách thức lớn và còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cần duy trì liên tục những nỗ lực, cố gắng trong những tháng cuối năm”.

Sang năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới tại các quốc gia và khu vực không có quá nhiều biến động, dự kiến tăng trưởng GDP thế giới ở mức 3,6% (IMF, tháng 6/2017). Giá cả và thương mại thế giới được dự báo duy trì ở mức ổn định. Trong nước, quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. 

NCIF dự báo kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo ba kịch bản sau:

Kịch bản trung bình, cũng là kịch bản cơ sở, với nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong đó giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức 3,6%. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn và giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Điều hành chính sách, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 7%. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu. Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,5%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 4%.

Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình. Ngoài ra, những nỗ lực của chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những năm còn lại của giai đoạn kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam gặp những khó khăn, bất lợi. Những giải pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2017 không đạt hiệu quả ngay mà lại gây áp lực lạm phát gây bất ổn vĩ mô. Khi đó, nếu cộng hưởng thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,3% trong khi lạm phát có thể tăng trở lại ở mức 4,5% và có thể còn cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách. 

Ước thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế Việt Nam năm 2017 và dự báo các kịch bản tăng trưởng năm 2018. Nguồn: NCIF