Băn khoăn mục tiêu tăng trưởng GDP

An Chi - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERViệc áp đặt chỉ tiêu cho từng bộ ngành có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, do không tạo ra động lực phát triển cho các thành phần kinh tế.

Cụ thể, Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II năm 2017 của VEPR cho biết, bước sang quý II, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực với mức tăng trưởng 6,17% (yoy), cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý vừa qua, khu vực dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế. Tính chung sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73% (yoy), tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,85% trong hai quý đầu năm (yoy), cao nhất trong vòng 05 năm trở lại đây. Đáng chú ý, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đã tăng 30,2% (yoy), chủ yếu đến từ các nước Trung Quốc (tăng 56,7%), Nga (tăng 53,4%) và Hàn Quốc (tăng 43,9%).

Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy rõ sự phục hồi sau một năm suy giảm do các yếu tố bất lợi bên ngoài. Tăng trưởng khu vực này trong nửa đầu năm đạt 2,65%, thậm chí cao hơn mức tăng 2,22% của năm 2015. Trong đó, ngành thủy sản tăng trưởng mạnh nhờ những thuận lợi về cả thời tiết và giá cả (tăng 5,08%, yoy). Nông nghiệp dù còn gặp nhiều khó khăn vẫn đạt mức tăng 2,01% trong nửa đầu năm 2017.

Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ hai năm trước đó (2015: 9,36%, 2016: 7,36%, 2017: 5,81%, yoy). Tuy nhiên, khác với quý I, suy giảm công nghiệp trong quý II chỉ đến từ ngành khai khoáng (giảm 8,2% yoy). Do đó, chúng tôi cho rằng khu vực công nghiệp giảm sâu trong Quý 1 chỉ mang tính thời vụ, không phản ánh xu hướng dài hạn của nền kinh tế.

Cụ thể, công nghiệp chế biến chế tạo đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng khá trong quý II, đạt 10,5% (yoy) và tương đương so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, ngành xây dựng vẫn duy trì ổn định mức tăng trưởng, đạt 8,5% (yoy) trong nửa đầu năm.

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực trong quý II. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ dần phục hồi về mức trung bình năm 2016. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% (yoy) trong tháng Sáu, cao hơn đáng kể so với quý trước. Trong đó, IPI ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi và đạt mức tăng 10,5% (yoy), cao hơn mức tăng cùng kỳ 2016.

Chỉ số tiêu thụ cải thiện từ mức 7,5% (yoy) trong tháng ba lên trên 8% (yoy) trong hai tháng tiếp theo. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp đã giảm xuống còn 10,2% (yoy) trong tháng năm, từ mức 13,3% (yoy) hồi đầu năm.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, chỉ số VEPI đã cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số VEPI cải thiện nhẹ hơn so với tăng trưởng kinh tế do không bị sụt giảm đáng kể trong quý 1. 

Cụ thể, VEPI đạt 6,0% trong quý II, cao hơn so với cả quý trước và cùng kỳ năm 2016 (5,77% và 5,35%). Đây là kết quả của mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại và tín dụng trong quý này.

Trước những khó khăn trong suy giảm tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành, các lĩnh vực, nỗ lực và quyết tâm tối đa để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. 

Đồng thời, các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành. Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, việc áp đặt chỉ tiêu cho từng bộ ngành có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, do không tạo ra động lực phát triển cho các thành phần kinh tế.